Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đất nước ta trải qua 4 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 vẫn còn đang diễn ra nhưng chúng ta từng bước kiểm soát được tình hình. Đảng, Nhà nước và nhân dân thấu hiểu những gì các y, bác sĩ đã cống hiến trong suốt 2 năm vừa qua, nhất là đợt dịch thứ 4 này diễn ra hết sức khốc liệt với biến chủng Delta lây lan nhanh, nguy hiểm.
Với sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và các cơ quan chức năng, lực lượng y tế đã có đóng góp hết sức quan trọng, là lực lượng tuyến đầu có vai trò hết sức quan trọng với nhiệm vụ nặng nề, cùng với các lực lượng quân đội, công an... trong công cuộc phòng, chống dịch.
Thủ tướng nêu rõ, mặc dù không có điều kiện gặp mặt hết được các y, bác sĩ tham gia chống dịch từ bắc chí nam, nhưng đến hôm nay dịch tạm lắng xuống, chúng ta đã kiểm soát được tình hình; đồng thời cần đánh giá kỹ, tổng thể hơn, hội thảo đầy đủ hơn, xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch để có cái nhìn toàn diện, kỹ càng, tổng thể hơn để chuẩn bị cho cuộc chiến chống dịch mới.
Theo Thủ tướng, cuộc gặp này cũng nhằm chia sẻ khó khăn, đề ra những bước tiếp theo trong công cuộc phòng, chống dịch. Thủ tướng cho rằng, cần phải khen thưởng bước đầu một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; sau đó tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất các hình thức khen thưởng phù hợp để tôn vinh những tấm gương cống hiến, hy sinh trong công cuộc chống đại dịch này.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, với ngành y tế, hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành. Cùng một lúc, chúng ta phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vaccine cho người dân.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân.
Thực hiện lời hiệu triệu lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành y đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kết thành một khối vững chắc, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành phố có dịch và gần 20 nghìn lực lượng thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến Trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch Covid-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế, các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế của chúng ta với tinh thần tình nguyện xung phong, sẵn sàng lên đường ngay để hỗ trợ cho các địa phương chống dịch.
Tinh thần ấy được thể hiện với những câu chuyện có thật chứa đựng sự hy sinh lớn lao. Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào cao cả.
Đến ngày hôm nay, những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả: chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Không thể kể hết những nỗ lực phi thường mà đội ngũ thầy thuốc đã thực hiện trong đợt dịch Covid-19 lần này. Các bệnh viện tuyến Trung ương trong thời gian ngắn kỷ lục đã thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, huy động lực lượng y tế tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại để giành giật sự sống cho hàng chục nghìn bệnh nhân nặng và nguy kịch; đồng thời hướng dẫn các bệnh viện cấp quận/huyện kỹ năng điều trị để kịp thời xử trí những trường hợp chuyển nặng, giảm tối đa số ca tử vong.
Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đều có những nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường. Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó là những gian khổ do phải xa gia đình, người thân; làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng.
Nhưng những khó khăn đó đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc chân chính với phương châm “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”. Các thầy thuốc đều tự nhủ “Không được phép buông tay”, vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh. Hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến.
Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương những cống hiến to lớn, tinh thần xả thân và nhiệt huyết của tất cả các chiến sĩ áo trắng đã tham gia chống dịch.
Xin chân thành cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương đã phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện để lực lượng y tế thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Xin cảm ơn các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an, dân quân, các tình nguyện viên, các lực lượng chức năng địa phương, các tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp và cả những người mắc Covid-19 khỏi bệnh... đã luôn đồng sức đồng lòng kề vai sát cánh với đội ngũ thầy thuốc để hoàn thành sứ mệnh cao cả này.
Đặc biệt, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn tới gia đình của các thầy thuốc mặc dù phải chịu sự xa cách và luôn lo lắng cho sự an toàn của người thân của mình, nhưng đã luôn ở bên cạnh, động viên, khích lệ, là điểm tựa, là niềm tin để các thầy thuốc vượt qua những gian khổ, hiểm nguy, hết lòng vì sức khỏe nhân dân.
Đồng chí cho rằng, đây là lúc đội ngũ thầy thuốc cần đúc rút những kinh nghiệm quý báu đã có được từ thực tế chống dịch để tăng cường năng lực và kỹ năng phòng, chống dịch cũng như tổ chức điều trị; đồng thời phối hợp các cấp, các ngành thực hiện tốt các hoạt động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định phòng dịch và xây dựng những thói quen có lợi cho sức khỏe.
Tại buổi gặp mặt, đại diện một số bác sĩ, sinh viên trường y tiêu biểu đã nêu những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, gian khổ, vất vả của lực lượng y tế tuyến đầu; nêu những bài học kinh nghiệm hay trong công tác phòng, chống dịch vừa qua; bày tỏ quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động được cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành T.Ư và địa phương chào đón những giáo sư, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, các thầy thuốc tiêu biểu, đại diện cho lực lượng y tế tuyến đầu như chào đón chiến sĩ áo trắng từ thắng lợi quan trọng trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, dù cuộc chiến vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng nêu rõ, gần 2 năm qua, cả dân tộc ta đã dần dần đi qua dịch bệnh một cách kiên cường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với quan điểm xuyên suốt là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát, đang thực hiện lộ trình thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch thành công, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.
Trong hành trình của gần 600 ngày chống dịch, chúng ta đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng mọi tầng lớp nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái… Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa sống cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh cao cả, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… Đội ngũ y, bác sĩ không chỉ có trái tim nhân ái, trí tuệ mà còn tinh thần bền bỉ, chịu đựng. Những con người ấy đã quên hiểm nguy để chữa trị cho đồng bào nhiễm bệnh nhất là giai đoạn đầu dịch bệnh chưa có vaccine. Những y, bác sĩ đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch, quên đi giấc ngủ, quên những bữa ăn, quên đi sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, quên đi nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử… Và những con người ấy dẫu có nghị lực kiên cường cũng đã rơi nước mắt khi những bệnh nhân nặng không qua khỏi… Tất cả tiếp thêm nghị lực cho họ để sống đúng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y như từ mẫu” để chữa bệnh, cứu người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng cũng chính trong hành trình gian nan ấy, chúng ta đã chứng kiến nhiều anh chị em đã bị nhiễm bệnh và có những người đã ra đi mãi mãi.
Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá cao, ghi nhận, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế; chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của các y bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu trong thời gian vừa qua.
Với tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của nhân dân bị dịch bệnh đe dọa, chỉ riêng trong đợt dịch thứ 4, đã có hơn 20 nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả những học viên và sinh viên ngành y ở nhiều địa phương trên cả nước đã hăng hái trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nguy hiểm nhất, nóng bỏng nhất và những nơi mà nhân dân cần nhất.
Hơn 24 nghìn người thuộc ngành y trực tiếp tham gia chống dịch là hơn 24 nghìn những bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, đồng chí, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta "tình đồng chí, nghĩa đồng bào". Cũng qua thử thách này, đội ngũ y, bác sĩ qua đây lại trưởng thành cả về đạo đức, chuyên môn.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chia sẻ, đánh giá cao và cảm ơn người thân, gia đình của các y, bác sĩ, nhân viên y tế thời gian qua đã luôn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc để mỗi nhân viên y tế nơi tuyến đầu yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình.
Để thực hiện thành công chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái mới, vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên và vẫn còn rất nặng nề.
Thủ tướng đề nghị và mong muốn lực lượng y tế tuyến đầu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả tích cực, những kinh nghiệm quý thời gian qua, tiếp tục cống hiến, tích cực cho công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã rất biết ơn và quan tâm đến đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và động viên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế. Chính phủ đã chỉ đạo; các bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, nhất là lực lượng y tế. Đề nghị các bộ, ngành khẩn trương thực hiện việc này phù hợp tình hình, bảo đảm công bằng, bình đẳng.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, phức tạp, nguy hiểm hơn. Chúng ta cần dự báo đúng tình hình để không bị động, bất ngờ. Đội ngũ cán bộ y tế sẽ còn rất nhiều gian nan, vất vả. Vì vậy Thủ tướng yêu cầu:
Ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát dịch bệnh; trong đó, hết sức chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là các y, bác sĩ, nhân viên y tế; ưu tiên tiêm vaccine. Đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn quốc an toàn, khoa học, hiệu quả; thực hiện thứ tự ưu tiên tiêm hợp lý; thúc đẩy triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Tính toán nhu cầu vaccine cho năm 2022 để không bị động; vừa nhập khẩu, vừa nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước; bảo đảm thuốc điều trị Covid-19. Ngành y tế phải vào cuộc để lo việc này. Bộ Y tế có đề án xây dựng ngành Covid học để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng y tế hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình; động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu trong phòng, chống dịch vừa qua. Phổ biến, nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng kêu gọi đồng bào, đồng chí, các cấp, các ngành tiếp tục ủng hộ, đoàn kết, đề cao ý thức trách nhiệm, tính chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, coi đó là hành động thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu; nhất là lực lượng y tế tiếp tục đóng góp, hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Chúc các anh chị em y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, thầy thuốc, những chiến sĩ trên mặt trận chống Covid, những người gánh vác sứ mệnh cao cả nhưng rất đáng tự hào luôn mạnh khoẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặt sứ mệnh và lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, ông được cử tham gia Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp với tỷ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số.
Những ngày đầu, trung bình 300-400 ca bệnh mới, sau đó có lúc lên tới 5.000-6.000 ca/ngày. Số ca chuyển nặng tăng cũng ngày càng tăng, trong khi Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị tầng 3 chỉ có 30 giường thở máy. Số bệnh nhân chưa tiêm vaccine tăng cao, đặc biệt là nhóm phụ nữ có thai.
Lúc đó, ông đã đề xuất thay đổi hệ thống y tế như: xóa bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến; hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường, xã…; tách đôi bệnh viện với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm Covid-19.
Khu điều trị Covid-19 nên chia làm 3: hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu Covid-19. Đưa y tế tư nhân vào cuộc. Rà soát việc tiêm vaccine. Tổ chức lại khu nhà ở cho công nhân. Không sợ Covid-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Sau những ngày vừa qua, theo ông, bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng các cơ sở y tế.