"Từ lúc nằm sau lưng mẹ, mình đã cảm tiếng chiêng rồi đó", nghệ nhân Ma Bio nói. Lớn lên bên dòng Đa Nhim huyền thoại, miền đất chất chứa nhiều di sản văn hóa của người Chu Ru, từ ấu thơ, Ma Bio đã được ru giấc nồng bằng nhịp chiêng, bằng điệu kèn rơkel du dương, bằng tiếng trống păh gơnăng vọng vang vách núi. Có lẽ bởi thế, nên khi vừa chập chững lên bảy, lên tám, đôi tay của Ma Bio đã gõ đúng nhịp chiêng, đôi chân đã bước theo đúng nhịp trống hòa cùng vũ điệu tamya của trai gái trong plei (làng) Diom A…
Ma Bio kể, gia đình bà ai cũng biết chơi chiêng, múa hát. Hồi bà còn bé, một hôm, mẹ và cậu mang sar (chiêng) và rơkel (kèn) ra tấu, đôi chân cô bé không cưỡng lại được nên cũng nhún nhảy theo. Bất ngờ với sự xuất thần của Ma Bio, mẹ và cậu đã truyền dạy cho bà. "Sau đó hai năm, mình đã biết chơi chiêng, đánh trống một cách hồn nhiên, không hề lỗi nhịp. Các nghệ nhân trong làng ai nấy đều ngạc nhiên", Ma Bio nói. Và từ đó, hồn chiêng, nhịp trống cùng những điệu dân vũ tamya truyền thống của người Chu Ru trở thành nhựa sống của cô gái sơn cước.
Già làng Ya Ba cũng tự hào nói: "Hồi đó, nhiều thanh niên trong làng mình biết đánh chiêng lắm, nhưng phần lớn là không biết điệu. Có lẽ Ma Bio được Yàng phú cho cái khiếu bẩm sinh nên cái chiêng, điệu vũ cứ bám riết cuộc sống của nó không dứt ra được. Nó là người nổi tiếng cộng đồng Chu Ru mình đó, bởi nó có công "hồi sinh" điệu múa tamya bị lãng quên trong thời gian dài…". Theo ông Tou Prong Dzung, người Chu Ru có ba điệu tamya cơ bản được thể hiện qua các bài chiêng t’rum pô (chào mừng ông lớn), păhgơnăng (nghi lễ cúng thần linh) và ariya. Trong đó, điệu tamya-ariya được phổ biến rộng nhất. Có lẽ, do vũ điệu này mang tính cộng đồng cao, động tác quyến rũ, ai cũng có thể hòa nhịp vào vòng múa.
Nghe và thấy nghệ nhân trong làng tấu chiêng thì tưởng là đơn giản, nhưng phải khổ luyện qua 20 mùa rẫy, khi đã thành nghệ nhân tấu chiêng Ma Bio mới hiểu được rằng, tamya của người Chu Ru được sinh ra trên chính nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình diễn "ngôn ngữ hình thể" không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng ngân dài mà vắng điệu vũ dân gian cũng sẽ "lạc phách", thiếu sự khơi gợi. Chiêng, trống, kèn và tamya phải quấn quyện, hòa hợp. "Trong dàn hợp tấu, chiêng giữ vai trò trung tâm. Người Chu Ru cho rằng, sự thông nối giữa sar, sơgơl, rơkel với tamya là sự giao hòa âm dương, biểu hiện của sự tương giao bền chặt" - Ma Bio phân tích. Đối với người Chu Ru, trong các dịp lễ hội dù lớn hay nhỏ, như lễ Pơthi (bỏ mả), Mơ Nhum (cúng thần Lúa), Bơ Mung (cúng thần Đập nước),… khi âm thanh của bộ chiêng ba, tiếng sơgơl, păhgơnăng và rơkel vang lên thì mọi người cùng bắt đầu hòa điệu vũ tamya. Đó là một cách để những người con buôn làng thể hiện tình cảm với nhau, với khách và đặc biệt với Yàng…
* * *
Người Chu Ru đều biết sự huyền diệu của chiêng, của trống, của những vũ điệu mê đắm, nhưng bẵng đi một thời gian dài, vì nhiều lý do, lớp trẻ trong tộc người không còn mặn mà với sar, sơgơl nữa, nhiều nhà mang những bộ chiêng quý đổi lấy thứ khác, nhà thì bán đồng nát. Chiêng quý Chu Ru đã khan hiếm, các điệu tamya từ đó cũng vắng dần trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ma Bio tâm sự: "Chứng kiến cảnh đó mình buồn lắm. Mình đi từng nhà để vận động đồng bào đừng bán chiêng. Vận động không được thì gom góp tiền mua lại. Dù có bán hết ruộng vườn cũng phải giữ cho được chiêng quý của người Chu Ru". Gõ gõ vào bộ chiêng ba treo trên vách nhà dài, bà khoe: "Bộ chiêng này ở xã Tu Tra, năm ngoái mình phải bán hơn hai tấn lúa mới đón về được đó!".
Cùng với việc lưu giữ chiêng quý, từ năm 2005, Ma Bio đứng ra thành lập đội văn nghệ dân gian để truyền dạy cho lớp trẻ trong buôn đánh chiêng, gõ trống và các điệu vũ truyền thống. Giờ thì đội của bà có gần 60 em tấu chiêng và múa hát nhuần, nổi lên là các em Nai Luyến, Tou Ry, Ma Rem, Ya Pô, Ma In, Xu Lin…
Còn nhớ, năm 2009, Ma Bio và cô gái trẻ Nai Luyến là hai nhân vật chính trong bộ phim về văn hóa cồng chiêng do một tổ chức thuộc UNESCO thực hiện. Ba tháng ròng rã xa rời plei Diom A để đến dải đất miền trung nắng gió làm phim, kết quả quý giá nhất của chuyến đi đối với bà là bộ đồng la (6 chiếc, đúc tại làng Phước Kiều, Quảng Nam) mà đoàn làm phim trao tặng. Ma Bio cũng lặn lội đi cấy lúa "đổi công" hai tháng trời ở Gia Lai để học "chỉnh chiêng", thẩm âm đồng la.
Touneh Ma Bio trầm ngâm: "Tôi yêu văn hóa của dân tộc mình, nó hiện hữu trong máu, tôi muốn nó sống mãi. Tuổi mình ngày càng cao, sức ngày càng yếu, nên muốn truyền lại tình yêu ấy cho lớp con, lớp cháu". Với ước vọng cháy bỏng là phải phục hồi, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa vô giá của tổ tiên, hằng ngày, Ma Bio cứ âm thầm, lặng lẽ, từng chút từng chút một truyền dạy cho các cháu nhỏ. Đến bây giờ, hầu hết các cháu trong plei Diom A của bà đều biết đánh chiêng, thổi kèn, thành thạo những điệu múa cổ truyền và hát dân ca. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về hay những lễ hội của quê hương, đất nước, đội văn nghệ dân gian Chu Ru mà thành viên có cả người già, người trẻ do Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio làm "nhạc trưởng" lại đóng góp những tiết mục độc đáo, lan tỏa tình yêu sơn nguyên đến với cộng đồng.