Đào tạo từ xa: Chỉ cần tốt nghiệp THPT là vào đại học

Khai thác tài nguyên học tập qua mạng tại thư viện ĐH Mở bán công TP Hồ Chí Minh.
Khai thác tài nguyên học tập qua mạng tại thư viện ĐH Mở bán công TP Hồ Chí Minh.

Viện ĐH mở Hà Nội và Trường ĐH Mở bán công TP Hồ Chí Minh sẽ được tập trung đầu tư; ưu tiên tiếp theo là các trường ĐH Sư phạm 1, Học viện Bưu chính - Viễn thông, ĐH Huế...

Bắt đầu nhận đơn đăng ký

Thể hiện quyết tâm này, ngày 9-10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có công văn đồng ý cho thực hiện việc san lấp mặt bằng, xây tường rào ở một khu đất tại huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) để xây dựng Phân hiệu Trường ĐH Mở bán công TP Hồ Chí Minh. PGS-TS Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng ĐH Mở bán công TP Hồ Chí Minh còn dự định mở rộng hoạt động hệ giáo dục từ xa của trường bằng cách đặt các trung tâm học tập lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Gia Lai, Tổng đội Thanh niên xung phong...

Thạc sĩ Hồ Hữu Trí (Phó giám đốc Trung tâm giáo dục từ xa, ĐH Mở bán công - TP Hồ Chí Minh) cho biết từ đầu tháng 10 đến 15-11 đã bắt đầu nhận đơn đăng ký học hệ giáo dục từ xa, cuối tháng 11 sẽ có những buổi ôn tập đầu tiên của năm học mới. Học viên đã tốt nghiệp THPT đều có thể đăng ký tại Trung tâm giáo dục từ xa của trường (phòng 005 - 97 Võ Văn Tần, Q.3, TP Hồ Chí Minh) hoặc các trung tâm giáo dục từ xa các tỉnh liên kết như Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau với các ngành học Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Xây dựng, Kế toán, Kinh tế, Anh văn, Công tác xã hội, Xã hội học. Nỗ lực lớn nhất của trường lúc này chính là soạn bài giảng điện tử, tập trung trang bị các phương tiện học tập cho học viên. Văn bằng cử nhân giáo dục từ xa được công nhận để tiếp tục học lên cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ).

Tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin

Một học viên lớn tuổi nhận bằng tốt nghiệp qua
chương trình đào tạo từ xa.

Trong lúc chờ một ĐH trực tuyến thực thụ thì giáo dục từ xa bắt đầu đi tiên phong với công nghệ mới. TS Phan Đạt Phúc (Phó trưởng khoa Tin học, ĐH Mở bán công TP Hồ Chí Minh) cho rằng với sự phát triển của hệ thống hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, việc đào tạo trực tuyến (E.Learning) đã tạo rất nhiều thuận tiện cho học viên học theo phương thức giáo dục từ xa. Trường đã có trang web riêng cho việc đào tạo này, học viên có thể vào địa chỉ www.elearning.ou.edu.vn để có thể nhận bài giảng, làm bài, tham gia diễn đàn, đặt câu hỏi thắc mắc với giảng viên. Với cách học này, không nhất thiết lúc nào cũng có mặt giảng viên mà quan trọng là các loại bài giảng luôn có trên mạng, người học có thể học lúc nào cũng được theo điều kiện của mình. Tất cả bài giảng ở dạng số hóa, được lưu trữ bằng máy tính và quan trọng nhất là học viên vẫn có "sự tương tác" với giảng viên, học viên thông qua các diễn đàn.

Học viên học bằng phương thức giáo dục từ xa dứt khoát phải sử dụng được máy tính. Để giải quyết khó khăn đối với những học viên ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn về phương tiện học tập, ngoài việc mỗi cá nhân phải tự lo, Trường ĐH Mở bán công TP Hồ Chí Minh đã có giáo trình cô đọng để hướng dẫn người học các bước sử dụng máy tính. Trường cũng sẽ phối hợp với địa phương để trang bị những phòng học tập trung (mỗi nơi khoảng vài chục máy tính để học viên tập trung cùng học tập trong những thời điểm thích hợp), một đường truyền internet dùng chung cho từng nhóm học viên để giảm thiểu chi phí truy cập mạng. Ông Phúc khẳng định: "Hỏi qua mạng, học viên sẽ bớt ngại ngùng như khi hỏi trực tiếp trên lớp. Trường cam kết mọi thắc mắc của học viên đều được "giảng viên trực" trả lời ngay hoặc chỉ sau đó vài giờ. Ngoài ra, với diễn đàn trên mạng, học viên có thể thảo luận nhiều chủ đề đa dạng và phong phú do chính mình hoặc giảng viên đặt ra".

Có thể những điều này không phải đều mới mẻ, cái chính là lúc này phương thức giáo dục từ xa đã được thừa nhận, được Chính phủ đầu tư mạnh. Các trường - nhất là các trường trọng điểm của phương thức này - đang nỗ lực lớn để tạo một bước chuyển mạnh trong đào tạo. Với phương thức này, những người đã tốt nghiệp ĐH hoặc cao hơn vẫn có thể chọn một ngành học nào đó để tăng cường kiến thức của mình. Còn với những bạn chỉ có bằng tốt nghiệp THPT, sao lại không nghĩ đến việc học ĐH bằng giáo dục từ xa?