Cuối tháng 7 vừa qua, phát biểu tại Hội nghị của Thành ủy Đà Nẵng về phổ biến, quán triệt Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Theo kết luận của Bộ Chính trị, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43, thành phố Đà Nẵng đã đạt những kết quả quan trọng, củng cố và bước đầu phát huy vai trò là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của vùng và cả nước.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển; các chỉ tiêu kinh tế đạt khá thấp so với Nghị quyết đề ra; quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ, chưa tạo được lợi thế để bứt phá...
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Trung Chinh, những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế Đà Nẵng trên đà phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng 5,0%, cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của sáu tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024; thu ngân sách nhà nước đạt 13.589 tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán và tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, nhất là du lịch, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh. Công tác quy hoạch được quan tâm; hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng đô thị được đẩy mạnh với nhiều dự án, công trình trọng điểm đã đưa vào sử dụng như cao tốc La Sơn-Hòa Liên, đường vành đai phía tây, đường ven sông Cẩm Lệ-Túy Loan, các nút giao thông quan trọng ở trung tâm thành phố.
Đà Nẵng cũng đang tích cực triển khai hàng chục công trình, dự án động lực, trọng điểm như cảng Liên Chiểu; đường bộ cao tốc Hòa Liên-Túy Loan; mở rộng Quốc lộ 14B; mở rộng đường tránh nam Hải Vân; đường kết nối Khu Công nghệ cao với cao tốc bắc-nam. Một số dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách thành phố cũng đang được gấp rút triển khai như: Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; Trung tâm dịch vụ logistics tại huyện Hòa Vang; mở rộng nhà ga hành khách T1, sân bay quốc tế Đà Nẵng...
Chính quyền thành phố luôn xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, động lực, trọng điểm là một nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn, chia sẻ: “Là địa bàn tập trung nhiều dự án của thành phố, chúng tôi tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, kế hoạch theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy.
Điểm nghẽn lớn nhất vẫn là công tác giải tỏa đền bù, tái định cư cho dân... Vì vậy, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động cả hệ thống chính trị tham gia vận động, thuyết phục, làm tốt công tác tái định cư để ổn định đời sống nhân dân, tạo sự đồng thuận và ủng hộ trong dân, không để xảy ra khiếu kiện đông người, không tạo điểm nóng”.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Liên Ngô Thị Thanh Hà cho biết: “Công tác giải phóng mặt bằng liên quan trực tiếp đến đời sống của từng hộ dân, từng người dân, mà vai trò phụ nữ trong gia đình rất quan trọng, nên chúng tôi lập các tổ, nhóm, đến từng nhà trao đổi, giải thích để chị em hiểu và vận động gia đình thực hiện. Chúng tôi cũng thường xuyên nắm bắt, kiến nghị chính quyền, ngành chức năng áp dụng những chính sách tốt nhất có thể, để hạn chế thiệt thòi cho người dân khi sẵn sàng nhường đất, dời nhà để triển khai các công trình, dự án”.
Nhận định về tầm quan trọng của Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng..., Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định: “Các nghị quyết của Trung ương đã thể hiện sự nhất quán của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí trung tâm, đầu tàu của Đà Nẵng đối với vùng và cả nước.
Để nghị quyết của Trung ương đi vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả, chúng tôi tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để đầu tư, phát triển. Trước mắt, Đà Nẵng xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; hướng Đà Nẵng phát triển thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch-dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...”.
Để tạo nguồn lực, thành phố đang khẩn trương triển khai phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Kết luận của Bộ Chính trị. Các cơ quan chức năng của thành phố nghiên cứu việc mở rộng không gian phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thành phố triển khai dự án chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn; chuyển đổi khu bến Tiên Sa thành trung tâm du lịch-dịch vụ biển sau khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động; tiếp tục mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng cùng với các khu đô thị, dịch vụ vệ tinh trở thành tổ hợp khu đô thị-công nghệ cao sáng tạo, hiện đại, hạ tầng đồng bộ; khẩn trương cùng các địa phương trong vùng triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng kinh tế động lực miền trung; xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị vệ tinh. Mục tiêu là xây dựng Đà Nẵng trở thành đầu tàu cho vùng duyên hải Trung Bộ, là trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Trong chuyến thăm và làm việc mới đây của đoàn chuyên gia Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, nhận định: Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách Việt Nam mà cả châu Á và thế giới, với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tính kết nối cao, nhiều công trình kiến trúc độc đáo, mang thương hiệu riêng như thành phố đáng sống, thành phố an bình, thành phố của những cây cầu, những chính sách an sinh xã hội đặc thù đậm chất nhân văn... khiến Đà Nẵng luôn đẹp thêm trong mắt du khách, tạo sức hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Ngoài lợi thế về tự nhiên, Đà Nẵng cũng được đánh giá là một trong những địa phương có chính sách thu hút nhân tài, thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế có chất lượng, hiệu quả, nhất là nguồn nhân lực công nghệ thông tin, điện tử chất lượng cao, trẻ, dồi dào với chi phí hợp lý; môi trường sống an bình; sự năng động, đoàn kết của chính quyền được đánh giá cao nhờ vào tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Với đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam hoạt động toàn cầu, tổ chức AVSE Global sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao, tổ chức các diễn đàn khoa học và chính sách, mang đến các giải pháp sáng tạo cho sự phát triển nhanh và bền vững của Đà Nẵng, với mong muốn biến khát vọng trở thành đầu tàu, trở thành trung tâm lớn của cả nước và khu vực của Đà Nẵng sớm trở thành hiện thực.