Ông Tuomioja đưa ra thông báo trên sau các cuộc gặp riêng rẽ với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul và Bộ trưởng Ngoại giao Síp George Lillikas.
Phần Lan - nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của EU cho tới cuối năm nay, đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa một số cảng và sân bay cho tàu và máy bay của Síp, và yêu cầu người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc kiểm soát một ngôi làng ở miền bắc Síp. Đổi lại EU sẽ đưa hàng qua cảng Famagussta của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối yêu cầu của Phần Lan cho tới khi EU cam kết nới lỏng cấm vận đối với khu vực miền bắc Síp do người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Miền nam đảo Síp của người Síp gốc Hy Lạp – thành viên của EU từ năm 2004 - cũng không đồng ý trao đổi thương mại trực tiếp với nước cộng hòa Bắc Síp tự xưng của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ (chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận).
Các quan chức EU nói rằng, cuộc đàm phán này lâm vào bế tắc có thể dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ không được chấp nhận gia nhập EU.
Dự kiến các bộ trưởng ngoại giao EU sẽ xem xét vấn đề này trong cuộc họp vào ngày 11-12 tới.
Cuộc xung đột giữa hai cộng đồng người Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trên đảo Síp bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi hòn đảo này còn là thuộc địa của Anh. Các cư dân người Hy Lạp trên đảo vốn muốn liên minh với Hy Lạp đã tiến hành một chiến dịch chống thực dân Anh và tấn công cư dân người Thổ Nhĩ Kỳ sống trên cùng hòn đảo vì những người này phản đối phong trào chống Anh.
Điều này đã dẫn tới sự can thiệp của hai nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1960, đảo Síp giành độc lập hoàn toàn với việc bảo đảm quyền lợi công bằng cho cả người Síp gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, năm 1963, khi Tổng thống đầu tiên của đảo Síp, Tổng giám mục Makarios người Hy Lạp tìm cách thay đổi hiến pháp nhằm hạn chế quyền lợi của người Thổ Nhĩ Kỳ, mâu thuẫn giữa hai cộng đồng đạt tới đỉnh điểm. Năm 1964, nội chiến bùng nổ khiến Liên hợp quốc phải điều một lực lượng gìn giữ hoà bình tới hòn đảo này.
Năm 1974, ngay sau cuộc đảo chính quân sự do những người ủng hộ việc liên minh với Hy Lạp tiến hành lật đổ Tổng thống Makarios, Thổ Nhĩ Kỳ đã đem quân xâm lược và chiếm 1/3 lãnh thổ phía bắc hòn đảo này. Năm 1975, nước Cộng hoà Liên bang Síp Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông Rau Denktash, người từng là Phó tổng thống.
Đến năm 1983, cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ trên hòn đảo tuyên bố độc lập và đặt lại tên là Cộng hoà Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ. Nước cộng hoà này được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận, song nước Cộng hoà Síp của người Síp gốc Hy Lạp vốn kiểm soát 2/3 đất đai của hòn đảo lại được quốc tế công nhận.
Hiện nay những người gốc Hy Lạp chiếm 80% dân số Síp và kiểm soát 60% lãnh thổ đảo quốc. Đến nay, "đường ranh giới Xanh" chia cắt hai phần của đảo Síp vẫn do lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ tuần tra kiểm soát.