Trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thực tế và xu hướng sử dụng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, các nhà sử dụng lao động, từ năm 2017 đến nay, các trường đại học trực thuộc ĐHTN tạm dừng tuyển sinh 19 ngành đào tạo, như Trường đại học Khoa học tạm dừng tuyển sinh ngành Việt Nam học, Toán - Tin, Vật lý; Trường đại học Kỹ thuật - Công nghiệp tạm dừng tuyển sinh ngành Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật môi trường; Trường đại học Nông lâm tạm dừng tuyển sinh ngành Khuyến nông, Nuôi trồng thủy sản.
PGS, TS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Trên cơ sở các nghiên cứu khách quan về thực trạng, xu hướng sử dụng lao động của xã hội, chiến lược phát triển của các địa phương, gần đây chúng tôi quyết định tạm dừng tuyển sinh một số ngành để tránh lãng phí nguồn lực của nhà trường, xã hội, tập trung nguồn lực về đội ngũ, cơ sở vật chất để đào tạo các ngành mà xã hội cần.
Bên cạnh đó, ĐHTN chỉ đạo các trường cập nhật chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất để mở ngành học mới như: Quản trị văn phòng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh nông nghiệp, kỹ thuật thực phẩm... nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội.
GS, TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN chia sẻ: “Chúng tôi yêu cầu các trường rà soát, đánh giá tổng số 285 ngành, chuyên ngành đang đào tạo để tạm dừng tuyển sinh. Đồng thời, căn cứ thực trạng điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất, tuân thủ theo đúng quy định, đáp ứng chuẩn đầu ra, thời gian gần đây các trường trực thuộc mở một số ngành học mới theo nhu cầu của các địa phương trong khu vực và xã hội.
Với 154 GS và PGS, 712 TS đa ngành, những năm gần đây ĐHTN chuyển hướng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu và đơn đặt hàng của các địa phương trong khu vực, doanh nghiệp. Qua đó, vừa phát huy nguồn lực của mình, vừa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Trong quá trình nghiên cứu và chuyển giao khoa học, sinh viên được đi theo, được học và được làm, có tư duy khoa học để giải quyết những vấn đề về học tập. Đến nay ĐHTN hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 15/15 tỉnh khu vực trung du miền núi phía bắc, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, trong đó, hợp tác tỉnh Thái Nguyên là 100 tỷ đồng.
Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (thuộc ĐHTN) nghiên cứu và chuyển giao mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
TS Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên cho biết: “Tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phối hợp ĐHTN hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội theo nhu cầu của tỉnh. Đến nay, nhiều đề tài đã phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội rõ rệt”.
Điển hình là đề tài nuôi trai nước ngọt, tra cấy ghép lấy ngọc đã thành công, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng nguồn nước mặt rộng lớn, tạo công ăn việc làm cho nhân dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm ngọc trai được tạo ra, doanh nghiệp chế tác nhiều sản phẩm trang sức có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ mạnh ở thị trường trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch hồ Núi Cốc. ĐHTN cũng đã chuyển giao đề tài nghiên cứu về tinh dầu dược liệu, cao chiết; chất bảo quản sinh học, phân tích và đánh giá giá trị dinh dưỡng các loại nông sản đặc hữu cho địa phương, doanh nghiệp.
ĐHTN đang và chuẩn bị thực hiện các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho tỉnh Thái Nguyên một số lĩnh vực phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương như lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo tồn, trồng cấy, nuôi cấy sản xuất sạch, công nghệ thực phẩm, chuẩn đoán điều trị mới cho y tế thôn bản.
Việc ĐHTN gắn đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học với nhu cầu các địa phương trong khu vực, không những tránh lãng phí các nguồn lực, giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh các địa phương mà còn giúp sinh viên gắn lý thuyết với thực hành để có năng lực tốt hơn khi ra trường đáp ứng được ngay với vị trí việc làm yêu cầu.