Xu hướng

Một cách sống xanh

Những năm gần đây, nhặt nhạnh trong thùng rác từ một công việc bị coi thường đã dần trở thành một xu hướng thu hút được sự quan tâm của công chúng, với sự vào cuộc của các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, YouTube và Instagram. Khác với với quan niệm của nhiều người, những người đi tìm và nhặt những đồ có thể sử dụng được trong thùng rác không chỉ là những người nghèo khó, vô gia cư, họ có thể là bất cứ ai đang tìm kiếm và nhặt lại những đồ có ích bị vứt bỏ. Qua đó họ cảnh báo số lượng rác thải khổng lồ từ các công ty, tập đoàn, cũng như ngăn ngừa sự lãng phí.
Vợ chồng Kelly Sparks trong một lần nhặt rác.
Vợ chồng Kelly Sparks trong một lần nhặt rác.

Trong thùng rác có gì?

Cô Tiffany Butler ở Texas, là một trong số những người coi đây là nghề kiếm sống. Cô kiếm được khoản tiền đáng kinh ngạc gần 80.000 USD trong hai năm qua bằng cách lục lọi thùng rác và bán lại những gì tìm được. Cô thừa nhận, thành công chủ yếu dựa vào may mắn bởi “không bao giờ biết khi nào các cửa hàng sẽ vứt bỏ đồ đạc”, tuy nhiên cô thường lựa chọn thùng rác của các doanh nghiệp cao cấp. Trong một video gần đây trên TikTok, cô chia sẻ phát hiện ra 9 đôi sneaker của New Balancers, áo phông, tất và chai nước còn nguyên nhãn mác bị vứt vào thùng rác. Dưới video, một người bình luận: “Thật ngu ngốc khi các cửa hàng vứt bỏ những thứ như vậy trong lúc mọi người đang chật vật để mua nhu yếu phẩm”. “Tôi rất vui vì bạn cứu được những đồ này”, một Tiktoker khác cho biết. Cô đã dành hơn tám năm làm việc này và thực tế đã tìm được hầu hết mọi đồ dùng thiết yếu lẫn những thứ ít thấy. “Nếu bạn có thể gọi tên nó, có lẽ tôi đều tìm thấy nó”, cô vui vẻ chia sẻ, với New York Post.

Việc nhặt rác- tìm các đồ dùng có ích trong thùng rác từng bị coi thường, đang dần phổ biến. Các video quay cảnh mọi người leo vào thùng rác phía sau các cửa hàng và tòa nhà chung cư, sau đó khoe trên mạng xã hội được nhiều người quan tâm. Chỉ riêng trên TikTok, hàng chục nghìn bài đăng #dumpsterdiving đã thu về hàng tỷ lượt xem. Có nhiều lý do cho việc bùng nổ xu hướng này. Một mặt, ngày càng có nhiều người Mỹ lo lắng về chi phí sinh hoạt, một số người tìm đến thùng rác để tìm đồ ăn và cắt giảm hóa đơn các mặt hàng thiết yếu. Những người khác lại thích có được hàng đống đồ từ quần áo đến đồ nội thất để quyên góp hoặc bán.

Tuy nhiên, cũng có người nhặt rác chỉ nhằm mục đích cắt giảm bớt rác thải và lãng phí. Theo thống kê gần đây nhất của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Mỹ đang phải đối mặt với vấn đề rác thải ngày càng gia tăng, riêng trong năm 2018 tạo ra hơn 292 triệu tấn chất thải rắn đô thị, tương đương 5 pound (hơn 2kg) một người mỗi ngày. Khoảng một nửa số rác đó được đưa đến bãi rác. Trong đó, lãng phí thực phẩm đặc biệt nghiêm trọng, ước tính khoảng 30-40% thực phẩm bị vứt bỏ.

Một cách sống xanh ảnh 1

Anna Sacks nhặt rác để ngăn ngừa lãng phí, bảo vệ môi trường.

Dụng cụ nhà bếp và bột giặt. Hộp nước rửa tay khô chưa mở. Hàng núi đồ trang trí Giáng sinh và Halloween chưa bao giờ được sử dụng. Giỏ đựng đồ giặt chứa đầy quần áo mới giặt và được gấp lại. iPhone. Thậm chí còn có một bức thư có chữ ký của cựu Tổng thống George Bush gửi đến một trường học địa phương. Đó chỉ là một vài thứ mà cô Kelly Sparks, được biết đến nhiều hơn với cái tên @breafkast trên YouTube, đã tìm thấy trong các thùng rác ở phía bắc Texas. Sparks bắt đầu đi nhặt rác từ cách đây cả chục năm trước và chia sẻ sự ngạc nhiên của cô về lượng thực phẩm nhặt được từ thùng rác. Cô có gần 1/4 triệu người đăng ký kênh trên YouTube và cũng đã tạo một nhóm trên Facebook dành cho những người cùng chung sở thích, hiện tại có khoảng 15.000 thành viên. Sparks cho rằng mọi người bị hấp dẫn bởi các video như vậy vì “lượng rác thải gây sốc”. Cô nói: “Rất nhiều người xem là người nước ngoài. Và tôi thấy những bình luận như, “Chúng tôi không thấy điều tương tự ở Anh”. Hoặc “Ở Đức, các chương trình tái chế rất tốt, tại sao chúng tôi lại thấy nước đóng chai trong thùng rác ở đây?”

Sự kiện lớn nhất hàng năm là khi sinh viên đại học rời khỏi ký túc xá vào mùa xuân. Sparks và chồng cô tìm được cả đống tủ lạnh và lò vi sóng mini đang hoạt động, các kệ nhựa và rất nhiều đồ dùng cần thiết khác cho ký túc xá từ rác thải. Vợ chồng cô quyên góp khoảng 80% những gì thu nhặt được cho một kho chứa thức ăn của cộng đồng trong khu vực, một cửa hàng tiết kiệm kế bên, nơi cung cấp nguồn lực cho ngôi nhà dành cho phụ nữ (bị bạo hành) hoặc nhà tạm trú của động vật ở địa phương, theo The Guardian.

Một cách giảm lãng phí

Giống như họ, cô Janet Kalish đã quen với việc tìm kiếm những thực phẩm còn tốt trong thùng rác ở New York. Cô tìm được đủ loại từ bông cải xanh tươi, bí đến hẹ tây, đậu và súp đóng hộp, mì ống và nước sốt salad ... Cô cũng tổ chức một hoạt động ít thấy là dẫn nhóm người đi khám phá các thùng rác, tham dự những chuyến thu gom các thực phẩm lẽ ra đã bị bỏ đi. Cô cho biết, các cửa hàng loại bỏ thực phẩm vì nhiều lý do, ngoài những lý do đơn thuần là đồ bị hỏng. “Hạn sử dụng” trên thực phẩm thường chỉ thể hiện thời gian sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, chứ không phải ngày thực phẩm bị hỏng. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ thường vứt bỏ những thứ “hết hạn”. Mỹ là một trong những quốc gia lãng phí thực phẩm hàng đầu thế giới. Theo ReFED vào năm 2021, Mỹ đã sản xuất ra 91 triệu tấn thực phẩm không bán được, không ăn hết. Gần một nửa trong số đó vẫn có thể ăn được nhưng chỉ có 2% được quyên góp. Thực phẩm cũng là nguồn rác chiếm khối lượng lớn nhất trong rác thải ra ở Mỹ.

Việc nhặt trong thùng rác là hợp pháp ở tất cả các bang ở Mỹ, theo nearU.pro. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ qua các biển cảnh báo, tự tiện vào khu vực tài sản riêng mà không được phép, phá khóa thùng rác, hoặc gây mất an ninh trật tự điều đó có thể trở thành hành vi phạm tội.

Cô Anna Sacks, ở khu Upper East Side của Manhattan chuyên nhặt rác, có tên @thetrashwalker trên TikTok, thường xuyên nhặt được những mặt hàng đa dạng từ thùng rác trong trạng thái hoàn hảo, thậm chí có những mặt hàng còn nguyên trong bao bì và còn xa ngày hết hạn. Vốn là một nhà phân tích của ngân hàng đầu tư, cô đã quay “những chuyến đi nhặt rác” và đăng các video lên TikTok để vạch trần những gì cô cho là sự lãng phí của các nhà bán lẻ khi vứt bỏ những mặt hàng người mua đã trả lại, hàng bị lỗi hỏng hoặc người mua không còn nhu cầu nữa thay vì tái sử dụng chúng, để nâng cao nhận thức về các hành vi lãng phí.

Cách đây vài năm, cô Sacks thậm chí đã mua những chiếc túi xách Coach có vẻ bị nhân viên rạch hỏng mà một người nhặt rác khác đã tìm được trong thùng rác bên ngoài một cửa hàng Coach ở Dallas, và làm một video trên TikTok về chuyện này. Sau khi video lan truyền và gây phẫn nộ trong người tiêu dùng, hãng Coach cho biết sẽ chấm dứt việc “hủy các món hàng bị trả lại do hỏng, lỗi, cũ và không bán được tại cửa hàng”, thay vào đó cố gắng tái sử dụng chúng. Hầu hết những người như cô nhắm vào các nhà bán lẻ đại chúng như CVS, TJ Maxx, HomeGoods và Party City.

Một cách sống xanh ảnh 2

Một số đồ Anna Sacks nhặt được trong thùng rác.

Một đoạn video được đăng bởi Liz Wilson, 37 tuổi, một bà mẹ hai con ở Bucks County, Pa, cho thấy một thùng rác tại một cửa hàng HomeGoods gần đó chứa đầy cốc, đĩa, bát cho chó và đồ trang trí ngày lễ theo chủ đề Halloween . Cô Wilson nói với 1,2 triệu người theo dõi TikTok của mình. “Lý do duy nhất khiến những thứ này bị vứt đi là vì Halloween đã kết thúc.” Ella Rose, người có tên GlamourDDive, đã đăng một đoạn video cho thấy một thùng rác bên ngoài cửa hàng TJ Maxx chứa đầy váy Zara, sản phẩm làm đẹp Fekkai và quần áo Victoria’s Secret. Vào thời điểm mà các tập đoàn đang cố gắng chứng tỏ cam kết của họ đối với môi trường, việc nhìn thấy những món hàng còn tốt bị vứt vào thùng rác là một hình ảnh xấu.

Ông Mark Cohen, Giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại Trường Kinh doanh Columbia, nói rằng hàng hóa được trả lại không phải lúc nào cũng mang ra bán được vì các quy định nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, bao gồm thực phẩm, một số loại thuốc không kê đơn cũng như các dụng cụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Những món đồ đã bị hỏng, cũ hoặc hết mùa như đồ trang trí ngày lễ, đã mất giá trị. Nhưng: “Thật tệ khi thấy những sản phẩm dường như còn tốt bị vứt vào bãi rác, đó là con đường ngắn nhất và ít tốn kém nhất”. Nhiều nhà bán lẻ nói rằng trên thực tế, họ có quyên góp những hàng hóa chưa bán được, nhưng một số hàng hóa vẫn cần được đưa đến các bãi rác.

Cô Sacks vẫn tin rằng hành động của mình góp phần giảm thiểu việc lãng phí thực phẩm và hỗ trợ những người gặp khó khăn và hy vọng rằng mối quan tâm của cộng đồng đến việc này sẽ buộc các tập đoàn bán lẻ phải đánh giá lại các hoạt động của họ, từ đó dẫn đến những thay đổi về mặt lập pháp. Phổ biến việc nhặt rác như một cách thức làm giảm tác động đến môi trường là minh chứng cho nhận thức ngày càng tăng của công chúng đến vấn đề này.