Cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua giữa Nga và Ukraine (với sự hỗ trợ đằng sau của hầu hết các nước phương Tây) đã đưa đến những biến động địa chính trị vô cùng bất ngờ.
Bất ngờ đầu tiên, là trong khi Nga còn chưa thực hiện được hoàn toàn mục tiêu mà nước này công khai đặt ra khi tiến hành chiến dịch quân sự để nhằm ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO thì hai quốc gia lâu nay vẫn duy trì chính sách trung lập lâu dài, Phần Lan trong 80 năm, Thụy Điển trong khoảng 200 năm, bất ngờ nộp đơn xin gia nhập NATO.
Trong khi Phần Lan dễ dàng gia nhập NATO chỉ sau một thời gian ngắn với những điều kiện gia nhập được giảm xuống đến mức tối thiểu thì con đường của Thụy Điển chông gai hơn nhiều. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, hai thành viên NATO đều tìm cách gây khó dễ với Stockholm để thu được những lợi ích tối đa, cả kinh tế lẫn chính trị. Cuối cùng thì Thụy Điển cũng đã ngấp nghé bước được một chân vào NATO sau những cuộc đàm phán hậu trường căng thẳng với vai trò chủ công là Mỹ.
Việc hai nước Bắc Âu bất ngờ gia nhập NATO khiến đường biên giới giữa Nga với NATO đột nhiên tăng lên gấp đôi. Đấy chính là điều mà Nga bấy lâu nay vẫn lo ngại, một hậu quả mà Moscow đã không lường trước được khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hơn một năm trước đây.
Nhưng, như một quy luật tất yếu trong chính trị khi lợi thế của bên này có thể là điểm yếu của bên kia và ngược lại, bất ngờ địa chính trị thứ hai lớn không kém là xung đột tại Ukraine đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau một cách rõ rệt.
Đấy cũng là điều mà Mỹ luôn lo ngại và nhiều lần cảnh báo. Khi mà cuộc chiến ở Ukraine càng kéo dài, sức ép mọi mặt với Nga (hàng chục nghìn lệnh trừng phạt kinh tế, công nghệ, quân sự, ngoại giao, kinh tế...) càng tăng cộng với việc Mỹ (cũng như NATO trong thời gian gần đây) đã xác định Trung Quốc là một thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, thì điều không tránh khỏi là những sức ép đó biến thành động lực, đẩy Moscow và Bắc Kinh lại gần nhau.
Cuối cùng thì một biến động địa chính trị thứ ba của cuộc chiến ở Ukraine cũng dần dần ló rạng, buộc các nhà phân tích tình hình quốc tế phải để tâm nghiên cứu bởi nó sẽ có tác động không nhỏ đến diện mạo địa chính trị của thế giới trong những năm trước mắt. Đó là vai trò của một số cường quốc tầm trung đã tăng lên một cách đáng kể.
Cân bằng động của Riyadh
Vai trò đó thể hiện rất rõ ở hội nghị hòa bình Ukraine tổ chức tại Jeddah, Saudi Arabia đầu tháng 8 vừa qua. Trước hội nghị ở Saudi Arabia, ngày 24/6 vừa qua từng diễn ra một cuộc gặp ở Copenhagen, Đan Mạch với sự tham dự của quan chức an ninh hàng đầu Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), những nước ủng hộ Kiev cũng như một số quốc gia trung lập. Cuộc thảo luận ở Đan Mạch không phải chính thức và cũng không đưa ra tuyên bố nào, nhưng được xem là cột mốc quan trọng đưa tới hội nghị Jeddah do Saudi Arabia tổ chức.
Cần phải hiểu rõ một điều là cái tên “hội nghị hòa bình” là do Ukraine và các nước phương Tây đặt ra. Bàn về việc tái lập hòa bình giữa Ukraine và Nga, nhưng một bên trong cuộc xung đột là Nga lại không có mặt, thế nên dễ hiểu là ngay cả từ trước khi diễn ra hội nghị, người ta đã dự đoán được nó sẽ không đi đến đâu cả và thực tế diễn ra đúng như vậy: hội nghị không ra được tuyên bố chung.
Nhưng câu chuyện ở đây không nằm ở hội nghị mà phía Nga quy kết là “một âm mưu nhằm thành lập liên minh chống Nga”. Việc Riyadh đứng ra đăng cai tổ chức hội nghị cho thấy Saudi Arabia đang cố gắng đẩy mạnh ảnh hưởng của một cường quốc tầm trung bằng cách khẳng định vị thế trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, đồng thời nỗ lực thể hiện vai trò ngoại giao lớn hơn trong vấn đề Ukraine.
Saudi Arabia đứng ra tổ chức hội nghị trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine bắt đầu từ ngày 4/6 chưa đạt được bất kỳ một kết quả đáng kể nào, cả Moscow và Kiev đều đang giằng co quyết liệt trên chiến trường trong một cuộc chiến tiêu hao. Bất chấp sự lôi kéo cũng như sức ép từ phương Tây, phần lớn các nước đang phát triển đều từ chối chọn phe, không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Ở Copenhagen hồi đầu tháng 6, hầu hết các nước đang phát triển tham dự hội nghị cũng không hoàn toàn tán thành “công thức hòa bình” do Ukraine đề xuất, theo đó điểm mấu chốt là yêu cầu Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ trước khi đàm phán hòa bình, điều mà Moscow coi là “điên rồ”.
Để bảo đảm được vị thế trung gian, Saudi Arabia đã thực hiện một sách lược khôn khéo, mang tính cân bằng động. Một mặt, Riyadh không những không tham gia trừng phạt Nga mà còn phối hợp chặt chẽ với Moscow trong khuôn khổ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác để ổn định giá dầu (có lợi cho Nga); mặt khác, Saudi Arabia tham gia viện trợ tài chính cho Ukraine, mời Tổng thống V.Zelensky tham gia Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab hồi tháng 5 vừa qua và tổ chức hội nghị đầu tháng 8 ở Jeddah mà không mời Nga.
Đó là chưa kể việc Saudi Arabia tổ chức hội nghị ở Jeddah còn nằm ở chỗ mối quan hệ thân thiết giữa Riyadh và Bắc Kinh là yếu tố quan trọng giúp thuyết phục Trung Quốc cử phái viên tới dự hội nghị này (trên thực tế Bắc Kinh đã gửi đại diện tham dự hội nghị).
Tối đa hóa lợi ích
Thổ Nhĩ Kỳ là một thí dụ khác về việc nước này đã tận dụng cuộc xung đột Ukraine để tiếp tục khẳng định vị thế một cường quốc tầm trung ở trong khu vực và trên thế giới.
Chính Ankara đã đóng vai trò trung gian thành công để đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7/2022 nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. Thỏa thuận này đã được gia hạn nhiều lần trước khi tan vỡ vào trung tuần tháng 7 vừa qua do Nga tố cáo phương Tây bày ra “trò chơi một phía”, chỉ thực hiện những điều khoản có lợi cho Ukraine trong khi phớt lờ những lợi ích của Nga trong xuất khẩu phân bón và sản phẩm nông nghiệp.
Đây là thỏa thuận duy nhất đạt được giữa Nga và Ukraine trong suốt hơn một năm xung đột ác liệt (dù Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ), cho thấy vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc can dự vào cuộc xung đột Ukraine.
Khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, với điều kiện của tổ chức này muốn trở thành thành viên chính thức phải nhận được sự nhất trí của toàn bộ các thành viên, Ankara đã nhận ra đây là cơ hội để tối đa hóa các lợi ích của mình. Phần Lan dễ dàng gia nhập NATO trong khi Thụy Điển lại gặp vô vàn trở ngại, một phần đến từ Hungary, nhưng chủ yếu là sự cản trở từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Sở dĩ Ankara không để Thụy Điển dễ dàng gia nhập NATO, một phần lo ngại lực lượng vũ trang người Kurd (mà nhiều người trong số đó sống ở Thụy Điển) chống đối, đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách liên tục gây sức ép, Thổ Nhĩ Kỳ buộc Stockholm phải nhượng bộ, củng cố luật chống khủng bố, dẫn độ sang Thổ Nhĩ Kỳ những người mà Ankara cho là khủng bố.
Nhưng bao trùm hơn cả là nhờ việc ngăn cản Thụy Điển vào NATO, Ankara có được vị thế để có thể đàm phán được với Mỹ và EU nhằm đạt được các thỏa thuận có lợi nhất. Để có được sự nhượng bộ trong vấn đề kết nạp Thụy Điển, Ankara yêu cầu phải khởi động lại quá trình đàm phán để mở đường gia nhập EU cho Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã gặp rất nhiều trắc trở do mâu thuẫn sâu sắc về nhân quyền, pháp trị, chính sách kinh tế...
Sau khi không ngăn được Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 hiện đại của Nga, Washington đã ngay lập tức “đóng băng” việc chuyển giao máy bay F-35 theo một hợp đồng có từ trước cho Ankara. Đến khi nắm trong tay “con bài tẩy” về việc kết nạp Thụy Điển, Ankara đã không ngần ngại gì yêu cầu Mỹ phải bán cho Thổ Nhĩ Kỳ loại máy bay chiến đấu F-16 trong một hợp đồng trị giá lên đến 20 tỷ USD. Vì “đại cục” NATO, Mỹ đành đáp ứng yêu cầu của Ankara, cam kết cung cấp máy bay chiến đấu F-16, đúng như mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những cuộc mặc cả giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các đồng minh chung quanh việc Thụy Điển gia nhập NATO cho thấy vai trò quan trọng của Ankara trong việc xử lý các vấn đề an ninh của châu Âu. Vị trí địa lý có tính chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với chiến lược “đi dây” khéo léo (cả trong cuộc xung đột Ukraine cũng như nhiều vấn đề quốc tế khác) giúp cho Ankara khẳng định vị thế cường quốc tầm trung có nhiều ảnh hưởng ở châu Âu.