Cách trung tâm huyện gần 40 km, xã Chiềng Yên có dân số hơn 5.000 người, trong đó 93,76% là người dân tộc thiểu số. Nghề chính của người dân là sản xuất nông nghiệp kết hợp trồng, bảo vệ và phát triển rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đời sống còn khó khăn, nhưng Chiềng Yên hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Miền đất nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu mát mẻ quanh năm với nền nhiệt độ bình quân chưa đến 20oC, khá tương đồng với Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt. Lượng mưa ổn định ở đây thích hợp cho trồng trọt cây ăn quả, cây dược liệu, rau củ, rau gia vị và các loại thực vật ôn đới.
Xã cũng là một trong những địa phương nổi bật của huyện Vân Hồ đang trồng nguyên liệu và cung cấp sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, như: đào, mận, dâu tây, chè... ra thị trường. Và nhắc tới Chiềng Yên, du khách nhớ ngay tới thác Tạt Nàng hùng vĩ, suối nước nóng tại bản Phụ Mẫu, suối cá bản Bướt với chiều dài hơn 3 km có nhiều loài cá khác nhau được bảo tồn tự nhiên. Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn làm nên nét đặc trưng truyền thống và đa dạng trong tín ngưỡng, phong tục, sinh hoạt, ẩm thực...
Những ngôi nhà sàn nương mình giữa thung lũng xanh tươi, núi non trùng điệp như dang rộng vòng tay che chở cho cả bản làng được bình yên, no ấm. Ở hai bản xinh đẹp này, những lời ca, điệu múa cổ của dân tộc Mường, Thái... đều được bảo tồn hòa quyện với nét sắc màu độc đáo của dân tộc Mông, Dao. Văn hóa ẩm thực Chiềng Yên cũng là điểm nhấn quan trọng với những món ngon do người dân bản địa chế biến từ ốc đá, cá suối, thịt lợn bản, nếp nương, rau rừng... Trong hành trình khám phá, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ của rừng già Chiềng Yên, thác Tạt Nàng hùng vĩ, được thư giãn ở suối khoáng nóng...
Tạt Nàng trong tiếng Thái có nghĩa là “nàng tiên”. Từ ngã ba khu rừng già (khu rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ, cách ngã ba Đồng Bảng 20 km, cách trung tâm huyện 25 km) vượt qua khoảng 7 km đường quanh co, cua gấp, đèo dốc hiểm trở tiến sâu vào trung tâm xã tầm 2 km, du khách sẽ đến với thác Tạt Nàng. Bắt nguồn từ hai dòng suối Tà Xam và Tà Piu, thác Tạt Nàng cao hơn 100 m, phân thành ba tầng, chung quanh cây cối xanh tốt. Năm 2016, địa danh thác Tạt Nàng được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Cách thác không xa, suối khoáng nóng Chiềng Yên uốn mình dưới chân núi Bò Ui, là một điểm trải nghiệm đầy thú vị. Nước nóng ở đây có nhiệt độ trung bình từ 35-40oC.
Sẵn tiềm năng đầy hứa hẹn nhưng khái niệm làm du lịch đối với người dân ở xã Chiềng Yên còn khá xa lạ. Do giao thông chưa thuận lợi, cơ sở vật chất để phục vụ du khách thiếu thốn, thiếu kỹ năng quản lý, vận hành..., cho nên phần lớn homestay (nơi lưu trú) ra đời chỉ dừng lại ở các dịch vụ: lưu trú, tham quan, thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ... Chiềng Yên chưa có những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, chưa phục dựng được nhiều nét văn hóa truyền thống đã mai một.
Nhận thấy những tiềm năng lớn của địa phương, Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam đã phối hợp Ban quản lý dự án GREAT tỉnh Sơn La, chính quyền và các đoàn thể địa phương triển khai dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua phát triển du lịch cộng đồng” trong giai đoạn 2019-2022. Điểm du lịch cộng đồng Nà Bai-Phụ Mẫu của xã Chiềng Yên là hai trong bốn điểm du lịch cộng đồng ở Sơn La được hỗ trợ phát triển trong khuôn khổ dự án. Dự án đã cung cấp một phần vốn vay và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ gia đình cải tạo nhà thành homestay với trang thiết bị cần thiết để đón khách du lịch; thông tin, quảng bá về điểm du lịch; tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng về kỹ năng quản lý homestay, ẩm thực, hướng dẫn, tiếp đón du khách.
Dự án cũng giúp phát triển các dịch vụ du lịch (tuyến đi bộ khám phá, biểu diễn văn nghệ truyền thống, cho thuê xe đạp, xe máy, cung cấp sản vật địa phương...); hỗ trợ địa phương xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng, quảng bá các sản phẩm du lịch trên mạng lưới uy tín, kết nối với các công ty lữ hành và du lịch chuyên nghiệp. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ cộng đồng thành lập, nâng cao năng lực các tổ hợp tác, tổ dịch vụ để chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch, quản lý các hoạt động và hợp tác với doanh nghiệp; cấp vốn và hỗ trợ thành lập các tổ tài chính tự quản giúp phụ nữ có kỹ năng quản lý tài chính, gây dựng tài sản và chủ động nguồn vốn cho sinh hoạt của hộ gia đình và đầu tư phát triển sinh kế khác.
Đại diện Tổ chức AOP cho biết, sau hai năm triển khai dự án, tính đến tháng 2/2022, điểm du lịch cộng đồng Nà Bai-Phụ Mẫu đã đạt được nhiều kết quả: 175 người dân cải thiện sinh kế; 104 phụ nữ tăng thu nhập từ mô hình du lịch cộng đồng; 14 tổ nhóm dịch vụ được thành lập, trong đó bảy tổ nhóm do phụ nữ lãnh đạo; 10 homestay được cải tạo phù hợp, đạt chất lượng cao và đón khách. Khắc phục việc phát triển du lịch tự phát, huyện Vân Hồ nói chung và xã Chiềng Yên nói riêng đã vận động, khuyến khích người dân địa phương làm du lịch một cách có quy mô và chuyên nghiệp. Anh Đinh Văn Khuyên, trưởng bản Nà Bai, chia sẻ, mặc dù được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức, dự án, song số đông người dân vẫn chưa chú trọng giới thiệu, quảng bá các nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương cũng như nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ phục vụ du khách.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vân Hồ Nguyễn Hợp Cường chia sẻ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Huyện Vân Hồ phấn đấu tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 10%/năm. Đến năm 2025, lượng khách đến huyện đạt hơn 300.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 20.000 lượt; doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch hằng năm đạt hơn 250 tỷ đồng... Huyện đang nỗ lực thu hút những nhà đầu tư lớn, đủ tâm, đủ tầm, có kinh nghiệm làm du lịch để có thể làm thay đổi nhận thức của người dân, khai thác, phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh về du lịch, đặc biệt ở những điểm mới như Chiềng Yên - “nàng sơn nữ” vừa thức giấc.