Bình luận

Động thái lịch sử

Trong một động thái được coi là lịch sử, ba quốc gia châu Âu là Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha đã đồng loạt công nhận Nhà nước Palestine, giáng một đòn nặng nề vào chính sách ngoại giao phản đối “giải pháp hai nhà nước” của Israel. Tiếp bước Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha, chính phủ Slovenia cũng thông qua quyết định công nhận Nhà nước Palestine để Quốc hội nước này phê chuẩn.
0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội Slovenia thảo luận về việc công nhận Nhà nước Palestine. Ảnh | CNN
Quốc hội Slovenia thảo luận về việc công nhận Nhà nước Palestine. Ảnh | CNN

Những biến động mới

Như vậy là với việc có thêm 4 nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine, hiện đã có 146 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và 11 trong số 27 nước EU công nhận Nhà nước Palestine.

8 quốc gia EU trước đó đã công nhận Nhà nước Palestine gồm có Thụy Điển, Cyprus, Hungary, Czech, Slovakia, Ba Lan, Romania và Bulgaria. Malta thông báo sẽ sớm có hành động tương tự trong khi Quốc hội một quốc gia EU khác là Đan Mạch đã bác bỏ dự luật công nhận Nhà nước Palestine.

Không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Israel với các nước mới công nhận Nhà nước Palestine, động thái mới nhất của các quốc gia châu Âu có khả năng tác động, tạo ra những chuyển biến trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn bảy thập niên qua giữa Palestine với Israel.

Việc liên tiếp các quốc gia châu Âu công nhận Nhà nước Palestine đánh dấu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong quan hệ quốc tế, không giới hạn ở châu Âu mà còn cả ở khu vực Trung Đông. Trong suốt một thập niên qua, ở châu Âu chỉ có duy nhất Thụy Điển công nhận Nhà nước Palestine. Các nước khác, mặc dù đều ủng hộ giải pháp “hai nhà nước” nhưng cũng chỉ giới hạn ở các phát biểu chung chung.

Nhưng đến khi cuộc chiến ở Gaza ngày càng kéo dài, tình thế bắt đầu biến chuyển bất lợi cho Israel.

Áp lực với ông B.Netanyahu

Trước khi Hamas mở cuộc tấn công vào ngày 7/10/2023 gây thiệt hại chưa từng có cho Israel, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối dữ dội đòi phải từ chức do những chia rẽ sâu sắc về chính trị liên quan đến những nỗ lực về tư pháp của ông.

Ngay cả sau đó, các cuộc biểu tình đòi ông B. Netanyahu từ chức vẫn tiếp tục do công chúng quy kết trách nhiệm cho ông (cùng các cơ quan an ninh, tình báo) đã xử lý yếu kém, không lường trước được vụ tấn công của Hamas, gây nên thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, cuộc tấn công của Hamas vô hình trung lại giúp ông B.Netanyahu thoát khỏi hiểm địa chính trị mà ông đang bị dồn vào. Ông tuyên bố đất nước trong tình trạng “chiến tranh”, thành lập một nội các thời chiến có sự tham gia của cả các nhân vật đối lập, đồng thời phát động chiến dịch “Thanh kiếm sắt” tấn công tổng lực nhằm vào lực lượng Hamas ở dải Gaza, nơi có hơn hai triệu người Palestine đang sinh sống.

Nhưng dần dần, khi cuộc chiến với Hamas ở dải Gaza kéo dài hơn nửa năm thì đã rõ là hai mục tiêu chính của chiến dịch như ông B.Netanyahu tuyên bố là xóa sổ hoàn toàn Hamas và mang toàn bộ các con tin an toàn trở về, đều không thực hiện được.

Không những thế, cuộc tấn công vào dải Gaza nhằm truy tìm và tiêu diệt Hamas đã mang lại những kết quả thảm khốc: hàng chục nghìn người Palestine đã thiệt mạng trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Một số con tin Israel cũng được xác nhận đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công tìm diệt Hamas của lực lượng phòng vệ Israel.

Cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, tại Israel đã nổ ra các cuộc biểu tình lớn chưa từng có kể từ khi nước này có chiến tranh với Hamas với hàng trăm nghìn người tham gia yêu cầu ông B.Netanyahu từ chức. Gia đình các con tin còn chưa được Hamas phóng thích cũng cho rằng, thời gian không còn nhiều và gây áp lực mạnh mẽ lên chính phủ của Thủ tướng B.Netanyahu đòi phải nhanh chóng chấm dứt xung đột, đạt được thỏa thuận với Hamas để đưa các con tin trở về.

Thay đổi quan điểm

Thủ tướng B.Netanyahu phải chịu những áp lực mạnh mẽ trong nước thì ở bên ngoài, Israel cũng gặp phải những thách thức ngoại giao nan giải. Khi Hamas bất thần mở cuộc tấn công khiến cho Israel không có cách nào khác là nhanh chóng mở cuộc tấn công trả đũa nhằm vào dải Gaza, phần lớn các quốc gia châu Âu vẫn ủng hộ Israel, coi đó là hành động tự vệ hợp pháp.

Nhưng khi cuộc chiến leo thang, châu Âu dần thay đổi quan điểm. Các nước châu Âu phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong nước và quốc tế yêu cầu một lập trường vững chắc hơn chống lại cách xử lý của Israel tại các vùng lãnh thổ của người Palestine, đặc biệt là cuộc chiến tàn khốc ở Gaza. Những quan điểm thông cảm, thể hiện sự ủng hộ của châu Âu dành cho Israel sau vụ tấn công suy yếu dần khi chiến sự tiếp diễn, tình hình nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn.

Đỉnh điểm của sự chuyển hướng thái độ này là hầu hết các chính phủ châu Âu đều đưa ra sự ủng hộ rõ ràng sau khi Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan xin lệnh bắt Thủ tướng B.Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cùng các lãnh đạo hàng đầu của Hamas gồm Yahya Sinwar, Ismail Haniyeh và Mohamed Deif với cáo buộc họ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại trong cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza.

Mỹ chỉ trích ICC, gọi đơn xin lệnh bắt là vô lý và Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật trừng phạt ICC ngày 4/6. Tuy nhiên, Nhà Trắng lại phản đối dự luật này, gọi lệnh trừng phạt “không phải là cách tiếp cận đúng đắn”, một động thái khiến cho Thủ tướng B.Netanyahu phải tuyên bố là “bất ngờ và thất vọng”.

Những tia hy vọng mới

Việc ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu công nhận Nhà nước Palestine cũng đã gửi những tín hiệu rõ ràng đến Mỹ, quốc gia giữ vai trò then chốt có thể tác động đến chính sách của Israel.

Động thái lịch sử ảnh 1
Treo cờ Palestine sau khi Quốc hội Slovenia phê chuẩn việc công nhận Nhà nước Palestine ngày 4/6. Ảnh | Reuters

Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, cho biết trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi chắc chắn đã chứng kiến ​​một loạt tiếng nói ngày càng gia tăng, bao gồm cả những tiếng nói trước đây ủng hộ Israel giờ đang chuyển sang hướng khác. Điều đó khiến chúng tôi lo ngại vì chúng tôi không tin rằng điều đó góp phần vào an ninh hoặc sự tồn tại lâu dài của Israel”.

Vậy nhưng khi chiến sự đang diễn ra ở Gaza với thương vong của người Palestine ngày càng lớn cùng các vấn đề cứu trợ nhân đạo gặp khó khăn khiến xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine. Lý do bởi hầu hết đều hiểu rằng giải pháp “hai nhà nước”- mới là cơ sở nền tảng để giải quyết tận gốc rễ cuộc xung đột đã kéo dài suốt hơn 7 thập niên qua giữa Israel với người Palestine.

Trong buổi công bố quyết định công nhận Nhà nước Palestine, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã nhấn mạnh rằng: “Một Nhà nước Palestine bên cạnh một Nhà nước Israel trong hòa bình và an ninh là cách duy nhất để tiến đến điều mà mọi người vẫn công nhận là “giải pháp khả thi duy nhất” nhằm đạt được một tương lai hòa bình”.

Nhưng con đường để Mỹ công nhận Nhà nước Palestine, điều mà Israel luôn phản đối, là không hề dễ dàng. Vấn đề mấu chốt trước tiên là phải chấm dứt cuộc chiến khốc liệt mà Israel tiến hành ở dải Gaza. Hy vọng được thắp lên le lói khi Tổng thống Mỹ J.Biden, thông qua trung gian Qatar, chuyển cho Hamas một kế hoạch hòa bình cho Gaza gồm ba giai đoạn, trong đó có thỏa thuận ngừng bắn sáu tuần với việc Hamas trả tự do cho các con tin dễ bị tổn thương nhất để đổi lấy một số tù nhân Palestine, quân đội Israel rút khỏi các khu vực đông dân nhất của dải Gaza và viện trợ nhân đạo ồ ạt đưa vào Gaza; tiếp đó Hamas phải trả tự do cho các con tin còn sống khác và toàn bộ quân đội Israel rút khỏi vùng đất của người Palestine; cuối cùng là tái thiết Gaza và trả lại thi thể các con tin đã thiệt mạng…

Hamas hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Mỹ trong khi Israel phản ứng khá dè dặt. Lý do thì ai cũng hiểu rằng nó mâu thuẫn với mục tiêu từ đầu đến cuối của Israel là vừa đưa toàn bộ các con tin trở về nhưng đồng thời lại phải tiêu diệt toàn bộ Hamas! Vậy nên Thủ tướng B.Netanyahu đã tuyên bố Israel chấp nhận giai đoạn 1 của đề xuất này mà không ràng buộc với hai phần tiếp theo, một điều mà Hamas khó có thể chấp nhận.

Nó cho thấy một thực tế là bất chấp những sự nhất trí ban đầu, con đường để chấm dứt cuộc chiến ở dải Gaza sẽ còn nhiều cam go và xa hơn nữa, việc công nhận Nhà nước Palestine để giải quyết tận gốc rễ cuộc xung đột không thể thực hiện được trong một sớm một chiều.