Khoảng trống cần sớm được nghiên cứu

Người dân một số tộc người đã chủ động sáng tạo nên những hình thức chữ viết phù hợp, và sử dụng thành phương tiện kết nối hiệu quả trên mạng xã hội. Chia sẻ thực tế này, TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiến nghị: Các nhà khoa học và cơ quan chức năng cần sớm nắm bắt và có chính sách phù hợp.

TS Trần Hữu Sơn (áo trắng, bên trái) trong một chuyến điền dã về làng đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: NVCC
TS Trần Hữu Sơn (áo trắng, bên trái) trong một chuyến điền dã về làng đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: NVCC

- Đã có nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước tập trung cho nhiệm vụ bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các tộc người. Song, những năm gần đây, ở hầu khắp địa phương trên cả nước có đồng bào các dân tộc sinh sống, hiện tượng mai một giá trị bản sắc tộc người đang có chiều hướng diễn ra khá phổ biến. Từ thực tế nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhất là khu vực vùng núi phía bắc, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách rất tạo điều kiện để bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc. Về chữ viết, bên cạnh việc tôn trọng, sử dụng các chữ viết truyền thống các dân tộc như chữ Thái cổ, chữ H’Mông, Dao, Tày, Chăm, Khmer, Đảng, Nhà nước cũng rất chú trọng công tác nghiên cứu để latin hóa chữ viết của các dân tộc, và đến nay đã latin hóa được chữ viết của các dân tộc, như Tày, Nùng, Thái, H’Mông (khoảng những năm 1959, 1960) - từng là công cụ hữu hiệu giúp xóa nạn mù chữ cho đồng bào các dân tộc vùng núi phía bắc; cùng chữ viết của các dân tộc đã được latin hóa từ trước đó, như Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Xơ Đăng, Hrê, Cơ Ho, Xtiêng...

Vậy nhưng, những năm gần đây có một hiện tượng là người dân đang dần ít sử dụng các loại chữ viết ra đời trước đây. Thí dụ như chữ người H’Mông, tôi vừa đi Mù Cang Chải về, khi hỏi thì người dân ở đó không có ai học cả, trong khi nhiều người lại khá thông thạo chữ H’Mông quốc tế. Một số người chia sẻ, chữ đó khó học, còn chữ H’Mông quốc tế thì khá đơn giản nên nhiều người học, chỉ vài hôm là có thể sử dụng được. Thêm một lý do nữa là chữ H’Mông quốc tế được sử dụng trên nhiều trang mạng xã hội, nhờ đó mà phát triển rất mạnh, và đến bây giờ rất nhiều bạn trẻ người H’Mông đọc được loại chữ đó.

Ở các tộc người khác cũng có một hiện tượng mới khá thú vị, đó là người dân tự đặt ra chữ viết. Như ở một số nhóm dân tộc Tày, Thái, Dao, có một số người dân tự nghĩ ra chữ viết, và được người dân hào hứng sử dụng, nhất là trên các mạng xã hội. Tôi đã đến vùng Thanh Sơn, Phú Thọ gặp một thầy giáo về hưu tự nghiên cứu ra chữ Mường, đưa lên mạng và được rất đông người hưởng ứng. Anh ấy đã xây dựng cả giáo trình dạy chữ này. Tỉnh Hòa Bình - nơi có rất đông người Mường sinh sống, đã mời anh ấy về dạy cho người dân địa phương loại chữ này.

Các loại chữ mới được người dân chủ yếu sử dụng trên mạng, để trao đổi thông tin, trao đổi văn hóa, kết nối... rất nhanh. Đó là một hiện tượng rất đáng quan tâm.

- Ông vừa nhắc đến việc đồng bào các dân tộc, nhất là người trẻ, rất hào hứng sử dụng mạng xã hội?

- Việc sử dụng mạng xã hội đang làm thay đổi tộc người, thay đổi văn hóa tộc người. Tính đến tháng 10/2020, người H’Mông có khoảng 20 fanpage, có trang hơn một trăm nghìn người tham gia; người Dao có 27 fanpage, có trang mới xuất hiện vào năm 2019, nhưng đã thu hút gần 150 nghìn người tham gia. Người Thái cũng vậy... họ sử dụng chữ dân tộc đã được latin hóa. Chỉ tính riêng ở huyện Bắc Hà, cũng có đến mấy trang mạng xã hội của các nhóm người Dao hoạt động rất mạnh. Năm ngoái, tôi có dịp đi cùng đội thông tin lưu động tới vùng người Hà Nhì, người H’Mông ở Y Tý, Lào Cai, khi tôi tới nhà thì 4, 5 người là 4-5 cái điện thoại thông minh, và chả ai nói chuyện với ai, chỉ giao tiếp trên mạng thôi... Thực tế khảo sát của tôi, ở nhiều khu vực tại Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, sự tiếp cận của đồng bào đối với các phương tiện truyền thông đại chúng chưa nhiều bằng mạng xã hội... Ta phải nhìn nhận thực tế này như thế nào?

Đáng suy nghĩ là, theo quan sát của tôi, vấn đề chữ viết mới của các tộc người cũng như việc sử dụng mạng xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số dường như vẫn là một khoảng trống cần sớm được nghiên cứu. Nhu cầu thực tế lớn như thế, nếu có sự tham gia của các nhà nghiên cứu thì sự phát triển sẽ nhanh hơn.

- Vậy theo ông, đối với câu chuyện của tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, cần có những điều chỉnh gì từ phía cơ quan chức năng?

- Tôi nghĩ, Nhà nước nên chú trọng hơn đến vai trò của mạng xã hội đối với cộng đồng người các dân tộc, trong đó, có câu chuyện chữ viết và sự kết nối, giao lưu của đồng bào qua mạng xã hội- đang phát triển rất mạnh, nhiều trang mạng có kết nối xuyên quốc gia. Đây là một phương tiện rất hữu hiệu, bên cạnh các phương tiện truyền thông đại chúng lâu nay, để chuyển tải thông tin, các nội dung về phát triển kinh tế-xã hội tới cộng đồng các tộc người.

Đảng và Nhà nước đã và đang đầu tư nguồn lực rất lớn cho các chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc. Trong các hợp phần của các chương trình đó, theo tôi, cần bổ sung nội dung nghiên cứu và hỗ trợ triển khai các trang mạng xã hội sử dụng chữ viết riêng phù hợp văn hóa tộc người. Điều này sẽ góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội đang được ưu tiên triển khai, mang tới những tác động hữu ích cho các cộng đồng. Có sự hỗ trợ về chính sách, cùng sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, tiếng nói và chữ viết của các tộc người sẽ được bảo tồn và phát triển, góp phần giữ gìn và làm nên bản sắc độc đáo của mỗi tộc người trong quá trình hội nhập.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!