Đáp ứng nguồn vốn hỗ trợ hợp tác xã

Hiện nay, khó khăn về nguồn vốn đang là một trong những “nút thắt” khiến không ít hợp tác xã trở nên chật vật hơn khi xoay xở làm ăn. Thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán, khi các đơn hàng phục vụ Tết tăng lên, nhu cầu vốn của các hợp tác xã càng trở nên cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ dân tại xã Tiên Thanh liên kết với Hợp tác xã Thuấn Lanh (Hải Phòng) trồng dưa bao tử.
Nhiều hộ dân tại xã Tiên Thanh liên kết với Hợp tác xã Thuấn Lanh (Hải Phòng) trồng dưa bao tử.

Hợp tác xã Thuấn Lanh ở thôn Kim Đới, xã Tiên Thanh (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) được thành lập từ năm 2016 với bảy thành viên, tập trung đầu tư sản xuất vào hai lĩnh vực là trồng trọt và chăn nuôi. Theo chia sẻ của Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã Hoàng Văn Thuấn, đơn vị thực hiện liên kết với hơn 800 hộ nông dân trên địa bàn, theo quy trình người nông dân góp ruộng, công chăm sóc còn hợp tác xã đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm của hợp tác xã khá đa dạng, bao gồm ớt, dưa chuột bao tử, cà chua, khoai tây,... trong đó chỉ tính riêng ớt, chi phí sản xuất khoảng 7.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay khoảng hơn 40 nghìn đồng/kg, một sào cũng cho thu hoạch 7-8 tấn ớt loại A, lợi nhuận thu về hơn 20 triệu đồng. Cùng với trồng trọt, hợp tác xã đang đầu tư 40 trang trại gà thịt, tổng số hơn 300 nghìn con.

Tuy nhiên nông nghiệp vốn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, vì vậy, Hợp tác xã Thuấn Lanh cũng không ít lần điêu đứng khi giá xuống dốc kỷ lục. Ông Hoàng Văn Thuấn nhớ lại, từ cuối năm 2022 đến tháng 8/2023, lượng thịt gà nhập khẩu tăng, bất chấp nguồn cung trong nước vốn đã dư thừa. Bên cạnh đó, trong khi giá gà giảm kỷ lục thì hợp tác xã lại phải đối diện với chi phí chăn nuôi tăng cao. Tại thời điểm khi giá gà giảm và dao động ở mốc 32.000-38.000 đồng/kg, hợp tác xã đã buộc phải cho xuất chuồng. Với trang trại lên tới hơn 300 nghìn con gà, hợp tác xã của ông Thuấn đã thua lỗ gần 13 tỷ đồng.

Trong lúc khó khăn như vậy, điều “an ủi” là hợp tác xã đã được Agribank chi nhánh huyện Tiên Lãng chung tay chia sẻ khi kịp thời giảm lãi suất, cơ cấu lại khoản vay giúp ông Thuấn có thể tiếp cận vốn vay mới để tái đầu tư. “Với vai trò đồng hành, là người bạn tin cậy của bà con nông dân, Agribank chi nhánh Tiên Lãng đã chủ động nắm bắt thiệt hại của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ bằng cách vận dụng nhiều cơ chế linh hoạt như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho vay để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng quy định. Cùng với đó, các cán bộ tín dụng luôn theo sát diễn biến giá gà, giá nông sản để kịp thời tư vấn tháo gỡ, liên kết, giới thiệu sản phẩm đầu ra cho người nông dân nói chung và các hợp tác xã như của ông Thuấn nói riêng, để họ có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn, từng bước ổn định lại đời sống và phát triển sản xuất”, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tiên Lãng Nguyễn Thị Thơm chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Thuấn cho hay, nguồn vốn của ngân hàng là rất cần thiết đối với hợp tác xã lúc này. Nhờ phần lãi suất được giảm bớt và nguồn vốn tín dụng được bổ sung từ ngân hàng, Hợp tác xã Thuấn Lanh đến nay đã từng bước hồi phục sản xuất, kinh doanh. Giá gà dần bình ổn, xã viên trong hợp tác xã không những thu lại được số tiền thua lỗ đầu năm mà dần có lãi từ các trang trại trong hợp tác xã. Với gần chín tỷ đồng nguồn vốn cho vay từ Agribank, mô hình nông nghiệp của hợp tác xã không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Tuy nhiên, Hợp tác xã Thuấn Lanh cũng chỉ là một số ít trong tỷ lệ hiếm hoi những hợp tác xã có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Khảo sát từ hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, đến nay mới chỉ có khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng, riêng các hợp tác xã nông nghiệp, tỷ lệ này còn thấp. Những con số này cho thấy việc tiếp cận vốn của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các thành viên chưa tương xứng với quy mô và vai trò, đóng góp của hợp tác xã đối với nền kinh tế.

Nhìn nhận về “nút thắt” vốn tín dụng của các hợp tác xã, Phó Tổng Giám đốc Agribank Lê Hồng Phúc cho biết, mặc dù Agribank đã có nhiều phương án cấp tín dụng nhưng việc cho vay đối với hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, vì có nhiều hợp tác xã vốn tự có chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính minh bạch, bài bản, thẩm định cũng chưa hoàn thiện. Tài sản của hợp tác xã cũng là vấn đề khi nhiều hợp tác xã có nhà lưới, nhà xưởng nhưng tài sản đó đi đồng bộ với giấy tờ đất, kể cả đất thuê bị thế chấp chưa bảo đảm tính pháp luật,... “Ngoài ra, cũng phải đề cập tới góc độ tính trách nhiệm của các thành viên trong doanh nghiệp, hợp tác xã chưa cao, chưa chặt chẽ. Do đó trong thời gian tới, hy vọng Chính phủ, các cấp, các ngành có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ hợp tác xã phát triển hơn. Cùng với đó, bản thân các hợp tác xã cũng phải tháo gỡ những hạn chế để tăng cơ hội tiếp cận vốn từ ngân hàng”, ông Phúc chia sẻ.

Đồng quan điểm, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cho biết, để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn vay, các hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản trị; tăng số lượng thành viên để khuyến khích góp vốn. Đồng thời, hệ thống Liên minh Hợp tác xã trong cả nước cần tổ chức các khóa đào tạo tìm hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng; các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho các hợp tác xã;...■