Các trường hợp mắc bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hiện rất nhiều người vẫn còn chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.
Mới đây, ông Y.T.B trú tại xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắc đi dự đám giỗ ở nhà bà con tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, có ăn một ít tiết canh lợn do nhà làm. Sau khi ăn tiết canh lợn vào buổi trưa, đến tối ông bắt đầu có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, ù tai và dùng thuốc nhưng không thuyên giảm.
Ngày 4/5, ông Y.T.B nhập Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị với chẩn đoán sốt nhiễm trùng, theo dõi quai bị, theo dõi viêm tai giữa trên nền đái tháo đường type 2.
Đến ngày 6/5, kết quả xét nghiệm vi sinh cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptocotus Suis (bệnh liên cầu lợn) và được chẩn đoán viêm màng não mủ do Streptocotus Suis. Rất may, ông Y.T.B phát hiện bệnh sớm và được điều trị kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Trước đó, ngày 2/4, bệnh nhân P.K.T trú tại huyện Ea H’leo xuất hiện triệu chứng sốt cao, kèm đau đầu, đi khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, sau đó người nhà xin về. Đến ngày 5/4, bệnh nhân sốt cao kèm lơ mơ, người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo khám và điều trị, cùng ngày bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục theo dõi và điều trị với chẩn đoán sốc chưa rõ nguyên nhân, theo dõi viêm gan cấp.
Ngày 11/4, người nhà xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh với chẩn đoán khi chuyển viện mắc viêm màng não do Streptocotus Suis. Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 14/4, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị. Đến ngày 26/4, bệnh nhân được xuất viện với chẩn đoán viêm màng não do Streptocotus Suis.
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, qua theo dõi tại bệnh viện cho thấy, hằng năm trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện rải rác bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn. Năm 2022, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho 3-5 trường hợp bệnh nhân mắc liên cầu lợn, trong đó hơn một nửa số ca nhập viện với triệu chứng rất nặng. Còn trong 4 tháng đầu năm 2023, bệnh viện đã tiếp nhận 2 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn. Như vậy, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn vẫn tồn tại trên địa bàn nên mọi người không nên chủ quan.
Qua điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Biểu hiện của người mắc liên cầu lợn thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa như sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm màng não.
Khi mắc bệnh, khoảng 60% bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốt nhiễm trùng, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Khi mắc bệnh, chi phí điều trị bệnh liên cầu lợn khá tốn kém, thời gian điều trị kéo dài, di chứng để lại thường nặng nề, nguy cơ tử vong khi đã biến chứng rất cao
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, mọi người cần lưu ý phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.