Bình luận

Mắc kẹt

2024 được xem là năm “đại bầu cử”, năm của những cuộc bầu cử lớn quyết định diện mạo chính trị không chỉ của từng quốc gia mà có tác động sâu sắc đến cán cân quyền lực cũng như xác lập cơ cấu địa chính trị trên phạm vi toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Pháp vui mừng với kết quả bầu cử. Ảnh | Washington Post
Người dân Pháp vui mừng với kết quả bầu cử. Ảnh | Washington Post

Cơ quan đặc biệt

Trung tuần tháng 3, ông Vladimir Putin, Tổng thống Nga đương nhiệm, giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong một cuộc bầu cử Tổng thống ở nước Nga thời hậu Xô viết. Cuối năm, tháng 11, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden dự kiến “so găng” với cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử mà cả phương Tây lẫn phương Đông đều nín thở theo dõi, bởi kết quả của nó có thể tác động ghê gớm đến đời sống chính trị thế giới trong 4 năm trước mắt…

Giữa hai cuộc bầu cử lớn ấy là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, diễn ra trong 3 ngày ở nửa đầu tháng 6/2024. Nghị viện châu Âu là cơ quan đặc biệt vì trong số 7 cơ quan trực thuộc Liên minh châu Âu (EU), đây là cơ quan duy nhất được bầu trực tiếp ở châu Âu. Có nghĩa là 450 triệu cử tri châu Âu sẽ trực tiếp bỏ phiếu bầu ra đại diện của mình trong cơ quan lập pháp đa quốc gia này. Số lượng nghị sĩ của mỗi quốc gia trong Nghị viện châu Âu được phân bổ tương ứng với quy mô dân số của quốc gia đó. Chẳng hạn Đức là quốc gia có dân số lớn nhất EU có 96 ghế nghị sĩ, Pháp thứ hai có 81 ghế; thấp nhất như Cyprus, Luxembourg, Malta mỗi quốc gia có 6 ghế nghị sĩ. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, trên thực tế, diễn ra giống như bầu cử cùng lúc ở 27 quốc gia thành viên, nơi các cử tri bỏ phiếu cho các đảng và thành viên của đảng. Đảng nào giành được bao nhiêu % số phiếu bầu tại quốc gia mình thì sẽ giành được tương ứng số ghế của quốc gia đó tại Nghị viện châu Âu.

Kết quả choáng váng

Những lời cảnh báo đã vang lên khắp châu Âu từ rất lâu trước khi cuộc bầu cử diễn ra với dự đoán cánh hữu sẽ chiếm đa số ở nhiều cuộc bầu cử quốc gia, đặc biệt là những thành viên có vai trò quan trọng trong EU như Pháp, Đức, Italia… Một bộ phận lớn cử tri châu Âu có xu hướng nghiêng sang các đảng cánh hữu liên quan trực tiếp đến việc đề xuất giải pháp nhằm vượt qua 5 thách thức lớn mà châu Âu đương đại đang phải đối mặt: tình trạng suy thoái kinh tế; khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19; xung đột quân sự ở Ukraine; biến đổi khí hậu; khủng hoảng di cư.

Kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đã không nằm ngoài dự đoán. Dù chưa giành được số phiếu cao nhất ở Nghị viện châu Âu nhưng các đảng cực hữu giành được số phiếu cao nhất ở Pháp, Italia, Áo giành số phiếu cao thứ nhì tại Đức. Một châu Âu chính trị nghiêng dần về bên phải đang hình thành.

Kết quả này giáng một đòn đau vào các phe có khuynh hướng trung dung, tự do và xã hội ở các nước này (trong số đó có các đảng cầm quyền ở Pháp, Đức, những quốc gia được phân bổ số ghế lớn nhất), khiến châu Âu choáng váng.

Ván bài của ông Macron

Cho dù không phải là tiếng sấm giữa trời quang do đã ít nhiều được dự đoán từ trước, thế nhưng kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn thiết đối với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tại Pháp, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) giành được số phiếu bầu kỷ lục, cao hơn gấp đôi số phiếu mà đảng của Tổng thống E.Macron giành được.

Chỉ một giờ đồng hồ sau khi có kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cho thấy Đảng cánh hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo theo đường lối cực hữu đánh bại liên minh ôn hòa của ông E.Macron, Tổng thống Pháp đã tuyên bố quyết định giải tán Quốc hội Pháp và tiến hành tổ chức bầu cử sớm vào ngày 30/6 và 7/7. Ông E.Macron nói: “Tôi đã nghe thông điệp từ các bạn, các mối quan tâm của các bạn và tôi không thể không phản hồi”.

Quyết định nhanh chóng của ông E.Macron đã khiến những người ủng hộ ông hết sức hoang mang, trong khi cánh hữu lại tỏ ra vui mừng vì dự đoán rằng với khuynh hướng nghiêng về phía bên phải ở nhiều quốc gia châu Âu, họ có thể nhanh chóng nắm được quyền lực ở nước Pháp sau nhiều năm đứng bên lề.

Có thể dễ dàng nhận thấy ý định thật sự của ông E.Macron khi nhanh chóng giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm là muốn xoay chuyển cục diện chính trị đang ở thế bất lợi. Với việc kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, ông E.Macron muốn đảng Tập hợp quốc gia (RN) không kịp có thời gian tổ chức các chiến dịch bầu cử hiệu quả. Ông tin rằng bị dồn đến viễn cảnh cánh hữu sẽ là lực lượng chủ chốt trên chính trường Pháp, đa số cử tri Pháp phải quyết tâm lựa chọn vị thế ủng hộ những người ôn hòa hoặc cánh tả, ngăn cản các thành phần cực hữu tiến đến nắm quyền lực.

Mắc kẹt ảnh 1

Người dân Pháp vui mừng với kết quả bầu cử. Ảnh | France24

Tỷ lệ cử tri đi bầu Nghị viện châu Âu chỉ có 52% và đây cũng là một trong những cơ sở để ông E.Macron hy vọng rằng trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, những cử tri không đi bầu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ rời nhà đến bên hòm phiếu thể hiện sự ủng hộ đối với đường lối trung dung, ôn hòa. Ông E.Macron hy vọng rằng những người này, cùng với những người bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, sẽ là lực lượng quyết định giúp ông và liên minh cầm quyền đảo ngược được tình thế bất lợi do cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tạo ra…

Đấy là một ván bài chính trị khá mạo hiểm của ông E.Macron theo đúng kiểu “được ăn cả ngã về không”. Nếu thành công, nó sẽ ngăn cản đà tiến của phe cánh hữu trên chính trường nước Pháp; nhưng nếu thất bại thì ba năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông E.Macron sẽ đầy sóng gió.

“Quốc hội treo”?

Những kết quả ban đầu của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng 1 cho thấy ván bài của ông E.Macron tiếp tục ẩn chứa những rủi ro.

Cho dù số cử tri đi bầu vòng 1 cao kỷ lục đạt gần 70%, Liên minh đa số của Tổng thống E.Macron vẫn thua đậm sau vòng 1, chỉ về thứ ba, sau đảng cực hữu RN của nhà lãnh đạo chính trị 28 tuổi Jordan Bardella và liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP).

Nhằm ngăn cản đảng cực hữu RN cùng các đồng minh có thể chiếm được tối thiểu 289 ghế cần thiết trong Quốc hội để thành lập chính phủ đa số, cả phe cánh tả và trung dung của ông E.Macron đã rút tất cả các ứng cử viên về ở vị trí thứ ba của họ trong cuộc bầu cử vòng 1 để dồn phiếu cho các ứng viên của mình trong cuộc quyết đấu với cánh hữu ở vòng 2.

Có vẻ như đòn liên thủ này đã mang lại kết quả không ngờ. Vòng 2 bầu cử sớm Quốc hội Pháp cho thấy ông E.Macron đã đúng khi quyết định “được ăn cả ngã về về không”. Liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) về thứ nhất với 182 ghế, kế đến là liên minh trung dung “Chung sức” của ông E.Macron, tuy mất đa số tương đối nhưng vẫn về thứ hai với 143 ghế, còn đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của cánh cực hữu, mà trước khi vòng 2 diễn ra đã được dự đoán sẽ chiến thắng vang dội, rốt cuộc chỉ về thứ ba với 143 ghế.

Như vậy là mặc dù ông E.Macron không đảo ngược được hoàn toàn xu thế suy giảm vị thế của cánh trung dung do đảng của ông đại diện nhưng ít nhất, quyết định bầu cử sớm của ông đã ngăn ngừa được cánh hữu chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội Pháp và nếu vậy, sẽ chi phối hoàn toàn đường lối của Pháp trong 3 năm cuối nhiệm kỳ của ông. Giữa một châu Âu đang nghiêng dần sang bên phải, chính trường Pháp phần nào lấy lại được cân bằng với chiến thắng thuộc về những người cánh tả và trung dung.

Nhưng kết quả sau 2 vòng bầu cử đã dẫn tới một kịch bản mà người ta đã dự đoán khi không một đảng phái chính trị nào ở Pháp giành được đa số trong Quốc hội sau bầu cử, đó là tình trạng “Quốc hội treo”.

Chỉ về thứ ba sau hai vòng bầu cử Quốc hội, phe cực hữu cũng mất luôn cơ hội thành lập chính phủ để có thể chi phối hoàn toàn chính trường Pháp. Trong khi đó thì dù chỉ về đích ở vị trí thứ hai, nhưng cánh trung dung của Tổng thống Pháp, với số ghế giành được vẫn đủ để bảo đảm không một cuộc đàm phán chính trị nào trong tương lai có thể bỏ qua ý kiến của khối này.

Cả ba khối chính trị lớn nhất trong Quốc hội Pháp lần này có đường lối chính trị khác biệt nhau quá xa, cũng chưa từng có lịch sử và mong muốn làm việc cùng nhau, do vậy việc thành lập các nhóm và liên minh trong Quốc hội sẽ rất phức tạp. Nếu đạt được tình trạng “chung sống chính trị”, nghĩa là Thủ tướng đại diện cho các phe phái đối lập, thì chính phủ của ông E.Macron sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thông qua các dự luật quan trọng. Trong trường hợp như vậy, ông E.Macron sẽ phải vận dụng điều 49.3 trong Hiến pháp, cho phép chính phủ thông qua một dự luật nào đó mà không cần phải bỏ phiếu ở Quốc hội. Nhưng nếu vận dụng điều 49.3 thì khi ấy, chính phủ Pháp lại phải đối mặt với nguy cơ chịu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội…

Tổng thống chỉ được phép giải tán Quốc hội một lần trong một năm. Như vậy, nước Pháp sẽ bị mắc kẹt trong tình trạng bất ổn trong thời gian ít nhất một năm nữa.