Ðến Tây An thưởng thức phong vị cổ xưa

Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc với hơn 3.000 năm tuổi tựa như một bảo tàng lịch sử sống, ghi dấu thăng trầm của nhiều triều đại huy hoàng của Trung Quốc: Chu, Tần, Hán, Ðường... Từng là kinh đô Trường An phồn hoa, nơi đây chứa đựng biết bao câu chuyện về những bậc đế vương xưa. Một trong số đó chính là Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên thống nhất lãnh thổ Trung Hoa, lập nên đế quốc lớn bậc nhất thời bấy giờ với những chiến tích, công lao, những huyền thoại và cả những bí ẩn đến nay người đời vẫn chưa khám phá hết được.
0:00 / 0:00
0:00
Tượng binh mã trong hầm mộ số 1 Binh Mã Dũng.
Tượng binh mã trong hầm mộ số 1 Binh Mã Dũng.

Cách trung tâm thành phố Tây An chừng 50km là khu lăng mộ thần bí, được xem là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất của thế kỷ 20: Lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Cách khu mộ chính chôn cất hoàng đế khoảng 1 dặm, Binh Mã Dũng - đội quân đất nung khổng lồ của hoàng đế được khai quật từ những năm 70 nhờ phát hiện tình cờ của một người nông dân, từ đó đến nay vẫn khiến giới khoa học cũng như người đời không ngớt sững sờ. Không có gì lạ khi dòng người đổ về khu khai quật đông nghịt. Anh Huy, hướng dẫn viên người Trung Quốc cho biết du khách đã tới Tây An không ai không muốn thăm quan Binh Mã Dũng. Với số lượng tượng khổng lồ ước tính 8.000 tượng binh sĩ, 130 xe ngựa và 520 ngựa, 150 kỵ binh trong khu vực này, chưa nói đến khu hầm mộ chính hầu như vẫn còn là bí ẩn, đây quả thực là khu lăng mộ cổ lớn nhất Trung Quốc.

Trong bốn khu hầm mộ cho phép du khách tham quan, khu hầm mộ thứ nhất lớn nhất và được khai quật nhiều nhất với khoảng 6.000 tượng binh sĩ. Tận mắt chiêm ngưỡng, những pho tượng này có thể làm bất cứ ai phải ngạc nhiên, bởi sự tinh xảo, tỉ mỉ trong điêu khắc từ các đường nét trên khuôn mặc, búi tóc đến chân tay, từ trang phục, đến tư thế, dáng điệu, kích cỡ đều y hệt người thật nhưng không ai giống ai, kể cả biểu cảm trên gương mặt cũng vậy. Điều này làm dấy lên ước đoán những pho tượng này được mô phỏng hoàn toàn từ người thật. Mặt khác cũng thể hiện trình độ tay nghề vô cùng khéo léo, tinh xảo của cổ nhân. Theo ước tính của các nhà khoa học cần khoảng 1.000 nhân công để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ này. Cô hướng dẫn viên khu di tích chỉ cho chúng tôi xem cách phân biệt của các bức tượng dựa vào hình thể, trang phục và đầu tóc, chẳng hạn tượng cao to lực lưỡng tới 1,8m-1,9m thường là võ tướng, gầy mảnh hơn thì là quan văn, hay có thể dựa vào mũ đội đầu và tóc của các bức tượng để biết được cấp bậc của họ trong quân đội, là tướng quân hay lính trơn.

Ðến Tây An thưởng thức phong vị cổ xưa ảnh 1

Tượng Cung thủ quỳ

Trong bộ phim tài liệu mới đây do Netflix sản xuất về Bí ẩn đội quân đất nung khẳng định lại một điều tôi được thuật lại khi ở trong hầm mộ, rằng khi khai quật khu vực này, phần lớn các pho tượng đều bị vỡ hỏng. Và để có được một bảo tàng sống động như hôm nay, đó là công việc vô cùng công phu, tỉ mỉ của các nhà khoa học và đội phục chế trong việc ghép nối các bộ phận, các mảnh vỡ để trở thành một bức tượng hoàn chỉnh. Có bức tượng có tới hàng trăm mảnh vỡ và cần tới ba năm để “phục sinh”. Cũng nhờ đó họ khám phá được quy trình tạc tượng của người xưa. Trong những hố khai quật dang dở, nhiều mảnh thân thể… vỡ màu xám tro trong ánh sáng mờ dưới mái che, đôi khi làm người ta rùng mình bởi cảm giác quá thật, y như đang đứng trước một vùng chiến địa vậy. Trong hầm mộ thứ 2 những pho tượng bộ binh, kỵ binh và ngựa, xe ngựa; xe tứ mã cùng đội chỉ huy ở hầm mộ thứ 3… cũng đều được chế tác cực kỳ tinh xảo. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hành trình mới ở thế giới vĩnh hằng, để tiếp tục ước mơ thống trị của vị hoàng đế vĩ đại của Trung Hoa này.

Theo nhiều tài liệu khoa học, khi mới khai quật các pho tượng đều được sơn màu sắc phổ biến của thời Tần như đỏ, tím, xanh lá cây, xanh lam… Nhưng quá trình oxy hóa và độ ẩm khiến tất cả nhanh chóng trở thành màu xám. Khi chúng tôi chiêm ngưỡng tượng cung thủ quỳ được bảo tồn khá hoàn hảo trong tủ kính tại hầm mộ, một vài nếp phía sau áo giáp vẫn ánh lên màu đỏ chu sa dù hàng nghìn năm đã trôi qua. Đó cũng một phần là lý do khiến ngoài hầm mộ đầu tiên, các hầm mộ đều mới chỉ khai quật một phần nhỏ. Người hướng dẫn bảo tàng cho biết, các nhà khảo cổ e rằng với công nghệ hiện tại không có cách nào bảo tồn được sự nguyên vẹn của những di vật trong di sản vô giá này.

Trong dòng người quá đông đúc, khó mà có được một tấm ảnh trọn vẹn chụp cùng đội quân đất nung. Tuy nhiên ngay sát cửa lối vào một khu hầm mộ, khách du lịch đã có thể thỏa mãn mong ước này. Chỉ với 10-15 tệ, du khách có thể thoải mái diễn cùng dàn tượng mô phỏng như thật. Kế bên đó, trong khu bán đồ lưu niệm, khách cũng có thể chọn cho mình một bức tượng với đủ kích cỡ và tư thế, với giá phổ biến từ vài chục đến hàng trăm tệ.

Ðến Tây An thưởng thức phong vị cổ xưa ảnh 2

Vĩnh Ninh Môn tấp nập du khách ghé thăm.

Trở lại thành phố Tây An - từng là kinh đô của 13 triều đại, ngày nay là một thành phố thanh bình rợp bóng cây xanh, vừa có vẻ cổ kính trầm mặc của những thành quách cung điện xưa, vừa hiện đại với vô số cao ốc, cơ sở hạ tầng quy hoạch hợp lý. Nếu chỉ dành thời gian lang thang trong thành phố, cũng không thiếu những địa chỉ hấp dẫn du khách say mê lịch sử, văn hóa, kiến trúc…

Đứng dưới chân tường thành Tây An, có thể thấy ngợp trước công trình 600 năm tuổi được bảo tồn gần như nguyên vẹn này. Tường thành ban đầu được xây dựng dưới triều nhà Tùy, đắp bằng đất và vôi cùng chiết xuất của gạo nếp. Sau này thành được bồi đắp và mở rộng vào triều Minh dưới thời hoàng đế Chu Nguyên Chương. Chỉ qua một vài số liệu có thể tưởng tượng được ra sự hùng vĩ của công trình này: cao 12m, chân tường dày 18m, bề mặt rộng 14m, dài 14km. Cùng với hệ thống hào sâu và rộng bao quanh, gần 100 tháp canh, gần 6.000 lỗ châu mai bố trí dày đặc, nơi đây rõ ràng có hệ thống phòng thủ ấn tượng.

Thành có bốn cổng chính, trong đó Vĩnh Ninh Môn phía nam là cổng thành được trang trí đẹp nhất và vì nằm gần trung tâm thành phố, nơi đây cũng là nơi đón tiếp khách du lịch nhiều nhất. Dưới cổng vòm nhuốm màu thời gian treo đèn lồng đỏ rực rỡ, mỗi ngày ước tính có hàng nghìn lượt khách thập phương đến chiêm ngưỡng. Nếu thư thả thời gian, bạn có thể đạp xe trên tường thành từ bắc xuống nam mất khoảng 90 phút, rồi đứng đó phóng tầm mắt ra xa cảm nhận phong vị xưa cũ qua những kiến trúc cổ kính nổi lên giữa phố xá hiện đại và nhộn nhịp, thấy được sự giao hòa và tiếp nối của lịch sử và đời sống. Kế bên đó, Lầu Chuông và Lầu Trống tuyệt đẹp cũng được xây dựng dưới thời này được bảo tồn khá nguyên vẹn, là một điểm đến rất được ưa chuộng .


Ðến Tây An thưởng thức phong vị cổ xưa ảnh 3
Lầu Chuông - điểm check-in được giới trẻ yêu thích.

Khi đường phố lên đèn, chắc chắn không thể bỏ qua con phố đi bộ độc đáo biểu trưng của thời Đường - triều đại phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa-mang tên Đại đường bất dạ thành. Con phố có vẻ khá bình lặng lúc ban ngày, nhưng khi lên đèn có thể khiến du khách như lạc vào một thời đại khác. Đúng như tên gọi, con phố về đêm lộng lẫy ánh đèn với chiều dài 2km rộng 500m không chỉ mô phỏng kiến trúc và cách trang trí của thời Đường với các quán hàng nằm dọc hai bên tuyến phố, cùng những công trình nghệ thuật khá đồ sộ và đẹp mắt. Điểm thu hút lớn nhất chính là những hoạt động văn hóa truyền thống sôi nổi, đầy màu sắc như trình diễn nghệ thuật, triển lãm, nghệ thuật thư pháp, các món ăn truyền thống thu hút khách cùng tương tác, giao lưu. Du khách đến đây hấp dẫn bởi những trải nghiệm thú vị: xem, nghe, ăn, chơi, mua sắm và đặc biệt đắm mình trong không khí nhộn nhịp tưng bừng như trong một lễ hội vậy. Ước tính mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm tại đây.

Một nét hấp dẫn khác đến từ chính du khách. Nếu như tại các di tích của thành phố, không khó nhận thấy du lịch cổ trang đang lên ngôi, thì tại đây, bối cảnh và phong cách trang trí đậm màu sắc cổ xưa chính là phông nền tuyệt đẹp để du khách diện trang phục cổ và lưu lại những bộ ảnh ấn tượng. Chỉ cần bỏ ra khoảng 200-300 tệ là bạn có thể hóa thân vào các nhân vật như trong phim cổ trang. Điều thú vị là không chỉ các thiếu nam thiếu nữ, từ các ông bà cao tuổi tới trẻ con, ai thích cũng có thể “biến hình” chụp ảnh, tạo nên một khung cảnh đặc sắc.

Cuối phố đi bộ là Quảng trường Khai Nguyên với trung tâm là bức tượng của nhà sư Đường Huyền Trang trong dáng vẻ như trên đường thỉnh kinh và Tháp Đại Nhạn 1.300 năm tuổi. Đây là một kiến trúc cổ nổi tiếng bậc nhất ở Tây An không chỉ vì vẻ đẹp tinh xảo mà còn bởi là biểu tượng của văn hóa Phật giáo thời Đường. Đây là nơi lưu giữ Bộ Kinh Phật nhà sư mang về từ Ấn Độ. Chính tại đây, nhà sư đã thành lập khu dịch thuật khổng lồ để dịch toàn bộ kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán…

Ðến Tây An thưởng thức phong vị cổ xưa ảnh 4

Tượng nhà sư Đường Huyền Trang ở Quảng trường Khai Nguyên, phía trước là Đại Đường bất dạ thành.

Tây An là thành phố cho bạn cảm giác có thể chạm vào lịch sử trong từng bước chân, bởi đâu đâu cũng có thể chiêm ngưỡng những kiến trúc kỳ vĩ và tuyệt đẹp của cổ nhân, chỗ nào cũng có thể bắt gặp những di sản được bảo tồn một cách cẩn trọng. Nơi đây không chỉ là thành phố với bề dày văn hóa lịch sử, là điểm đến hấp dẫn ở Trung Quốc những năm gần đây mà còn là thành phố công nghiệp có nền kinh tế phát triển nhất vùng tây bắc, có lẽ cũng bởi những di sản ấy đã hòa quyện và phát huy được giá trị của mình trong đời sống hiện đại.