Danh phận

NDO - Tin nhắn trong máy điện thoại di động của anh như một lời reo vui: "Tìm thấy mộ thằng Phúc rồi".

Phúc là đồng đội của bọn anh trong những tháng năm chiến tranh. Phúc là một trong số hai mươi thằng sinh viên được bổ sung vào đại đội bộ binh trước chiến dịch Quảng Trị 1972 ba tháng. Nếu tính cả trung đoàn, con số sinh viên được điều về đợt ấy có đến cả trăm. Sau chiến dịch, đại đội anh thương vong quá nửa quân số. Trong số hai mươi thằng lính sinh viên, mười một thằng vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Quảng Trị, bốn thằng bị thương phải chuyển viện ra miền bắc, Phúc trong số mười một thằng nằm lại. Phúc là sinh viên năm thứ ba khoa toán Trường đại học Tổng hợp. Theo đánh giá vui của lính tráng, thì Phúc thuộc diện 'cao to, trắng trẻo như Tây, đàn hay, hát giỏi, tiếng Nga nói như gió'. Hình như  những người như vậy thường bạc phận nơi chiến trường.

Ðọc xong tin nhắn, ngay lập tức anh gọi lại điện thoại cho thằng bạn vừa gửi tin. Gọi có đến chục lần, máy người nhắn tin mới rỗi. Thì ra, ai nhận được tin nhắn cũng sốt ruột, gọi lại hỏi cho rõ.

Qua thông tin của bạn, anh biết, hình như gia đình thằng Phúc tìm được mộ là nhờ nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, mọi thông tin đều chưa rõ ràng, ngay cả cái nghĩa trang nơi thằng Phúc được quy tập về cũng vậy. Dẫu sao, đó cũng là thông tin quá vui. Trong số mười một thằng lính sinh viên của đại đội anh nằm xuống sau chiến dịch Quảng Trị mới tìm thấy hài cốt bốn thằng. Bảy thằng còn lại, gia đình chúng nó và hội lính sinh viên tìm có đến cả chục lần mà vẫn vô tăm biệt tích.

Mươi hôm sau kể từ ngày có tin, kế hoạch vào Quảng Trị thăm phần mộ thằng Phúc của hội lính sinh viên bọn anh được sắp xếp nhân dịp lễ 30-4.

Ngày lên đường đầy háo hức và cũng tràn đầy lo âu. Nỗi lo âu không phải mơ hồ. Và, ai cũng tranh nói ra điều đó.

Vẫn là cái nghĩa trang huyện quen thuộc với anh và nhóm bạn của mình. Chỉ có điều nghĩa trang hình như bớt rộng mênh mông như những năm trước bọn anh lần tìm vào đây bởi đã có thêm nhiều hàng bia mộ và rất nhiều cây xanh, ghế ngồi bằng xi-măng, bằng đá.

Ông quản trang chẳng cung cấp được thông tin gì mới. Nhóm bạn của anh bỏ qua bốn khu mộ hai bên đài Tổ quốc ghi công. Ðó là những bia mộ đã có địa chỉ từ ngày được quy tập. Theo sự phân công, mỗi người tìm hai khu mộ. Những khu mộ này phần lớn là chưa xác định được tên tuổi.

Nắng và nóng. Nắng dội từ trên trời xuống cộng với cái nóng từ những con đường bê-tông, mộ xây càng thêm nóng nực.

Gần hai giờ đồng hồ, cuộc tìm kiếm của anh và nhóm bạn kết thúc trong tuyệt vọng.

Mệt mỏi, cả nhóm bạn anh tạt vào hàng cây ven khu mộ ngồi nghỉ. Mãi đến bây giờ anh mới chú ý. Hầu như tất cả các cây trồng ở đây đều là một loài sanh, si, đa. Ðó là những cây có thể trường tồn. Và, dưới gốc cây nào cũng có một tấm bia đá, tảng bê-tông lớn khắc ghi danh tính, thân thế người trồng. Trên mọi chiếc ghế đá để dọc lối đi, quanh mỗi gốc cây cũng nhan nhản danh tính, thân thế người gửi tặng. Thân thế và danh tính người trồng cây, tặng ghế đại diện rất nhiều địa danh, đơn vị... Và, danh tính, thân thế người nào cũng được khắc ghi chăm chút sao cho thật rõ ràng, dễ đọc, bắt mắt và đặc biệt vững bền với thời gian, mưa nắng...

Anh đứng dậy, chui ra khỏi bóng mát cây sanh của một ông Phó Chủ tịch huyện lạ hoắc nào đó trồng, đứng lặng im bên hàng bia mộ dài ngút ngát của những người lính chưa có danh phận. Càng về trưa, càng nắng nóng.

Lần lượt từng người bạn lặng lẽ đứng bên anh.