Men nồng trên núi mẹ

NDO -

NDĐT- Mẫu Sơn- núi mẹ đang rạo rực trong không khí của ngày Tết. Hoa đào khoe sắc lung linh trong gió lạnh, lòng người xốn sang đón chào mùa xuân. Và thật ấm áp khi người lính biên phòng và những cô gái, chàng trai người Dao quây quần bên bếp lửa hồng cùng nâng chén rượu nồng trao cho nhau bao lời chúc tốt đẹp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ chiến sĩ đồn BP Chi Ma.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ chiến sĩ đồn BP Chi Ma.

Năm nay tiết trời rét tê tái, cỏ cây trên dải Mâu Sơn như keo quắt lại. Những buổi sáng sương muối, vuốt tay lên cành lá đã thấy hơi nước đóng thành băng tuyết. Ấy vậy mà thật kỳ lạ khi những bông hoa đào vẫn nhú nụ, bật bông rộ nở làm cho không gian vùng biên xa xôi trở nên ấm lành đến lạ. Đào núi Mẫu Sơn đẹp đến huyền ảo, sắc hồng đằm thắm xen lẫn với sắc trắng trong ngần. Dáng đào mềm mại từ cành lá đến cả những bông hoa. Nếu hoa đào Tây Bắc cứng cáp, gốc cành rắn chắc vạm vỡ tựa dáng hình của một chàng trai thì đào Mẫu Sơn lại thướt tha như cô gái mới lớn e thẹn trong bộ áo dài.

Rượu Mẫu Sơn ngon có tiếng, lên Mẫu Sơn mà chưa uống chén rượu thì là thiếu đi nửa phần thi vị. Thứ rượu mà chúng tôi đặt tên riêng là “biên tửu” ấy vừa thơm vừa thanh, khá nặng độ nhưng uống không nồng, người uống tinh còn cảm nhận được cái thanh khiết của nước suối nguồn lấy trên đỉnh núi có trong chén rượu. Để rượu thanh và thơm được như vậy phải kể đến tài ủ men lá của người Dao nơi đây. Cỏ cây trên đỉnh Mẫu Sơn chính là nguồn nguyên liệu quý hiếm được những người có nghề thu hái về và chế biến thành những viên men ủ rượu mà không nơi nào có được. Nhà người Dao nào ở Mẫu Sơn cũng đều có thể nấu rượu ngon, nhưng không phải ai cũng có thể làm được những viên men ủ rượu, chỉ có một vài gia đình nơi đây có được bí quyết tạo nên thứ men hảo hạng đó.

Trong bữa cơm tất niên của đồn biên phòng Chi Ma, có một em gái rất tươi tắn và hoạt bát. Em uống rượu nhiệt tình và cứ nhẹ nhàng như không khiến cho cuộc vui thật rộn ràng, ấp áp. Qua câu chuyện mới biết, tên em là Đặng Thị Múi, người Dao chính gốc và là Bí thư xã đoàn Mẫu Sơn. Bất ngờ hơn nữa em còn là một “tay” nấu rượu, ủ men có tiếng trong vùng. Nhờ làm nghề mà kinh tế gia đình em cũng bớt đi đôi phần vất vả. Cách đây vài năm em mạnh dạn vay một trăm triệu từ nguồn vốn giúp đỡ thanh niên lập nghiệp để nấu rượu và nuôi lợn. Em bảo với tôi rằng, rượu của em thơm là vì em đã phải ngắt rất nhiều hoa trên núi để làm men. Nghề nấu rượu nơi đây chẳng được lãi lời bao nhiêu, cái lãi lớn nhất của em là bỗng rượu để nuôi đàn lợn vài chục con trong chuồng. Nhờ đàn lợn mà em sẽ có thể trả nợ và ba lao động chính nhà em làm cả ngày cũng không hết việc. Giờ đây em là tấm gương sáng để thanh niên trong xã noi theo ở cái nết năng nổ nhiệt tình trong công việc, đồng thời dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình.

Men nồng trên núi mẹ ảnh 1
Men nồng trên núi mẹ ảnh 2

-Bí thư xã đoàn Mẫu Sơn Đặng Thị Múi . - Thanh niên xã Mẫu Sơn trò chuyện cùng cán bộ đồn BP Chi Ma

Tết năm nay, dường như Mẫu Sơn vui hơn bởi đời sống đồng bào đã có phần ấm no, không còn cảnh nghèo đói lạc hậu như năm nào. Nói đến chuyện làm kinh tế, người Dao ở Mẫu Sơn vẫn cứ nhắc cái ơn của người lính biên phòng. Câu chuyện trồng thông đã cách đây hơn chục năm rồi được kể lại rôm rả trong mỗi nếp nhà. Khi đó, những người lính biên phòng phải đến từng hộ dân để vận động bà con tham gia vào dự án trồng cây thông. Nhiều người khi đó cảm thấy ngại ngần vì cây thông lớn chậm, đến bao giờ mới cho thu nhập!?. Mà giá nhựa thông khi đó lại rất thấp và bấp bênh. Nhiều người tham gia trồng thông cũng bảo vì nể các chú biên phòng quá nên đành tham gia thôi.

Thời gian thấm thoát trôi, cả dãy núi Mẫu Sơn giờ đã xanh ngát màu thông. Lúc cây thông cho nhựa cũng là lúc người Dao thoát nghèo. Thương lái đến tận từng gia đình để thu mua nhựa thông. Bà con nơi đây vốn xưa nay chỉ chăn nuôi, trồng lúa trồng màu thì giờ lại có thêm nguồn thu nhập lớn từ việc khai thác nhựa thông bán ra thị trường. Có nhiều gia đình thu được vài trăm triệu một năm nhờ bán nhựa thông trên rừng trồng của nhà mình. Chỉ vài năm khai thác, những rừng thông vẫn xanh, thiết lập một vành đai xanh trên biên giới mà giờ đây ngang dọc dải núi Mẫu Sơn đã xuất hiện thật nhiều ngôi nhà xây hiện đại. Cuộc sống của đại đa số đồng bào người Dao đã tròn đầy tươi mới và sung túc.

Nhớ ơn những người lính biên phòng, người Dao lại càng thêm tin tưởng gắn bó với biên cương, chung vai cùng cán bộ đồn biên phòng Chi Ma tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, bảo vệ an ninh thôn bản. Chẳng thế mà đã bao năm qua, mặc cho những tác động tiêu cực từ sự phát triển nóng trong xã hội, người Dao dưới dải Mẫu Sơn vẫn một lòng son sắc theo Đảng. Từng mét đường tuần tra, từng cột mốc lớn nhỏ luôn được người dân coi sóc cẩn trọng, các loại tệ nạn xã hội không có cơ hội nẩy nở trong cộng đồng vốn rất coi trọng bản sắc văn của mình.

Đi giữa lòng Mẫu Sơn trong mùa đào mới, bắt gặp những cô gái Dao khỏe khoắn thoắt ẩn hiện trên đường xuống núi, gùi mây mang theo hương rừng, hương núi để nương theo men rượu đến với người miền xuôi. Nhịp chân khỏe khoắn và nụ cười tươi nhuần, rạng rỡ khiến chúng tôi, những lữ khách đường xa chợt thấy vương thương, vấn nhớ nét xuân đang thèn thẹn đâu đó trong dáng núi, chỉ chờ chúa xuân nổi gió là ăm ắp ùa về với vùng biên xứ Lạng. Chợt nghĩ, dường như những con người dưới dải Mẫu Sơn vẫn đang từng giờ từng phút chắt chiu nhựa sống, vượt qua khắc nghiệt để đến ngày xuân khoe sắc thắm giản dị của núi rừng đã vốn có tự ngàn năm.