Tại buổi tiếp Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, sau lễ trình Thư ủy nhiệm, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO. Bà đánh giá cao đóng góp thiết thực và cụ thể của Việt Nam cho các vấn đề quan trọng của UNESCO, góp phần vào việc thực hiện sứ mệnh chung của Tổ chức.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, một trong những nước đi đầu triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động của UNESCO, nhất là các chương trình giáo dục vì sự phát triển bền vững, con người và sinh quyển, ứng phó biến đổi khí hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể... vì mục tiêu phát triển bền vững. Bà mong Việt Nam tiếp tục đóng góp hiệu quả vào triển khai Chiến lược chuyển đổi UNESCO, các sáng kiến toàn cầu mà UNESCO đang thúc đẩy như Tương lai của giáo dục, Đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, Khoa học mở...
Tổng Giám đốc UNESCO hoan nghênh vai trò tích cực của Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đã góp phần tăng cường hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc nói chung và ASEAN - UNESCO nói riêng, trong đó có cả việc ứng phó với các tác động của Covid-19.
Chúc mừng Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhận nhiệm vụ mới, bà Audrey Azoulay khẳng định, Việt Nam cũng như Đại sứ sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của UNESCO cũng như của cá nhân bà. Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định mong muốn sớm sang thăm Việt Nam nhằm trao đổi các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới.
Về phần mình, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân chuyển lời chào và chúc mừng của các lãnh đạo Việt Nam; đánh giá cao nỗ lực của bà Tổng Giám đốc và vai trò của Tổ chức UNESCO, một trong những tổ chức chuyên môn quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc, đóng góp hiệu quả vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng nhất trí rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO đang ngày càng phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa, thông tin và truyền thông, đặc biệt trong việc triển khai Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2015 – 2020. Nhân dịp này, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác mà UNESCO đã dành cho Việt Nam, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, quan hệ với Liên hợp quốc luôn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của đất nước. Bà nhấn mạnh, Việt Nam hết sức coi trọng sự hỗ trợ, đồng hành của UNESCO, đặc biệt là tri thức, ý tưởng, các mô hình và danh hiệu, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm ở Việt Nam; đồng thời mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác hơn nữa, cùng chia sẻ các ý tưởng và kinh nghiệm, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.
Đại sứ cũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đóng góp, tích cực tham gia vào quá trình định hướng hoạt động, vào các vấn đề quan trọng của UNESCO cũng như triển khai hợp tác cụ thể, qua đó đề cao vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm tại UNESCO. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, Việt Nam sẽ tăng cường đóng góp vào hợp tác ASEAN với Liên hợp quốc nói chung và ASEAN với UNESCO nói riêng.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cam kết trong nhiệm kỳ công tác, sẽ làm hết sức mình thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO. Bà cũng hoan nghênh Tổng Giám đốc Audrey Azoulay sớm thăm Việt Nam để trao đổi về định hướng và các ưu tiên hợp tác trong giai đoạn mới, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - UNESCO phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Việt Nam chính thức gia nhập UNESCO vào tháng 7-1976. Qua hơn 40 năm, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quan trọng của UNESCO, tiếp thu và áp dụng nhiều ý tưởng tiên tiến của UNESCO vào các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục… Việt Nam đã thành công trong việc đề xuất UNESCO ghi danh nhiều di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việt Nam cũng đóng góp thiết thực vào các vấn đề chung của Tổ chức thông qua sự tham gia tích cực vào Hội đồng Chấp hành, Ủy ban Di sản thế giới, sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam vào hệ thống chuyên gia của UNESCO trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa…, qua đó nâng cao vị thế và vai trò quốc tế của đất nước. |