Hà Tĩnh xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Từ định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp luyện thép, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh, bổ sung chiến lược phát triển kinh tế với bốn trụ cột chính: Công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch đi cùng với đó là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh luôn sâu sát cơ sở để giải quyết những khó khăn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh luôn sâu sát cơ sở để giải quyết những khó khăn.

Chọn người giao việc

Được đánh giá là trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư của cả nước với các “siêu dự án” phát triển công nghiệp, cảng biển, thương mại, dịch vụ, du lịch… Sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn tại KKT Vũng Áng đã góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế và diện mạo của địa phương song cũng để lại không ít tồn đọng, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý đất đai trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, ảnh hưởng nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh. Thực tế cho thấy, dù đã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên do phương pháp tiếp cận, nhất là những vướng mắc nảy sinh chưa từng có trong tiền lệ cho nên cần có thời gian nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh chính sách, vì vậy hiệu quả xử lý công việc còn thấp.

Thực hiện chủ trương đào tạo, luân chuyển cán bộ trước mỗi kỳ đại hội Đảng, năm 2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã điều động Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh và Phó Trưởng Ban quản lý khu vực mỏ sắt Thạch Khê đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt tại thị xã Kỳ Anh. Theo đánh giá, nhờ am hiểu tình hình địa phương và có kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, phối hợp thực thi nhiệm vụ giữa địa phương với các ban, ngành liên quan cho nên các đồng chí mới được phân công đã phát huy được trí tuệ tập thể, tạo không khí dân chủ, cởi mở để đội ngũ cán bộ tận tâm cống hiến hết sức mình với nhiệm vụ được giao. Chỉ trong một thời gian ngắn, thị xã Kỳ Anh đã thực hiện được khối lượng công việc khá lớn trong bối cảnh chịu tác động sâu sắc của thiên tai, dịch bệnh. Qua rà soát, đến nay thị xã Kỳ Anh đã xử lý xong 74/86 vụ việc tồn đọng, vướng mắc trước thời điểm tháng 5/2015 và  triển khai 64 dự án giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư phục vụ các công trình trọng điểm. Sau khi đạt tiêu chí đô thị loại III, địa phương đang đi đúng lộ trình để nâng cấp thị xã lên thành phố vào năm 2025. Chia sẻ về cách thức tiếp cận nhiệm vụ, nhất là kinh nghiệm giải quyết những vụ việc khó khăn, tồn đọng trên địa bàn, các đồng chí lãnh đạo thị xã Kỳ Anh cho rằng, bên cạnh việc kế thừa kinh nghiệm quản lý, điều hành của các thế hệ lãnh đạo đi trước, quá trình thực thi nhiệm vụ địa phương luôn thực hiện nguyên tắc phân vai, phân việc rõ ràng. Nhiệm vụ càng khó khăn, cán bộ càng phải bám nắm địa bàn, sẵn sàng đương đầu để xác định căn nguyên của vấn đề và tìm cách tháo gỡ. 

Trước khi được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư vào đầu năm 2021, đồng chí Trần Việt Hà đã có sáu năm giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - “Những kinh nghiệm, va vấp được tích lũy từ thực tiễn, giúp chúng tôi có cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tế, biết chia sẻ, đồng hành với các địa phương trong quá trình tiếp cận, giải quyết các vấn đề liên quan” - đồng chí Trần Việt Hà cho biết. 

Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Võ Hồng Hải, việc điều động, luân chuyển tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện được thực hiện trên cơ sở rà soát, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Chỉ tính riêng hai nhiệm kỳ gần đây, tỉnh Hà Tĩnh đã luân chuyển, điều động 102 đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh về làm cán bộ chủ chốt cấp huyện và ngược lại. Nhiều đồng chí sau khi luân chuyển đã thể hiện được năng lực, sở trường, kinh nghiệm thực tiễn, được xem xét, cân nhắc, bố trí giữ các chức vụ cao hơn.

Đổi mới công tác cán bộ

Theo đánh giá của đồng chí Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hiện nay đã có bước trưởng thành, phát triển tư duy mới về nhiều mặt. Phần lớn các đồng chí được giao trọng trách lãnh đạo sở, ngành và địa phương đều được đào tạo bài bản, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau và có những đóng góp nhất định và sự phát triển của tỉnh nhà trên các lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt, những đồng chí cán bộ chủ trì cấp tỉnh có phẩm chất trong sáng, uy tín cao và đã khẳng định được năng lực công tác, năng lực quy tụ, phát huy trí tuệ tập thể thông qua các mặt công tác. Kết quả đạt được nhờ có sự chuẩn bị, đào tạo lâu dài và bám sát các nguyên tắc, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ. Đó là, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Điều đó thể hiện rõ nét nhất trong trận lũ lịch sử cuối năm 2020, mặc dù mới được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh nhưng các đồng chí đã nỗ lực đưa ra các giải pháp định hướng cho địa phương thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời mở ra cơ hội để người dân chủ động sống chung với lũ lụt thông qua mô hình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở vượt lũ. Từ ý tưởng đến hành động, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp chỉ đạo, thực hiện, xây dựng kế hoạch huy động nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng hoàn thành việc xây dựng 30 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ và hỗ trợ xây 2.039 nhà vượt lũ trong năm 2021 với số tiền hơn 210 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh thẳng thắn nhìn nhận: Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, nhìn tổng thể, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ còn những bất cập, hạn chế. Bám sát quan điểm, nguyên tắc, quy định của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, quản lý biên chế của hệ thống chính trị theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các cấp, các ngành; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời tạo môi trường, cơ chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; tăng cường kiểm tra, giám sát; thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đây là công việc hệ trọng của cả hệ thống chính trị, phải được tiến hành thận trọng, chắc chắn, thường xuyên và hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh luôn nhất quán quan điểm lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là động lực, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh, khơi dậy ý chí khát vọng, tâm huyết, đổi mới, sáng tạo kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các sai phạm, khuyết điểm...