Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm thành lập ĐH Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN (16-5-1906 – 16-5-2016).
Theo các chuyên gia nghiên cứu của ĐHQGHN: ĐH Đông Dương là mô hình đại học đa ngành, có tính liên thông và có quyền tự chủ cao và là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Xây dựng ĐH Đông Dương còn có ý nghĩa tích cực trong việc tạo lập một tầng lớp trí thức bản địa mới. Với tinh thần dân tộc cao, chính tầng lớp này đã có vai trò lịch sử quan trọng trong giải phóng dân tộc thế kỷ XX.
ĐH Đông Dương ban đầu gồm có 5 trường thành viên theo tiếng Việt là: Trường Luật và Pháp chính; Trường Khoa học; Trường Y khoa Đông Dương; Trường Xây dựng dân dụng; Trường Văn khoa.
Năm 1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và dự lễ khai giảng ĐH Đông Dương, lúc này đã đổi tên thành ĐH Quốc gia Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với ĐH Quốc gia mà còn đối với sự nghiệp cách mạng và dân tộc.
Tại buổi lễ khai giảng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao bằng tốt nghiệp của chế độ mới cho những sinh viên cũ của ĐH Đông Dương vừa hoàn thành chương trình đào tạo trước đó bị tạm thời gián đoạn bởi cuộc đảo chính Nhật – Pháp (9-3-1945). Đây là một bằng chứng cho thấy ngay từ ngày đầu tiên, trường ĐH Quốc gia Việt Nam đã được nhìn nhận, xây dựng trên cơ sở kế thừa, tiếp nối liên tục của ĐH Đông Dương. Đồng thời, đây cũng là một quyết định có giá trị nhân văn của chính quyền cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu.
Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQGHN được kế thừa và tiếp nối một truyền thống đại học lâu dài từ ĐH Đông Dương về danh tiếng của đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn. ĐH Đông Dương đã từng là nơi hội tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng đến giảng dạy và nghiên cứu với những công trình khoa học đạt tầm vóc thế giới.
Từ ĐH Đông Dương đã có những cá nhân xuất sắc có đóng góp lớn cho cách mạng cũng như nền khoa học của thế giới và Việt Nam như: Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân. Truyền thống trên lại được tiếp nối bởi các thế hệ sau đó dưới mái trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, với các nhà giáo, nhà khoa học danh tiếng như Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo.
Tiếp nối truyền thống, ĐHQGHN ra đời gắn với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, nhiều cựu sinh viên của ĐHQGHN đã và đang giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Chính phủ, trong hệ thống giáo dục, nghiên cứu và cơ quan quản lý các cấp của đất nước.
Cũng tại hội thảo, đông đảo các nhà nghiên cứu của các trường ĐH, các viện nghiên cứu đã thảo luận, phân tích các vấn đề về sự du nhập của giáo dục châu Âu vào Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX; ĐH Đông Dương với vấn đề hiện đại hóa và giải phóng dân tộc; từ ĐH Đông Dương suy nghĩ về xu hướng giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay…