Đám tang Phan Thanh

Đám tang Phan Thanh


"Dân chúng đã tổ chức tang lễ rất trọng thể!"

Ðó là lời của Nguyễn Ái Quốc nói về đám tang Phan Thanh trong báo cáo của Người gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản cuối tháng 7 năm 1939.

Trái tim Phan Thanh ngừng đập vào lúc 8 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1939, khi ông mới tròn 31 tuổi.

Tin Phan Thanh từ trần nhanh chóng loan ra khắp thành phố rồi cả nước.

Trên 150 bức điện của nhiều thành phần, nhiều tầng lớp nhân dân từ khắp ba miền liên tiếp gửi về Hà Nội, về gia đình Phan Thanh.

Lễ viếng và an táng Phan Thanh được tổ chức vào ngày 4-5. Linh cữu Phan Thanh phủ vải đỏ kê giữa nhà quàn. Trước mặt trên tường có bức ảnh Phan Thanh phóng to treo giữa lá cờ đỏ của Ðảng Xã hội. Quanh có rất nhiều vòng hoa đủ loại... Các đảng viên Ðảng Xã hội Pháp S.F.I.O, các đại diện Trường Thăng Long, Hội Truyền bá quốc ngữ, các đoàn thể, hiệp hội ái hữu... lần lượt thay nhau túc trực bên linh cữu suốt ngày đêm.

Ðến viếng và tiễn đưa anh là những đảng viên của Ðảng Xã hội Pháp, những đảng viên Cộng sản, Thanh niên xã hội, Thanh niên dân chủ, phụ nữ lao động Hà Nội và các tỉnh, trí thức, giáo sư, học sinh, nhà báo, nghệ sĩ, họa sĩ, học sinh Hội Truyền bá học quốc ngữ, các cháu Hội Tế sinh tiểu thương, tiểu chủ, nông dân và đại diện hàng chục nghiệp đoàn ái hữu thợ thuyền và những người nội trợ...

Ðúng 11h30, ngày 4-5, linh cữu của Phan Thanh được người nhà và đồng chí, bạn bè khiêng ra khỏi nơi quàn, đặt lên xe bốn ngựa kéo phủ đầy hoa.

Mãi đến 3 giờ chiều đám tang mới đến nghĩa trang. Ðồng chí, bạn hữu xúm lại khiêng linh cữu vào nơi làm lễ truy điệu.

Rừng người tràn vào nghĩa trang quây chung quanh linh cữu để nghe đại diện các đảng phái, các giới đọc điếu văn nói lời vĩnh biệt với người vừa khuất. Ðám đông im lặng, xúc động, nhiều người ứa lệ, cố nén tiếng thổn thức...

M.Lemaire, đại diện Ðảng Xã hội nói:

"...Tôi không nói về cuộc đời anh, tôi chỉ muốn nói về con người anh. Anh là người trung thực, đúng mực, dũng cảm; một đồng chí hoàn hảo với tất cả nội dung mà từ ấy chứa đựng nghĩa là chính trực, tận tâm, giàu lòng thương yêu.

Việc anh đã làm là luôn luôn trung thành một cách đúng đắn và có lý lẽ với sự nghiệp mà anh đã dành trọn đời phụng sự, với việc bảo vệ những kẻ yếu, những người bị áp bức, với công cuộc giải phóng dân tộc ".

Ông Trần Huy Liệu thay mặt những đảng viên cộng sản đã đánh giá hoạt động của Phan Thanh:

"...Trước tình hình hiện nay, đồng ý với nhiều đồng chí của chúng ta, anh đã nhận ra: để đẩy lùi phái phản động thuộc địa giành tự do dân chủ cho các dân tộc ở Ðông Dương, Ðảng Xã hội phải liên kết với tất cả các nhóm cấp tiến, cùng họ tham gia vào Mặt trận dân chủ, kiên quyết đấu tranh trên một nền tảng rộng rãi. Vì lẽ đó tại Viện Dân biểu Trung Kỳ anh đã có thể tập hợp một đa số cấp tiến. Và ở Ðại Hội đồng cũng như ở Hội đồng thành phố, anh đã không bỏ qua một cơ hội nào để truyền bá và bảo vệ khẩu hiệu của Mặt trận dân chủ. Anh không chỉ là một đảng viên gương mẫu của Ðảng Xã hội, anh còn là một trụ cột của Mặt trận dân chủ và anh đã là mục tiêu của hàng nghìn mũi tên của bọn thực dân phản động...

Ðồng chí Phan Thanh thân yêu, cầu cho lòng hăng say của đồng chí sống mãi với ngày 1-5..."

Sau khi Phan Thanh mất, Trung Kỳ tiến hành bầu cử người thay thế ông trong Viện dân biểu Trung Kỳ.

Xứ ủy Trung Kỳ tìm người đưa ra ứng cử và đã chọn Ðặng Thai Mai. Là con một nhà yêu nước có tên tuổi, bản thân Ðặng Thai Mai là một trí thức Nho học, Tây học uyên thâm, người Nghệ An, lúc đó đang dạy học ở Trường Thăng Long Hà Nội cùng Phan Thanh; cùng viết báo Le Travail, Notre voix với Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Phan Bôi...

Kết quả Ðặng Thai Mai đã trúng cử và thay thế Phan Thanh trong Viện dân biểu Trung Kỳ. Rõ ràng dân chúng đã đặt sự tin cậy của mình vào những người trong "sổ Phan Thanh", những đại diện của Mặt trận dân chủ.

Phan Thanh là giáo sư Trường tư thục Thăng Long, là đảng viên Chi nhánh Bắc Ðông Dương Ðảng Xã hội Pháp S.F.I.O. Ông được Ðảng Cộng sản Ðông Dương chọn đưa ra ứng cử và trúng cử nghị viện Viện Dân biểu Trung Kỳ, Ủy viên Hội đồng thành phố Hà Nội. Ông là đại diện của Mặt trận dân chủ tại Ðại Hội đồng lợi ích kinh tế tài chính Ðông Dương.

Trong những năm 1936- 1939, ông đồng thời làm rất nhiều việc: dạy học, viết báo, hoạt động Truyền bá quốc ngữ, hoạt động Ðảng Xã hội, hoạt động nghị trường...

Ông tiếp cận với nhiều thành phần và tầng lớp nhân dân lao động, trí thức, viên chức; với nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa nổi tiếng; với nhiều thành phần thuộc nhiều giai tầng từ thấp đến cao của chính quyền thực dân cũng như của chính phủ Nam triều.

Ông đã đứng trên nhiều diễn đàn: của một hội như Hội Truyền bá quốc ngữ, của một thành phố như Hội đồng thành phố Hà Nội, của một kỳ như Viện Dân biểu Trung Kỳ, của toàn Ðông Dương như Ðại Hội đồng lợi ích kinh tế tài chính Ðông Dương, cả trước Tòa án Thừa Thiên của chính phủ Nam triều.

Việc ông kịp làm trước khi ông mất, đặc biệt trong hơn hai năm cuối cùng đời ông là:

Mang hết tinh thần, khí phách, tài năng, trí tuệ, sức lực một thanh niên trí thức cách mạng làm tròn xuất sắc nhiệm vụ một đại biểu đích thực của dân chúng cần lao, nhằm đúng mục tiêu, theo đúng tinh thần nội dung phương pháp cách mạng Hội nghị Trung ương Ðảng tháng 7- 1936 đã đề ra.

Cất lên được tiếng nói của quần chúng, dũng cảm đanh thép đầy lý lẽ thuyết phục trên những diễn đàn của bọn thực dân và tay sai, đấu tranh giành quyền lợi về mọi mặt chính trị kinh tế xã hội văn hóa, những quyền lợi tự do, dân chủ, dân sinh, cho mọi thành phần tầng lớp lao động, trí thức, viên chức ở Việt Nam.

Ðiều ông và các đồng chí của ông giành được là đã thức tỉnh được quảng đại quần chúng, động viên khích lệ được lòng yêu nước ở họ, đưa họ vào con đường đấu tranh, làm cho họ thấy oai phong của các ông trước quân thù mà biết tin vào sức mạnh của chính mình.

Bọn thực dân thuộc địa cùng bọn Nam triều ngóc đầu dậy, chuẩn bị và bắt đầu đàn áp khủng bố ráo riết đẫm máu các lực lượng cách mạng, yêu nước trên quy mô rộng khắp.

Phan Thanh đã thấy những khó khăn sắp tới của cách mạng: hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn đồng chí, đồng bào sẽ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, hy sinh. Nhưng ông cũng như các đồng chí của ông đã vững tin ở tương lai cách mạng.

Quả vậy. Chỉ một hai năm sau đó thôi, Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã thành lập và kêu gọi mọi người gia nhập Mặt trận Việt Minh, một mặt trận còn rộng rãi hơn Mặt trận dân chủ nhiều nữa, đoàn kết đấu tranh, chuẩn bị đón thời cơ mới đứng dậy cướp chính quyền về tay nhân dân.

Và tới năm 1945 thời cơ xuất hiện, toàn dân Việt Nam nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Việt Minh đã vùng lên quyết tâm một lòng tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông-Nam Á.

PHAN VINH