Theo báo cáo của Sở Công thương TP Đà Nẵng, tính từ thời điểm xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Đà Nẵng, đến ngày 25-11, đã có 1.863 hộ chăn nuôi ở huyện Hòa Vang bị ảnh hưởng, với tổng đàn lợn bị tiêu hủy 14.633 con (chiếm 21,69% so với tổng đàn). Có thể nói một phần trong số này là nguồn thịt dự trữ dành cho dịp Tết Nguyên đán của bà con nông dân.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang còn lại 524 hộ chăn nuôi lợn, với số lượng chỉ còn 3.271 con (chủ yếu giữ lại để tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán trong gia đình, người thân); có hai đơn vị tại xã Hòa Bắc và hai doanh nghiệp chăn nuôi với tổng đàn 19.371 con.
Mỗi ngày, thị trường Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 72 tấn thịt lợn. Tại cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung Đà Sơn, mỗi ngày chế biến, cung ứng ra thị trường khoảng hơn 1.200 con/ngày. Trong đó, nguồn cung thịt lợn chính của thị trường TP Đà Nẵng lấy từ Chi nhánh Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Đà Nẵng với 400 con/ngày, chiếm 30% nguồn cung thị trường. Công ty dự kiến cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 khoảng 500 con/ngày, với giá bán không quá 70 nghìn đồng/kg lợn hơi. Nguồn cung còn lại nhỏ lẻ từ một số hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, từ các địa phương khác nhập về và nguồn nhập khẩu thịt đông lạnh.
Theo các doanh nghiệp, với lượng cung cấp như vậy, nguồn lợn cho thị trường hiện nay có tình trạng thiếu hụt, các hộ chăn nuôi địa phương và nhiều trang trại vừa và nhỏ chưa dám tái đàn khiến nguồn lợn càng giảm, nhưng vẫn chưa xảy ra tình trạng khan hiếm quá mức. Tuy nhiên, do tình hình thiếu hụt của nguồn cung, dẫn đến giá thịt lợn hiện nay đang tăng cao và dự kiến sẽ còn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2020.
Tại cuộc họp, dự kiến, từ sau 25-12 (âm lịch), nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Đà Nẵng sẽ lên đến 1.800 - 2.000 con/ngày. Nhằm ổn định cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn trên địa bàn thành phố dịp cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Công thương có kế hoạch triển khai điểm bán bình ổn giá thịt lợn trong năm ngày sát Tết Nguyên đán.
Theo đó, từ ngày 26 âm lịch - 30-12 âm lịch, dự kiến sẽ có từ 15-20 điểm bán thịt lợn bình ổn giá, với năng lực cung ứng khoảng 10-15% tổng sản lượng tiêu thụ thịt lợn mỗi ngày (khoảng 15-18 tấn/ngày). Các điểm bán này sẽ đặt tại các chợ truyền thống lớn, bảo đảm mỗi quận huyện ít nhất có 1-2 điểm bán, khu vực đông người dân có thu nhập thấp, bảo đảm giá bán thịt lợn phải ít hơn năm giá (5.000 đồng)/kg so với giá của thị trường. Các đơn vị cung cấp và phân phối thịt lợn chính trên địa bàn, có kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện và công khai các điểm bán, thời gian bán cụ thể để người dân nắm bắt và đến mua hàng, đáp ứng nhu cầu người dân.