Đào Mộng Long- Đã khép lại những màn độc thoại

Lễ tang cử hành vào lúc 7 giờ ngày 12 tháng 8 tại Nhà tang lễ Quân đội, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Vài nét tiểu sử:

NSND Đào Mộng Long sinh ngày 07 tháng 1 năm 1915. Năm 1945, tham gia Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sài Gòn; Tham gia bộ đội từ 1945- 1946 và 1950- 1951; Từ năm 1947, ra Bắc hoạt động văn hoá, tuyên truyền cách mạng ở Liên khu Bốn; Năm 1949, kết nạp Đảng; Năm 1951, làm lãnh đạo Văn công, tham gia chiến dịch Trung-Lào; Từ năm 1954 ông gắn chặt cuộc đời mình với sân khấu; Về Hà Nội, ông vừa là nghệ sĩ vừa tham gia công tác lãnh đạo Đoàn kịch nói TƯ, tức Nhà hát kịch Việt Nam.

Ông được phong danh hiệu nghệ sĩ Nhân dân từ đợt đầu tiên và Huân chương Độc lập hạng Ba.  Ông có  75 năm làm nghề và 57 năm tuổi Đảng.

Đào Mộng Long theo gánh hát từ năm 16 tuổi. Chính những năm tháng lang thang phiêu bạt khắp mọi miền đã tôi luyện cho ông nhiều kinh nghiệm làm nghề, vừa diễn vừa sáng tạo để lấp chỗ trống của kịch bản. Năm 19 tuổi, ông vào vai chính đầu tiên trên sân khấu cải lương chuyên nghiệp với vở Le Cid. Sau đó, ông nổi danh với hàng chục vai diễn.

Những vai diễn của ông ở sân khấu cải lương và kịch nói được nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này vẫn nhắc đến, như: Chánh Tôn (Chị Hoà), Phaunhin (Xâm lược), ông Thiện (Lửa hậu cung), Govozodilin (Khúc thứ ba bi tráng), cụ Ba Bơ (Bão biển), ông Xẳm (Âm mưu và hậu quả)... … Đặc biệt, với vai Xia (Liu ba), ông đã bộc lộ đến tột cùng của cái xấu của nhân vật.

Những vai diễn của ông trở thành mẫu mực cho các diễn viên sau này mỗi khi vào các nhân vật phản diện. Hầu hết nhân vật của ông là vai phụ, nhưng ông là một trong ít diễn viên thành công cả ở những vai chính và vai phụ. Ông đã chọn cho mình chỗ đứng phù hợp trong vở diễn, tuy nhiên, nhiều khi vai phụ của ông tỏa sáng đến mức làm mờ đi vai chính.

“Người tôi thấp bé, có diễn vai chính cũng chẳng xuất sắc, chi bằng cứ diễn vai phụ. Tôi là giọt màu điểm xuyến cho bức tranh hoàn thiện của vở diễn. Cái khó là hiểu được mình là giọt màu trong cái mênh mông của bức tranh lập thể...”, ông đã tâm sự với báo giới về cái duyên đóng vai phụ.

Ông còn cống hiến cho sân khấu những lớp diễn một mình với hiệu quả nghệ thuật cao, được coi là một thủ pháp mới để sáng tạo vai kịch tại thời điểm đó. Như một đốm lửa trên sân khấu, càng diễn ông càng tỏa sáng, càng bùng cháy như không biết mệt. Khán giả và đồng nghiệp cảm phục tài năng nghệ thuật và sức làm việc hết mình của ông.

Tên tuổi của ông cùng với các nghệ sĩ Trúc Quỳnh, Song Kim, Nguyệt Ánh... được khán giả nhắc đến như những diễn viên đầu đàn đầy tài năng của nền kịch nghệ nước nhà. Ông đã lao động nghệ thuật miệt mài, đóng góp công sức không nhỏ trong quá trình sân khấu Việt Nam những ngày đầu đi tìm diện mạo của mình, cũng là một quá trình tìm tòi những cái mới không ngừng nghỉ của Nhà hát kịch Việt Nam, nơi ông đã nhiều năm gắn bó.

Năm 1951, khi là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Ca kịch kháng chiến khu Bốn, ông đã soạn nhiều vở cải lương gây được tiếng vang khi công diễn, như: “Lò lửa giặc Tần”, “Tiền và Nghĩa”… Cho đến nay, vẫn chưa có vở diễn nào vượt qua về số lượng suất diễn như những vở diễn này, với 1.500- 2.000 suất/vở.

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, ông viết kịch bản “Trắng hoa mai” với những lời hát đầy hào sảng, thể hiện tư tưởng chính trị và phẩm chất cách mạng của người nghệ sĩ luôn hòa mình vào dòng chảy cách mạng của dân tộc. Vừa biểu diễn vừa sáng tác, rồi làm lãnh đạo các đoàn văn công, ông cùng với các nghệ sĩ thuở ấy đã dùng lời ca tiếng hát làm vũ khí đấu tranh cách mạng.

Ông còn gửi gắm những nỗi niềm, những khát khao trong cuộc sống và nghệ thuật với kịch bản về Trương Chi “Hận tương giao”. Dường như ông mượn tiếng lòng Trương Chi để giãi bày những ẩn ức của mình. Chính kịch bản này được in sách và bán rất chạy thời đó khiến cho gia đình của NSND Phạm Thị Thành không còn ngăn cấm khi họ đến với nhau: bà ở tuổi 18, còn ông đã 45 và qua hai lần đò. Cuộc tình muộn màng, hạnh phúc ngắn ngủi chỉ trong 10 năm trời nhưng đó là cuộc hôn nhân duy nhất của ông đơm hoa kết trái. Các con cháu nội ngoại đã luôn có mặt chăm sóc ông trong những ngày cuối đời.

Sau khi nghỉ hưu, Đào Mộng Long vẫn chưa thôi trăn trở về sân khấu nước nhà và ông luôn thể hiện khát khao, mong muốn tiếp tục được đứng trên sân khấu. Ông không giấu thái độ chua xót, thậm chí phẫn nộ khi sân khấu chuyển mình để phục vụ "Thượng đế" trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhưng ông luôn đặt niềm tin vào ngày mai của sân khấu. Ông tin khi diễn viên yêu mến nhân vật, những người làm nghệ thuất dốc lòng cho nghệ thuật thì nghệ thuật mới đâm chồi, nảy lộc…

Nghe con trai ông, anh Đào Nhật Đình kể, trước hôm mất đúng một ngày, trong những cơn đau, những cơn mê, ông vẫn thảng thốt gọi tên các bạn diễn, vẫn độc thoại và đối thoại, rồi gọi “Đài trưởng” như đang đứng trên sàn diễn năm nào... Những màn độc thoại đã khép lại cuộc đời một nghệ sĩ đầy ánh hào quang nhưng cũng không ít khoảng tối lặng lẽ...