NƠI TÚ CẦU BẮC NHỊP TÌNH DUYÊN

Công chúng say mê dòng văn chương cùng phim ảnh cổ trang Trung Quốc chắc không còn lạ lẫm với những màn “phao tú cầu tuyển phu tế” (gieo cầu kén rể). Trong đó, những tiểu thư lá ngọc cành vàng quyết định gửi gắm duyên tình vào bàn tay định đoạt đầy may rủi của số phận, thay vì nhắm mắt tuân theo sự sắp đặt môn đăng hộ đối của đấng sinh thành.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách Việt say mê lựa chọn tú cầu như một món quà quý gửi tặng người thân yêu.
Du khách Việt say mê lựa chọn tú cầu như một món quà quý gửi tặng người thân yêu.

Từ cầu nối nghệ thuật, tú cầu đã vươn mình ra ngoài biên giới. Trấn cổ Cựu Châu - cái nôi sinh ra, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống tạo tác tú cầu đã trở thành điểm đến hấp dẫn mời gọi người yêu văn hóa tìm tới trải nghiệm, khám phá. Ở nơi đó, tú cầu không chỉ mang ý nghĩa cát tường, mà còn trở thành tín vật ước định tình duyên của cộng đồng dân tộc Choang nói riêng, người Trung Quốc nói chung, như một biểu tượng văn hóa độc đáo, trường tồn cùng dặm dài lịch sử.

“Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi”

Ở Trung Quốc, từ bao đời nay, tú cầu đã trở thành biểu tượng cho tình yêu trai gái. Quả bóng thêu được gắn kết tỉ mỉ từ 12 cánh hoa rực rỡ hoa văn ba chiều, chim thú sống động ấy đã ôm chứa biết bao giấc mơ hạnh phúc của những cô gái trẻ, khi vừa nắn nót từng mũi kim vừa cười mủm mỉm nghĩ tới chàng trai sẽ may mắn bắt trọn quả cầu.

Từ hơn tám thế kỷ trước, người dân tộc Choang đã kể cho nhau nghe câu chuyện tình đầy trắc trở của chàng trai nghèo A Đệ và cô gái xinh đẹp thôn bên A Tú. Nhằm âm mưu chiếm đoạt người đẹp, quan huyện đã lập mưu bắt giam rồi ra lệnh xử tử chàng trai và khiến cô gái đau khổ khóc tới mù cả đôi mắt. Quyết theo người yêu cùng xuống suối vàng, A Tú mò mẫm khâu tú cầu để trao cho A Đệ, như một tín vật giúp tìm thấy nhau ở thế giới bên kia. Chẳng ngờ khi anh nâng niu kỷ vật trong tay, quả bóng thêu phát ra một luồng ánh sáng chói lòa, cuốn lấy và mang đôi tình nhân đến chốn đào nguyên, nơi họ được tận hưởng hạnh phúc trọn đời.

NƠI TÚ CẦU BẮC NHỊP TÌNH DUYÊN ảnh 1

Cô gái gieo cầu...

... trao gửi tình ý tới chàng trai mình thương.

Từ đó, tú cầu trở thành sứ giả văn hóa chuyển tải tình yêu, tình bạn và cả lòng biết ơn cùng những xúc cảm chân thành. Từ đó, ném bóng thêu (Xiuqiu) mang thông điệp tình yêu mà cô gái muốn gửi gắm cho chàng trai, theo một cách thức đậm chất phương Đông và đặc biệt tinh tế. Vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, một lễ hội truyền thống với hoạt động chính là hát đối đáp “Dui Ge” sẽ được tổ chức. Trai gái trong vùng tụ tập trên một bãi đất trống, dùng những điệu hát ngẫu hứng để làm quen với nhau. Nếu thấy ưng chàng trai nào, cô gái sẽ ném Xiuqiu để anh ấy bắt lấy, như phát đi một tín hiệu giúp chàng tự tin đặt bước chân đầu tiên trên hành trình chinh phục trái tim người đẹp.

Bóng thêu có ý nghĩa như thế nên mọi cô gái dân tộc Choang đều được các bà, các mẹ truyền dạy, uốn nắn từng đường kim mũi chỉ ngay từ khi còn rất nhỏ. Một câu dặn dò mà người phụ nữ Choang nào cũng thuộc nằm lòng, “không biết thêu thùa thì không thể tìm được người chồng tốt”.

Theo thời gian, tú cầu biến thành một biểu tượng văn hóa, gieo cầu gói ghém giấc mơ hạnh phúc mà các bậc làm cha, làm mẹ dành tặng con gái. Những tín đồ của Truyện Kiều chắc chưa quên cảnh Vương Ông đau lòng vật vã khóc than, khi Kiều phải đường cùng bán mình chuộc cha. “Nuôi con những ước về sau/ Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi”, ở đây “trao tơ” hay “gieo cầu” cũng đều ngầm ý chỉ duyên chồng vợ.

NƠI TÚ CẦU BẮC NHỊP TÌNH DUYÊN ảnh 2

Hai cô gái dân tộc Choang tái hiện màn gieo cầu trên con suối Nga Tuyền.

Nơi bảo tồn một biểu tượng văn hóa

Cựu Châu Cổ trấn là thủ phủ cũ của huyện Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc), nơi chỉ cách đường biên giới Việt - Trung có vài chục cây số. Từng được gọi là “bảo tàng sống của dân tộc Choang”, cổ trấn rêu phong, trầm mặc này cũng nổi tiếng trên bản đồ du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây với danh xưng “quê hương của tú cầu”.

Đến với Cựu Châu, du khách không chỉ có cơ hội ngắm nhìn những công trình kiến trúc cùng cảnh sắc tuyệt đẹp “như hoa như gấm” của Văn Xương Các, hành lang Tương tư, đài Diễm tưởng Ngọa Thi, núi Tử Bích hay rừng phong đỏ, chong chóng thất sắc… mà còn được thỏa sức khám phá phố phong tình Tú Cầu – con phố cổ xưa tập trung những nghệ nhân tạo tác bóng thêu hàng đầu. Trước mỗi hiên nhà đều có một vài người phụ nữ đang cặm cụi thêu thùa, người một mình chuyên chú vào việc, người vừa làm vừa cười nói râm ran.

Theo thông tin được cung cấp trên hệ thống biển quảng cáo được đặt rải rác suốt dọc hành trình khám phá, cả cổ trấn có hơn 500 hộ gia đình, với dân số khoảng 2 nghìn người. Phụ nữ nơi đây, từ bé gái 7-8 tuổi tới những cụ bà 80-90 tuổi đều có thể tỉ mẩn cầm kim phô diễn ngón nghề thủ công truyền thống và cung cấp ra thị trường khoảng 500 nghìn sản phẩm mỗi năm. Không chỉ là tín vật thể hiện tình ý, bóng thêu còn trở thành món quà lưu niệm độc đáo, được xuất khẩu sang một số thị trường lớn – như một cách quảng bá văn hóa bản địa hữu hiệu.

Bóng thêu được tạo nên từ những mảnh lụa sặc sỡ, thường có ba mầu cơ bản: vàng, đỏ và xanh lục. Mười hai cánh hoa tượng trưng cho 12 tháng trong năm, hạt giống của một số loại ngũ cốc (cũng có khi là mùn cưa, cát hoặc dược liệu có mùi thơm) được nhồi vào ruột Xiuqiu nhằm trao gửi lời nguyện cầu no đủ, thịnh vượng. Với kích thước phổ biến 6 cm đường kính, mỗi quả Xiuqiu nặng khoảng 2-3 lạng theo đơn vị đo lường địa phương (tương đương 1-1,5 lạng theo chuẩn quốc tế).

NƠI TÚ CẦU BẮC NHỊP TÌNH DUYÊN ảnh 3

Cả trăm sản phẩm treo lủng lẳng trên các giá hàng là trăm cách phối mầu vải lụa, chỉ thêu cùng họa tiết, hoa văn tinh tế.

Hiện có xấp xỉ 1.000 người Cựu Châu kiếm sống bằng việc thêu thùa Xiuqiu. Và nguồn lợi mà sản phẩm truyền thống này mang lại không hề nhỏ. Chỉ làm bằng tay, không hề có sự trợ giúp của máy móc nên công sức bỏ ra cho một thành phẩm cao cấp có khi mất tới vài ngày. Mức giá rẻ nhất chỉ 15 RMB (khoảng 2,3USD) cho những quả nhỏ, mẫu mã đơn giản nhưng với quả bóng thêu cỡ lớn, chất lượng cao có thể bán tới 200 RMB (khoảng 28 USD). Bà Li, 50 tuổi chia sẻ, những đơn đặt hàng đến từ các địa chỉ kinh doanh trực tuyến có thể mang lại cho bà khoản thu nhập gia tăng 3.000 RMB/năm. Bà cười rất tươi khi thoăn thoắt đưa kim, dù mấy đầu ngón tay vẫn phải quấn kín băng vì trầy xước.

Điều đáng ngạc nhiên là rất ít quả bóng thêu có thiết kế “đụng hàng”. Cả trăm sản phẩm treo lủng lẳng trên mỗi giá hàng là trăm cách phối mầu vải lụa, chỉ thêu cùng họa tiết, hoa văn tinh tế, in đậm dấu ấn cá nhân của từng đôi bàn tay tài khéo. Bởi thế, kết thúc lộ trình, trên tay mỗi thành viên trong đoàn du khách Việt đều có dăm ba chiếc Xiuqiu, như một món quà quý dành tặng người thân.

Rời Cựu Châu, hình ảnh đậm nét đọng lại trong tôi là những bức tường xám xanh trầm tư, những khách sạn với dãy dài bóng thêu là điểm nhấn trang trí, những người đàn bà đang ngày đêm cặm cụi thêu bóng. Và những quả tú cầu sặc sỡ được hai cô gái trẻ nắn nót trao gửi những vị khách nam giới trên con suối Nga Tuyền trong xanh như lời nhắn nhủ hãy trở lại - nơi tú cầu bắc nhịp tình duyên!

NƠI TÚ CẦU BẮC NHỊP TÌNH DUYÊN ảnh 4

Tú cầu được lựa chọn là điểm nhấn trang trí bắt mắt cho một khách sạn đậm màu hoài cổ.