Bản sắc

Ryokan - Không gian thấm đẫm tinh thần Nhật Bản

Ryokan - lữ quán, là một hình thức lưu trú có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản. Hàng nghìn năm về trước, các ryokan đã đón những người du hành mỏi mệt dừng chân để nghỉ ngơi, thư giãn trong bồn nước nóng, ăn một bữa no rồi rời đi. Ngày nay, du khách bốn phương tìm đến ryokan để thỏa mãn đam mê khám phá xứ Phù Tang, đặc biệt là cảm nhận sâu sắc Omotenashi – văn hóa tiếp đãi khách bằng cả trái tim.
Vẻ đẹp của lữ quán hơn 1.300 năm tuổi Nishiyama Onsen Keiunkan.
Vẻ đẹp của lữ quán hơn 1.300 năm tuổi Nishiyama Onsen Keiunkan.

Khi sự hiếu khách trở thành nghệ thuật

Ryokan Nhật Bản được nhiều nghiên cứu nhận định có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 8, có thể là loại hình khách sạn cổ nhất trên thế giới. Thuở ấy, để di chuyển từ vùng này sang vùng khác, người dân chỉ có thể bộ hành hoặc đi xe ngựa, xe bò. Những lữ quán đơn sơ dọc đường dần trở nên thiết yếu với mọi lữ khách, từ thường dân cho đến samurai, thương nhân, tu sĩ… Ryokan cổ nhất đã được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận là Nishiyama Onsen Keiunkan, nằm sâu giữa vùng rừng núi tỉnh Yamanashi với suối nước nóng tự nhiên bao quanh. Mở cửa từ năm 705, ryokan này đã hoạt động liên tục 1.319 năm qua, đón vô số lượt khách trọ trong đó có những tướng quân, sử gia, chính khách, quý tộc, tỉ phú, nghệ sĩ nổi tiếng… Theo thời gian, nước Nhật hiện đại có mọi kiểu khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tuy nhiên ryokan vẫn giữ vững vị thế đối với người Nhật cũng như du khách quốc tế nhờ những giá trị đặc biệt riêng có.

Tháo bỏ giày và xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà, bạn sẽ bước vào trong một gian phòng truyền thống Nhật Bản cực kỳ sạch sẽ và ấm cúng, với sự chào đón nồng nhiệt từ ryokan. Ông chủ hoặc bà chủ cùng các nhân viên mặc kimono truyền thống đứng bên cửa, cúi gập người chào khách quý với những động tác đều tăm tắp mà vẫn uyển chuyển, giọng nói đầy hồ hởi. Khách nhận phòng, kéo cánh shoji (cửa trượt bằng giấy đặc trưng kiến trúc Nhật) và bước trên những tấm tatami (chiếu cói truyền thống) êm ái, thay cho mình một bộ yukata (áo choàng kèm thắt lưng, thường bằng vải bông nhẹ mát). Phòng nghỉ của ryokan thường bài trí giản dị, chỉ gồm một tấm đệm ngủ và một bàn trà thấp, song điểm nhấn là cửa sổ cỡ lớn nhìn ra phong cảnh bên ngoài. Cảnh vật thay đổi qua khung cửa ấy từng thời điểm trong ngày, từng mùa, tạo nên muôn vàn bức tranh thiên nhiên sống động và rực rỡ: vườn xanh mùa hạ, lá đỏ mùa thu, tuyết trắng trời đông… Với truyền thống yêu thích ngâm mình trong nước nóng của người Nhật, ryokan cũng không bao giờ thiếu những bồn tắm onsen bằng gỗ. Lý tưởng nhất là các ryokan nằm ở khu vực có suối khoáng nóng, ở đó các hồ tắm lộ thiên sẽ được xây dựng và mang đến du khách giải pháp trị liệu sức khỏe cổ xưa nhưng đầy hiệu quả. Cần nói thêm rằng ở ryokan còn là một dịp để thưởng thức nghệ thuật dân gian và đương đại Nhật Bản qua góc trưng bày thư pháp, đồ gốm, búp bê, tranh vẽ… và sân vườn. Không phụ thuộc vào diện tích lớn hay nhỏ, mỗi khu vườn đều là một không gian nghệ thuật nơi cây cối và các tác phẩm điêu khắc được sắp đặt một cách có chủ đích, được chăm sóc cẩn thận.

Tại ryokan, mọi khu vực từ chung đến riêng đều được thiết kế hướng tới sự tiện lợi, thoải mái tối đa cho khách nghỉ. Song tinh thần Omotenashi còn được thực hành triệt để cả ở các hoạt động như hướng dẫn khách cắm hoa, thưởng trà, ăn uống. Theo truyền thống, giá lưu trú ở ryokan luôn bao gồm nghỉ đêm và hai bữa ăn: bữa tối theo tiêu chuẩn kaiseki cầu kỳ và bữa sáng cơ bản kiểu Nhật vào hôm sau. Người Nhật đã thuyết phục được cả thế giới về việc họ rất giỏi biến một sinh hoạt bình thường thành nghệ thuật đỉnh cao, chẳng hạn như với ẩm thực. Kaiseki là trải nghiệm ẩm thực cao cấp mà bản thân nó cũng được tách riêng thành một nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn. Khoảng 10-18 món ăn sẽ được phục vụ lần lượt, mỗi món chỉ vài miếng nhỏ song được đầu bếp dụng tâm nấu nướng và trang trí vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Đáng chú ý, thực khách sẽ được thưởng thức đặc sản chế biến từ những nguyên liệu bản địa theo mùa. Nếu ryokan ở miền biển, bạn sẽ có một bữa tối thịnh soạn với các loại hải sản, nếu ryokan ở vùng núi, bạn sẽ được thưởng thức các loại nấm và rau xanh ngon lành.

Ryokan - Không gian thấm đẫm tinh thần Nhật Bản ảnh 1

Trải nghiệm ẩm thực tinh tế khiến kỳ nghỉ ở ryokan thêm đáng nhớ.

Với sự tao nhã, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ, không ngạc nhiên khi biết rằng từ xa xưa hầu hết ryokan đều do phụ nữ quán xuyến, điều hành. Dù nam giới đóng vai trò cũng rất lớn, chẳng hạn như xây phòng, làm vườn, bảo trì và sửa chữa đồ đạc, nhưng việc chăm sóc khách thường được đảm nhiệm bởi các người bà, người mẹ. Họ không chỉ là chủ nhân khu trọ mà còn thông thạo nghệ thuật trà đạo hay làm bánh, là người đào tạo các nhân viên. Thuật ngữ okami-san được sử dụng từ thời Edo (1603-1867) để chỉ những bà chủ lữ quán đoan trang, tháo vát này. Công việc ấy được trao truyền một cách kiêu hãnh qua các thế hệ phụ nữ trong gia đình, và dù có trải qua bao nhiêu năm vẫn giữ vẹn nguyên sự tinh tế, chỉn chu trong từng bước đi, dáng cúi chào, cách mở cửa, thái độ với khách...

Sức hấp dẫn vượt thời gian

Sau 13 thế kỷ hình thành và phát triển, ryokan trở nên đa dạng, phong phú, từ nhà gỗ kiểu cổ đến nhà cao tầng, các khu nghỉ dưỡng rộng lớn đến các biệt thự riêng, từ nơi rừng xanh núi cao đến trong lòng đô thị. Theo thống kê, toàn nước Nhật có hơn 53.000 ryokan. Nhiều ryokan thời nay bổ sung thêm tiện nghi để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của du khách, song về cơ bản vẫn tuân thủ những tiêu chuẩn tinh túy trong nghệ thuật bài trí và dịch vụ thuần Nhật Bản. Chẳng hạn, một chi tiết nhỏ như việc đặt đệm, xếp gối trong phòng nghỉ cũng phải ở vị trí hoàn hảo nhất, cho phép vị khách khi thức dậy có tầm nhìn bắt trọn khung cảnh ngày mới qua cửa sổ...

Sở hữu nhiều ưu thế nên ryokan có giá lưu trú không hề rẻ hơn các khách sạn mới mẻ sang trọng, thậm chí đôi khi còn đắt ngang ngửa và rất khó để đặt phòng trong các giai đoạn cao điểm du lịch. Nếu muốn ở những ryokan lâu đời, được xếp hạng cao trên các nền tảng đặt phòng, bạn cần đặt trước từ 3-6 tháng. Nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất, ryokan hơn 1.300 năm tuổi Nishiyama Onsen Keiunkan đang được vận hành bởi người kế thừa thứ 53. Lữ quán này là một trong những biểu tượng cho văn hóa kinh doanh và giải trí của người Nhật khi đã tồn tại vững vàng suốt cả nghìn năm, trải qua vài chục đời chủ. Tất nhiên, rất nhiều biến cố đã xảy ra trong ngần ấy thời gian, như 2 lần bị cháy, 1 lần đá lở, 1 lần bão cuốn... song ngay sau đó lại được phục hồi với tinh thần bất biến. Mọi vật dụng tại đây đều đậm nét xưa, như biển hiệu viết tay, tranh cuộn treo tường truyền thống kakejiku, những bộ yukata sắc mầu nhã nhặn... mang đến du khách cảm giác hoài niệm, như được giũ sạch bụi trần và trở về quá khứ. Nơi đây có 6 hồ tắm onsen, 4 trong nhà và 2 ngoài trời, tất cả nước khoáng nóng được dẫn trực tiếp từ nguồn. Thiên nhiên không chỉ ở bên ngoài mà còn hiện hữu trong từng món đồ nội thất: bồn tắm bằng gỗ, sàn nhà lát đá, chiếc bình cắm chính những bông hoa tươi được hái ngoài vườn... Dù nằm ở một thị trấn bé nhỏ sâu trong núi, ryokan Nishiyama Onsen Keiunkan vẫn đẹp hoàn hảo, thơ mộng và không khi nào vắng khách.

Ryokan - Không gian thấm đẫm tinh thần Nhật Bản ảnh 2

Du khách Việt trải nghiệm mặc yukata khi lưu trú tại ryokan.

Một ryokan nổi bật khác nằm ngay quận Otemachi của Thủ đô Tokyo, Hoshinoya Tokyo, cũng là cái tên được du khách Nhật và người nước ngoài săn đón. Dù chỉ mới 120 năm tuổi, thật “non trẻ” nếu so với ryokan nghìn tuổi vừa nói trên, ryokan này đặc biệt bởi sự tổng hòa của văn hóa truyền thống và sức sống của Tokyo đương đại. Là một ốc đảo thanh bình tọa lạc giữa khu phố tài chính đầy trụ sở các tập đoàn đa quốc gia, các trung tâm thương mại sôi động, Hoshinoya (nghĩa là “thung lũng đầy sao”) được thiết kế và vận hành đúng chuẩn ryokan: chiếu tatami trải toàn bộ khách sạn bao gồm cả thang máy, họa tiết lá gai dầu trong kiến trúc nội và ngoại thất lấy cảm hứng từ hoa văn Edo-Komon của kimono, đồ trang trí là đá sỏi tái hiện vườn Thiền cùng nghệ thuật cắm hoa ikebana tao nhã, tắm khoáng onsen trên tầng 17 ngắm toàn cảnh Tokyo, đồ ăn phục vụ trong các hộp gỗ xếp chồng lên nhau... Khách lưu trú có cơ hội thưởng thức nghệ nhân trực tiếp chơi đàn shamisen réo rắt trong không gian sảnh, hay trải nghiệm dùng tiền đồng để mua bát mì soba nóng ăn khuya hệt như người Edo trăm năm về trước.

Ryokan không chỉ cung cấp chỗ ở, đó còn là cầu nối hiện tại với lịch sử, là cánh cửa dẫn tới chốn thanh bình giữa cuộc sống xô bồ thường nhật. Nếu lên kế hoạch cho chuyến đi Nhật Bản, hãy nhớ rằng một kỳ nghỉ ở ryokan sẽ mang đến lòng hiếu khách tuyệt vời, những truyền thống đã “sống” hàng thiên niên kỷ, sự tận hưởng dành cho mọi giác quan và vô số chuyện kể thú vị bạn mang theo về nhà.