Đam mê cùng với trẻ vùng cao

Theo người dân dẫn đường, đoàn Câu lạc bộ từ thiện Nụ cười hồng (thành phố Đà Nẵng) đi bộ dọc núi lên Nóc (làng) Ngọc Nâm, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Lần này, đoàn mang theo rạp chiếu phim trên núi số 6, trạm điện năng lượng mặt trời số 17 và hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt cho các hộ dân.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Hồ Hoàng Liêm trao quà tặng các em nhỏ.
Anh Hồ Hoàng Liêm trao quà tặng các em nhỏ.

Anh Hồ Hoàng Liêm (sinh 1989), Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, anh và các thành viên mong muốn mang ánh sáng, mang trí thức lên cho các em nhỏ, tạo bước đệm giúp các em tự mở “cánh cửa” để bản thân có thể nhìn ra được thế giới.

Chiếu phim trên Nóc Ngọc Nâm

Sau một giờ leo bộ, đoàn cũng lên tới điểm trường Ngọc Nâm, thôn 1. Đám trẻ đã chờ sẵn ở đây từ sớm khi nghe tin sẽ có đoàn lên chiếu phim và lắp điện cho các con học.

Trời về chiều, nhóm nhanh chóng đẩy những tấm điện mặt trời lên mái điểm trường để kịp lắp trước khi trời tối. Ba tấm điện đủ cho các thầy, cô giáo cùng học trò sử dụng cho những bóng đèn sáng, máy chiếu và các thiết bị khác. Một nhóm khác tranh thủ chế biến đồ ăn, nấu bữa chiều cho các con.

Điểm trường mẫu giáo và tiểu học Ngọc Nâm có 32 trẻ nhỏ ở các độ tuổi mầm non, lớp một, lớp hai của ba làng: Ngọc Nâm, Tu Reo, Tak Pót (thôn 1). Tại đây chưa có hệ thống điện lưới quốc gia, các hộ gia đình và điểm trường đều sử dụng điện thủy luân và điện năng lượng mặt trời do các mạnh thường quân tài trợ, đủ để chiếu sáng bóng đèn.

Ba tấm điện mặt trời vừa được lắp xong tại điểm trường, hệ thống điện cũng được kích hoạt và hoạt động ngay khi trời vừa chập choạng tối. Những bóng đèn lớn chiếu sáng sân trường nhỏ, nơi đó, những suất ăn tối do các cô, các chú nấu cũng đã sẵn sàng để các bạn nhỏ thưởng thức.

Trước buổi chiếu phim, những chiếc ghế cũng đã được xếp gọn lại thành hàng để các bé xem thoải mái hơn. Em Hồ Minh Dự (chín tuổi) cùng em gái bốn tuổi của mình từ chiều đã được mẹ dẫn đến trường chờ xem phim. Cậu bé và em ngoan ngoãn ăn hết bữa tối với thịt, rau củ, kèm bánh mì. Chị Hồ Thị Thà (28 tuổi) người Xơ Đăng chăm chú quan sát hai con. Chị Thà cho hay, hai vợ chồng chị làm nương rẫy để có thức ăn hằng ngày, ngoài ra, chồng chị đến các làng khác để làm thuê, kiếm tiền thêm cho sinh hoạt.

Ngôi nhà đơn sơ cũng chỉ một vài vật dụng cơ bản, không có gì đáng giá. Dù buổi tối trời mưa, nhưng với sự háo hức của các con, chị Thà vẫn cầm theo áo mưa chờ con xem xong bộ phim mới đưa con về nhà. Chị Thà tâm sự: “Nhà chúng tôi không có tivi, ngày thường thì các con tự tạo ra các trò để chơi với nhau. Bữa nay, lần đầu được xem phim trên màn hình to, thấy con vui tôi cũng vui, kể cả tôi cũng thấy háo hức với mấy bộ phim này”.

Ngay khi phim “Doraemon” được chiếu, những em bé còn chưa ăn xong cũng nhanh chóng ngừng lại, đôi mắt dán chặt lên màn hình lớn, đầy háo hức, đầy tò mò và phút chốc đã bị cuốn hút. Bánh kẹo do đoàn phát lúc đó cũng không còn hấp dẫn nữa. Sau lưng các con, là ba mẹ, là ông bà và mọi người trong thôn cũng chăm chú xem phim. Sau “Doraemon” là “Tôm và Jerry” và những bộ phim khác.

“Có lẽ, đối với chúng tôi, đây là bộ phim tuổi thơ ai cũng đã từng xem qua, còn đối với mọi người trong thôn, gần như là lần đầu được xem” - thầy Nguyễn Văn Tuyên, dạy tiểu học ở điểm trường, phát biểu vậy. Thầy Tuyên người xã Trà Ka (huyện Bắc Trà My). Thầy Tuyên kể, khi thấy trường đăng thông tin về việc thiếu giáo viên dạy, thầy đã đăng ký lên điểm trường này, rồi gắn bó cùng học sinh. “Điểm trường cũng từng có các đoàn tới giao lưu, tặng quà, nhưng hôm nay, những bộ phim đã cuốn hút đám trẻ, ai cũng hứng thú với câu chuyện trên phim. Có lẽ, món quà tinh thần hôm nay sẽ làm các con nhớ hơn bởi nó khác với những điều nơi các con sinh sống, nó tạo ra một sự đón nhận mới”-thầy Tuyên nói.

Đam mê cùng với trẻ vùng cao ảnh 1

Lắp điện mặt trời tặng điểm trường.

Câu lạc bộ từ thiện Nụ cười hồng cũng tặng điểm trường bộ máy chiếu, âm thanh cùng các thiết bị để phục vụ việc dạy học sau này cũng như trường tiếp tục chiếu phim cho các em xem. Cùng với đó là hỗ trợ hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt từ suối về trường, dụng cụ học tập, cặp sách, đồng phục đi học, quần áo mới, chăn màn, sữa, bánh kẹo, áo mưa...

“Cánh cửa” để các con nhìn ra thế giới

Trong nhiều năm thành lập Câu lạc bộ và chọn lựa những hướng đi, và rồi Nụ cười hồng vẫn quyết tâm với dự án lắp đặt trạm điện năng lượng mặt trời cho các điểm trường và mang rạp chiếu phim lên núi cho đám trẻ.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ từ thiện Nụ cười hồng Hồ Hoàng Liêm, bộc bạch: Chúng tôi chọn bắt đầu từ những đứa trẻ, bởi vì chỉ có những đứa trẻ mới thay đổi được tương lai. Nhiều em đa số học tới cấp 1 là đã dừng lại. Từ cấp 2 thì cần xuống núi, là cả một chặng đường rất xa để đi học. Chúng tôi muốn các em cảm nhận được cuộc sống bên ngoài rộng lớn, phong phú như thế nào. Và để có thể “chạm” vào được thế giới đó, các em cần học tập. Chúng tôi mong rằng chương trình sẽ góp phần vào hành trang, tạo động lực giúp các em vượt núi rừng đến trường.

Trong nhiều lần thực hiện lắp điện cho thôn, điểm trường, anh Liêm thấy các thầy, cô giáo vẫn đến từng nhà để vận động các con đi học, gần như đây là việc giáo viên nào ở trên núi cũng làm. Lúc đó anh nghĩ, mình cần làm cái gì đó, vui, hấp dẫn, để lôi kéo các em háo hức đến trường. Vì vậy, anh Liêm đã thử mang phim lên núi chiếu, “rạp” đầu tiên là ở Quảng Nam, thật không ngờ, khi phim được chiếu, tụi nhỏ đã rất thích thú. Lúc đó, mọi người biết rằng, điều này không chỉ thu hút được các em, mà đây còn là công cụ cần thiết hỗ trợ cho việc dạy học cũng như giúp các em hiểu được nhiều điều hơn bên ngoài những dãy núi.

Liêm nhớ, nhiều lần khi hỏi rằng, con biết bên kia núi là gì không? Các con sẽ trả lời là núi. Nên khi thầy, cô giáo tải các nội dung phong phú khác để chiếu cho học sinh xem, học trò sẽ hiểu rằng, đây là thật, là thế giới đang có ở dưới chân núi. Những điều mới mẻ mỗi ngày các con được tiếp nhận sẽ tạo nên hứng thú, động lực đi học, học để có thể tiếp cận những điều mà các con xem.

Bên cạnh đó, bây giờ có rất nhiều cách giảng, bài giảng phong phú, có hoạt hình, hình ảnh, âm thanh sinh động giúp các em dễ nhớ, dễ hiểu. Với thiết bị này, các thầy cô có thể tải về, áp dụng vào trong bài giảng của mình. Học mà chơi, chơi mà học, thầy cô cũng nhàn hơn, bài giảng cũng tươm tất hơn, học trò cũng dễ tiếp thu hơn.

Để chạy được bộ máy chiếu này thì cần có điện, nên đó là lý do anh Liêm phối hợp thực hiện cả hai dự án đối với những điểm trường chưa có điện. Mỗi một chuyến đi như vậy, hệ thống được trao tặng lại trị giá khoảng 60 triệu đồng. Thời gian đầu thực hiện, kinh phí từ các anh em trong câu lạc bộ góp với nhau, rồi cùng làm các đêm nhạc đường phố, phòng trà để gây quỹ. Sau này, chương trình lan tỏa sâu rộng, nhiều mạnh thường quân tới hỗ trợ và cùng tham gia, nên câu lạc bộ cũng may mắn có được nguồn để duy trì các dự án.

Xong rạp này, câu lạc bộ lại đang tiếp tục chuẩn bị cho rạp số 7, bởi có nhiều thầy cô đã liên hệ để được hỗ trợ. Anh Liêm cũng may mắn gặp được những người bạn có cùng tâm huyết nên cũng bắt tay làm luôn, rạp số 8 và những trạm điện khác.

Anh Hồ Hoàng Liêm chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nghĩ, Nụ cười hồng sẽ chỉ hoạt động trong 10 năm để cùng nhau đồng hành, thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Vậy nhưng, đến bây giờ đã kéo dài tới 13 năm và những hệ thống điện thì vẫn tiếp tục được lắp đặt. Có lẽ rằng, chúng tôi không đặt mục tiêu được mấy năm nữa, chúng tôi cứ tiếp tục làm vậy thôi, lại lên núi cùng đám trẻ...”