Cứu lấy 14 ngôi đình cổ ở Ba Vì

Đình Cộng Hòa, xã Thái Hòa (Ba Vì, Hà Tây).
Đình Cộng Hòa, xã Thái Hòa (Ba Vì, Hà Tây).

Với làng quê Việt Nam, đình làng là một công trình kiến trúc lớn nhất, được dựng ở vị thế trang trọng nhất làng, là ngôi nhà chung lớn của làng, là niềm tự hào của mỗi thành viên cư ngụ tại đây và luôn là hình ảnh đầu tiên khi những người đi xa nhớ về quê hương...

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng đình làng với tư cách là một thực thể văn hóa của làng xã đã xuất hiện từ thế kỷ 15 (dưới thời Lê Sơ) nhưng dấu vết vật chất tồn tại tới ngày nay của đình làng mới chỉ được tìm thấy từ thế kỷ 16, dưới thời Mạc.

Trong khoảng một thế kỷ nay, bên cạnh các loại hình di tích khác (đền, chùa, lăng tẩm, thành lũy...), đình làng Việt được các học giả trong nước và ngoài nước quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ (lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật...), tạo nên một bức tranh nhiều mặt về loại hình di tích độc đáo này. Nhất là những ngôi đình làng cổ kính ở huyện Ba Vì (xứ Ðoài) là đối tượng hấp dẫn thu hút nhiều nhà nghiên cứu.

Trong số sáu ngôi đình thời Mạc hiện còn ở nước ta thì Ba Vì đã chiếm ba (50%) và ngôi đình có niên đại cổ nhất cũng nằm ở đất này (đình làng Thụy Phiêu với niên đại Ðại Chính nhị niên (1531) khắc trên cột cái trước bên trái gian giữa); ngoài ra còn có đình làng Tây Ðằng (ngôi đình bảo lưu được nhiều yếu tố nguyên gốc từ thế kỷ 16) và đình làng Thanh Lũng.

Bên cạnh đó, Ba Vì còn sở hữu 14 ngôi đình có niên đại thế kỷ 17 và ngoài những đặc điểm chung của ngôi đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ đình làng vùng Ba Vì còn có nhiều nét riêng rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, nếu ba ngôi đình có niên đại thế kỷ 16 hiện còn nói trên được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu rất kỹ thì 14 ngôi đình niên đại thế kỷ 17 còn lại rất ít được đề cập đến hoặc chỉ được điểm qua một cách sơ lược, riêng lẻ... Những đề tài trang trí hình rồng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 17 hiện hữu phong phú ở đình làng vùng Ba Vì là Chu Quyến, Cam Ðà, Phương Châu, Ðông Viên, Viên Châu, Quang Húc... Ngoài ra, còn có nhiều trang trí điêu khắc sinh động về đề tài con người (cưỡi voi, cưỡi trâu, đánh hổ...) và có vô vàn các di vật quý, đó là những sắc phong, ngai, bài vị, kiệu, nhang án, chuông, bia đá, các đồ tế khí...

Ðình Ðoài - là câu tổng kết của người xưa nói nên tính đặc trưng của một loại hình di tích độc đáo trên vùng đất này. Với việc tập trung một mật độ dày đặc những ngôi đình làng có giá trị về nhiều mặt cùng với sự bảo tồn khá tốt các nhân tố gốc (Cam Ðà, Chu Quyến, Phương Châu, Viên Châu, Quang Húc...), đình làng thế kỷ 17 ở Ba Vì thật sự là một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc dân gian minh họa cho một giai đoạn dài tồn tại của loại hình di tích này. Nhiều ngôi đình được xếp hạng bảo vệ cấp quốc gia, có những ngôi đình được xếp hạng di tích đặc biệt quan trọng, được quan tâm đầu tư tu bổ (đình Phương Châu, Chu Quyến...) Nhưng tiếc thay còn nhiều ngôi đình dù rất có giá trị nhưng đến nay vẫn chưa được xếp hạng, bảo vệ (Cam Ðà, Thái Hòa), hoặc có những ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng chưa được quan tâm tu bổ (như đình làng Phú Hữu)...