Trở lại câu chuyện xảy ra ngày 24-5 vừa qua, tại công trường xây dựng đường dây 220 kV trên địa bàn huyện Trực Ninh (Nam Định), mặc dù đã được Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Sông Đà 11 thông báo phải dừng thi công từ ngày 9-3 nhưng chỉ huy công trường vẫn cố tình làm ngơ, đẩy nhanh việc đào thêm bốn hố móng, tiến hành đan thép rồi âm thầm đổ bê-tông vào ban đêm. Kết luận của Tổng công ty CP Sông Đà 11 đối với chỉ huy công trường này là: "vi phạm nghiêm trọng" (đã đình chỉ làm nhiệm vụ đối với Chỉ huy trưởng công trường). Vậy thì tại sao đã có thông báo "dừng" rồi mà chỉ huy công trường vẫn cố tình gấp rút đổ bê-tông lẫn bùn đất (như người dân tố cáo), để tính nước: "lỡ rồi" đề nghị Ban Quản lý dự án nghiệm thu, tính khối lượng để thanh toán?
Trao đổi về việc này, Ban Quản lý dự án và Chủ đầu tư đều khẳng định: Việc thi công đều tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Xây dựng và các quy định của pháp luật từ: thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu thanh quyết toán, bảo hành, bảo dưỡng. Nghĩa là nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối về chất lượng công trình. Sự cố đổ bùn đất vào móng cột điện 220 kV ở Trực Ninh (Nam Định) xảy ra là một điều đáng tiếc. Rất cần các nhà quản lý từ quản lý dự án, quản lý thi công, tư vấn giám sát rút kinh nghiệm sâu sắc để đẩy lùi và ngăn chặn hiện tượng "đánh bùn sang ao".