Tính số năm chỉ thêm một bàn tay nữa là ông sống qua trọn một thế kỷ đời người. Và cũng gần trọn đời cống hiến sức mình cho sứ mệnh độc lập dân tộc, bảo vệ Đảng và xây dựng đất nước. 15 tuổi ông tạm biệt quê hương Kim Động, Hưng Yên lên Hà Nội học và được giác ngộ cách mạng. Hai năm sau, ông được cấp trên cử về quê gây dựng phong trào cách mạng khi thực dân Pháp đang tiến hành khủng bố trắng. Năm 1940, vừa 18 tuổi, ông đã tuyên thệ dưới cờ búa liềm, nguyện suốt đời hy sinh cho Đảng, cho dân. 70 năm như chưa hề xa trong ký ức người cán bộ cách mạng lão thành.
Chậm rãi và mạch lạc, ông kể, đầu những năm 40 của thế kỷ trước, ông trở về quê khi phong trào cách mạng đang tan rã. Việc khó nhất lúc đó là làm sao để vận động được quần chúng tham gia cách mạng hoặc không tham gia nhưng cũng nghe theo mình mà không tố giác. Sau nhiều đêm trăn trở, ông chọn phương thức vận động từng người, từng nhà, rồi nhân ra dòng họ, làng, xã và bắt đầu từ người thân trong gia đình. Người đầu tiên ông lựa chọn là một bà thím. Trong những lúc sang dạy con gái bà thím học bài, ông đã dần thuyết phục được thím và con gái của bà. Nhưng điều khiến ông lo lắng là người chú đang làm cho thực dân Pháp. Bằng tình cảm gia đình, ông kiên trì tuyên truyền để chú mình hiểu về nỗi nhục mất nước, sự đàn áp dã man của chế độ thực dân. “Mưa dầm thấm lâu”, người chú đã đồng ý để vợ con tham gia cách mạng.
- Thành công này cho tôi bài học vỡ lòng về làm cách mạng, đó là có thể vận động người trong hàng ngũ địch. Kinh nghiệm đó được áp dụng để thuyết phục lực lượng thanh niên, phụ nữ, nông dân và một số người là lý trưởng, đội đoan... Trong làng thường có hai dòng họ lớn, thuyết phục được dòng họ là có thể cách mạng hóa làng, xã để bảo vệ bí mật cho ta - Đại tướng nhớ lại.
Và cứ thế, từ chỗ không có cơ sở thành nơi có cơ sở vững chắc, phong trào phản đế đã hình thành và nhân rộng từ thôn Dưỡng Phú ra toàn xã Chính Nghĩa, rồi huyện Kim Động và phát triển rộng ra khu vực nam Hưng Yên. Tại đây, hai chi bộ đầu tiên được thành lập, với 11 đảng viên, sau đó phát triển dần và thành lập Thành ủy, rồi Tỉnh ủy Hưng Yên. Năm 1943, ông được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy.
Cũng thời gian này, Trung ương điều ông về Hà Nội cùng các đồng chí ở Thủ đô xốc lại phong trào. “Băn khoăn lớn nhất của tôi khi đặt chân lên Hà Nội là trình độ văn hóa của mình thấp, phải thuyết phục làm sao đối với người có trình độ cao hơn? Đối tượng vận động cũng thay đổi, hầu hết là trí thức, tư sản, tiểu tư sản, liệu kinh nghiệm ở Hưng Yên có vận dụng được? Được sự động viên của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, khi đó là các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh và những điều đã học được qua lớp huấn luyện chính trị về đường lối, tôi thêm vững tin”. Năm 1943, Trung ương đã điều hai đồng chí từ Hải Phòng, Bắc Ninh cùng với đồng chí Nguyễn Quyết để thành lập Thành ủy Hà Nội. Câu hỏi đặt ra lúc này là khôi phục cơ sở cách mạng từ đâu? Sau khi phân tích tình hình, rút kinh nghiệm vì sao phong trào thất bại, vận dụng linh hoạt kinh nghiệm của Hưng Yên, Thành ủy Hà Nội quyết định phải xây dựng cơ sở vững chắc, an toàn, vững từ ngoại thành, tiến dần vào nội thành.
Đó là một trong những sáng tạo cách mạng, như khẳng định của Tổng Bí thư Trường Chinh: địch khủng bố không phải do địch mạnh mà do sai lầm của ta. Chiến thắng chỉ có được khi cơ sở cách mạng vững chắc. Đảng bộ Hà Nội sáng tạo trong xây dựng lực lượng từ năm 1943-1944 từ ngoại thành, đầu năm 1945 vào nội thành thì mới có thắng lợi.
Đột phá của Hà Nội được ghi nhận, khi Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa chưa về đến Hà Nội nhưng nhận định tình hình có lợi cho ta, Thành ủy triệu tập họp mở rộng suốt đêm 17-8-1945. Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Quyết, Thành ủy đánh giá, tuy chính trị, quân sự của ta đã mạnh, nhân dân ta hăng hái, anh hùng nhưng phát-xít Nhật và ngụy quân, ngụy quyền là lực lượng quân sự, có trang bị vũ khí tối tân, chọn cách nào để không tiêu diệt mà uy hiếp chúng đầu hàng? Một đêm không ngủ để có quyết định độc đáo. Và sáng tạo của Hà Nội đã làm nên lịch sử khi vận dụng thông minh đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình cụ thể, nắm lấy thời cơ, phân tích đúng tương quan lực lượng, biết sử dụng sức mạnh áp đảo của quần chúng buộc quân Nhật phải nhường bước cho cách mạng giành chính quyền.
Tại cuộc vây chiếm trại Bảo an binh, một lần nữa bài học về cải tạo con người được áp dụng triệt để. Bên ngoài quần chúng hô hào, chiêng trống thị uy, bên trong, đồng chí Nguyễn Quyết dẫn đầu một đội quân tiến vào đàm phán, tuyên truyền cho sĩ quan và binh lính Nhật cùng lực lượng thân Nhật hiểu, Nhật hoàng đã đầu hàng đồng minh; chính quyền cách mạng là của nhân dân, không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam. Nhờ tài ngoại giao khôn khéo; tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các chiến sĩ tự vệ Hà Nội, sự ủng hộ của quần chúng cách mạng, lực lượng ta tuy yếu hơn, không trang bị vũ khí hiện đại nhưng đã vô hiệu hóa được hơn một vạn quân Nhật ở Thủ đô. Ngày 19-8-1945, 20 vạn quân dân Hà Nội nhất tề vùng lên, khí thế sục sôi từ ngoại thành đến nội thành, chiếm Phủ khâm sai, tòa đốc lý, trại Bảo an binh, sở mật thám… tiến tới làm chủ hoàn toàn. Kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã được áp dụng cho nhiều tỉnh, thành phố, những nơi có quân Nhật chiếm đóng. “Thắng lợi của Hà Nội là thắng lợi của cả nước” (lời Tổng Bí thư Trường Chinh), làm tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của Mùa thu Tháng Tám 1945 và độc lập dân tộc.
Chỉ với mấy chục đảng viên, đứng đầu đều là những chàng trai ngoài 20 tuổi, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết 23 tuổi; Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, Nguyễn Khang 26 tuổi... nhưng Thành ủy đã lãnh đạo quần chúng cách mạng hiện thực hóa giấc mơ đánh đuổi thực dân, phát-xít, giành chính quyền về tay nhân dân. Vượt qua khủng bố gắt gao của địch để xây dựng thành công cơ sở cách mạng, nếu không có cơ sở chiến lược mạnh, không có Đảng bộ sáng tạo, không có nhân dân quật khởi... thì dù thời cơ có, lực lượng mạnh cũng không thể làm nên lịch sử. Và bài học Cách mạng Tháng Tám, theo Đại tướng, là cần triệt để cách mạng, thẳng thắn đấu tranh với tư duy cũ, chống lại sai lầm, kiên quyết tiến công bằng phương thức mới, phù hợp tình hình, biến địch thành ta. Bài học ấy cho tới tận hôm nay, vẫn chưa hề cũ.