Các đại biểu là lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối cùng đại diện thường trực, Ban Tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc; đội ngũ báo cáo viên, dư luận viên nghe thông tin hai chuyên đề: "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng" và "Văn hóa chính trị của người lãnh đạo quản lý và vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới"
Làm rõ nội hàm của "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng", đồng chí Lê Thị Thu Hằng - Người phát ngôn, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao, cho biết, quán triệt đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần XIII, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 nhấn mạnh xây dựng nền ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng.
Theo đồng chí Lê Thị Thu Hằng, ngoại giao tiên phong là đối ngoại giữ vai trò đi trước, mở đường khai thông. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, vai trò tiên phong của ngoại giao có vai trò rất quan trọng, thể hiện ở việc đánh giá, dự báo tình hình, nhận diện cũng như kiến tạo thời cơ và chỉ ra thách thức để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, nhanh nhạy phát hiện các vấn đề mới, tham mưu chiến lược, thúc đẩy đổi mới tư duy, tìm hướng đi thuận lợi cho phát triển đất nước. Phát huy vai trò tiên phong, ngoại giao giúp nâng cao vị thế và uy tín đất nước, có vị trí nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quan tâm chung của thế giới.
Về tính toàn diện của ngoại giao Việt Nam, đồng chí Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, đó là việc phát huy đối ngoại trên tất cả các kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, và đối ngoại nhân dân, thể hiện ở chủ thể thực hiện đối ngoại bao gồm cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân; trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội; liên kết và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với tất cả đối tác, địa bàn, khu vực.
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thông tin chuyên đề "Văn hóa chính trị của người lãnh đạo quản lý và vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới".
Theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, một trong những điều cốt yếu trong văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý là phải làm thế nào tập hợp, tác động quần chúng nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, tự nguyện tham gia vào quá trình chính trị-xã hội. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý phải gương mẫu cho quần chúng. Không nêu gương, chính bản thân cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý đã tự mình không còn chân chính, cách mạng.
Nêu rõ một số giải pháp tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý trong tình hình mới, theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, cần cụ thể hóa nội dung nêu gương của từng chức danh, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý, gắn với đánh giá, khen thưởng, kỷ luật; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương.