Ða dạng hóa cây trồng trong vườn cà-phê

Những năm gần đây, để tăng hiệu quả sản xuất, ngoài việc tích cực tái canh và ghép cải tạo một số diện tích cà-phê già cỗi, các địa phương còn chủ động trồng xen một số loại cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn cà-phê. Hiện, những mô hình này đang đem lại nhiều kết quả khả quan.

Một vườn cà-phê trồng xen cây điều ở huyện Ðạ Huoai (Lâm Ðồng). Ảnh: Hữu Sang
Một vườn cà-phê trồng xen cây điều ở huyện Ðạ Huoai (Lâm Ðồng). Ảnh: Hữu Sang

Hiệu quả bước đầu

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), trong tổng số 617.228 ha cà-phê của bảy tỉnh (năm tỉnh vùng Tây Nguyên và hai tỉnh vùng Ðông Nam Bộ là Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu) thì có 115.282 ha cà-phê (chiếm khoảng 18,7% diện tích) có trồng xen hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều, chanh dây…

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Ðác Lắc Huỳnh Quốc Thích cho biết, toàn tỉnh có hơn 185 nghìn héc-ta cây cà-phê thì có tới hơn 39 nghìn héc-ta trồng xen các loại cây hồ tiêu, sầu riêng, bơ, điều. Trong đó, diện tích trồng xen cây hồ tiêu trong vườn cà-phê vào khoảng gần 20 nghìn héc-ta, tập trung ở các huyện Krông Pác, Cư Kuin, Cư M’gar, Lắc, Krông Bông, Krông Ana và TP Buôn Ma Thuột. Việc trồng xen cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm trong vườn cà-phê nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao và ổn định thu nhập cho người dân, hạn chế được những rủi ro về giá cả và biến động của thị trường.

Cây trồng xen và cây cà-phê có thời gian thu hoạch khác nhau cho nên giúp người nông dân có thu hoạch rải đều trong năm và tăng thêm thu nhập. Cụ thể, mô hình trồng xen cà-phê với hồ tiêu cho thu nhập trung bình khoảng hơn 191,3 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 1,69 lần so với cà-phê trồng thuần. Loại hình trồng xen cà-phê và bơ cũng cho thu nhập trung bình khoảng 400 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 3,52 lần so với cà-phê trồng thuần, cá biệt ở huyện Krông Búc, mô hình này cho thu nhập 871,6 triệu đồng/ha.

Tại Lâm Ðồng, năm 2017, diện tích cà-phê toàn tỉnh đạt 158.624 ha. Trong đó, diện tích cà-phê được trồng xen chiếm 20.858 ha (chiếm 13,15% diện tích cây cà-phê toàn tỉnh). Trong đó, diện tích cây bơ là 3.822 ha, cây sầu riêng 6.655 ha, cây mắc ca 2.402 ha, cây hồng 1.924 ha và các cây khác là 6.054 ha. Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Ðồng đánh giá, việc trồng xen các cây này trong vườn cà-phê không những tăng hiệu quả sử dụng không gian, đất, ánh sáng, nước mà còn góp phần đa dạng hóa cây trồng và sản phẩm, giảm rủi ro trong quá trình sản xuất độc canh. Từ đó, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Nhân rộng cây trồng xen

Mặc dù hình thức trồng xen trong vườn cà-phê hiện nay đang rất phổ biến ở các địa phương, nhưng theo Cục Trồng trọt, thời gian qua, ngành nông nghiệp vẫn chưa có nghiên cứu đồng bộ về quy mô phát triển, vùng phát triển, loại cây trồng xen trong vườn cà-phê. Cụ thể, quy trình kỹ thuật trồng xen canh trong vườn cà-phê cho từng loại cây trồng như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, điều,... mới bước đầu được tổng kết. Do vậy, cây giống và một số kỹ thuật như mật độ trồng, bón phân, tưới nước, tạo hình cho cây trồng xen và cây cà-phê còn hạn chế, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng chính.

Việc trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với cây cà-phê thiếu sự gắn kết doanh nghiệp về đầu ra cho sản phẩm, nhất là vùng sâu, vùng xa, hiệu quả trồng xen chưa cao. Ngoài ra, thời điểm ra hoa, đậu quả của các loại cây trồng trên vườn có trồng xen là khác nhau cho nên gây khó khăn cho công tác chăm sóc. Hầu hết người sản xuất chọn một loại cây ưu tiên để đầu tư chăm sóc nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao theo giá trị tại thời điểm.

Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Ðác Nông Lê Quang Dần cho rằng, việc trồng xen cây lâu năm trong vườn cà-phê chủ yếu do người dân tự phát thực hiện, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Ðồng thời, chưa có quy trình kỹ thuật đối với từng loại cây trồng xen trong vườn cà-phê, điều này gây khó khăn cho công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật của các đơn vị chuyên môn và người sản xuất. Hệ thống thu mua sản phẩm các cây trồng xen cũng chưa phát triển, người dân mở rộng diện tích trồng xen tự phát, phụ thuộc vào thị trường dẫn đến khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, tình trạng thương lái ép giá nông sản thường xuyên xảy ra.

Ðể bảo đảm trồng xen các cây lâu năm trong vườn cà-phê cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững trong sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Ðồng kiến nghị, cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng xen các loại cây che bóng, cây ăn quả, cây hồ tiêu trong vườn cà-phê để chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả. Ðồng thời, lựa chọn một số cây trồng mới cho năng suất cao chất lượng tốt phù hợp trồng xen trong vườn cà-phê vối và cà-phê chè thích ứng tốt với sự biến đổi của thời tiết khí hậu hiện nay. Có chính sách chuyển đổi giống cây ăn quả, cây lâu năm trồng xen trong vườn cà-phê; nhất là ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao hiệu quả sản xuất cà-phê bền vững.

Cùng với việc yêu cầu đánh giá, ban hành quy trình trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn cà-phê, cũng như xây dựng tài liệu hướng dẫn làm cơ sở cho các địa phương áp dụng, Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, các tỉnh muốn trồng xen đạt hiệu quả cần xác định lại vùng trồng cũng như cơ cấu các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có thể trồng xen với cây cà-phê.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, các địa phương phải chú trọng nguồn nước tưới cho các vùng trồng xen, khuyến cáo cây trồng xen hiệu quả, ít tranh chấp nguồn nước tưới với cây cà-phê. Ðể trồng xen có hiệu quả, phải có biện pháp quản lý chất lượng cây giống trồng xen ngay từ đầu, thực hiện liên kết vùng, sản xuất trải vụ đối với một số loại cây ăn quả chủ lực trồng xen với cây cà-phê.