Bình luận

Nghịch lý

Hôm 3/10, tân Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, trong chuyến công du chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức tới Ukraine đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Ukraine Zelensky về kế hoạch chấm dứt xung đột tại Ukraine. Theo ông Mark Rutte, Ukraine đang ở gần NATO hơn bao giờ hết!
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay sau cuộc họp báo tại Kiev ngày 3/10. Ảnh | AFP
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay sau cuộc họp báo tại Kiev ngày 3/10. Ảnh | AFP

Tuyên bố của Tổng thư ký NATO

Hôm 3/10, tân Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, trong chuyến công du chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức tới Ukraine đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Ukraine Zelensky về kế hoạch chấm dứt xung đột tại Ukraine. Theo ông Mark Rutte, Ukraine đang ở gần NATO hơn bao giờ hết!

Trước đó, trong tuyên bố nhậm chức, ông Mark Rutte cũng nói sẽ bảo đảm NATO duy trì các cam kết của liên minh với Ukraine, đặc biệt là “con đường không thể đảo ngược” rằng Kiev sẽ trở thành thành viên của khối. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của ông là thúc đẩy sản xuất công nghiệp phục vụ quốc phòng.

Trước đây, người tiền nhiệm của ông Mark Rutte là Jens Stoltenberg từng tuyên bố tại một sự kiện Quỹ Marshall của Đức hôm 19/9: “Nghịch lý là chúng ta càng có thể cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine thì khả năng chúng ta đạt được hòa bình và chấm dứt chiến tranh càng cao. Sự hỗ trợ quân sự lâu dài của chúng ta càng đáng tin cậy thì cuộc chiến sẽ kết thúc càng sớm”.

Trong phát biểu của mình, ông J.Stoltenberg khẳng định rằng không thể có an ninh lâu dài cho Ukraine nếu không có tư cách thành viên NATO. “Cánh cửa NATO đang mở. Ukraine sẽ gia nhập khối” - ông J.Stoltenberg nói.

Hẳn nhiên là với tinh thần như trong tuyên bố trên của cả cựu và tân Tổng Thư ký NATO thì chắc chắn sẽ chẳng có bất cứ một cơ hội nào cho hòa bình giữa Nga với Ukraine, thậm chí khả năng ngồi vào bàn đàm phán cũng hầu như bằng không. Bởi nguyên nhân chính yếu để Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” từ 24/2/2022 là nhằm ngăn ngừa khả năng Ukraine gia nhập NATO.

Bản “kế hoạch hòa bình” của ông V.Zelensky

Trong thời điểm then chốt hiện nay, khi các nhà lãnh đạo NATO liên tục nhắc đi nhắc lại về cách chấm dứt xung đột bằng việc tăng cường chiến tranh thì trong một tuyên bố phát đi từ Kiev, Tổng thống Ukraine, ông Volodymir Zelensky tuyên bố rằng một “kế hoạch hòa bình” đã được soạn thảo xong. Bản kế hoạch này hướng đến ba mục tiêu: kết thúc cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, duy trì sức mạnh của Kiev và tránh mọi “cuộc xung đột bị đóng băng”.

Như vậy là lại thêm một tín hiệu nữa được phát đi từ người đứng đầu chính quyền Ukraine về khả năng chấm dứt cuộc xung đột quân sự đã kéo dài hơn hai năm rưỡi qua giữa Nga với Ukraine. Trong suốt hơn hai năm qua, không ít lần ông V.Zelensky và các quan chức chính quyền Kiev đưa ra những tuyên bố tương tự như vậy.

Tháng 3/2024, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS của Mỹ, ông V.Zelensky đưa ra những “gợi ý” về điều kiện để đàm phán với Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột quân sự đã kéo dài hơn 2 năm qua ở Ukraine, trong đó đặc biệt đáng chú ý là Ukraine “không nhất thiết phải dùng các biện pháp quân sự” (tức là tiếp tục chiến tranh) để giành lại những vùng lãnh thổ mà Kiev cho rằng đã bị mất vào tay người Nga; thứ hai, Ukraine có thể đặt điều kiện mới là chỉ cần khôi phục lại những đường biên giới “trước tháng 2/2022” (thời điểm Nga khởi phát các đợt tiến công trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” - theo cách gọi của Moscow) là đủ để có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình nào đó...

Ngoại trưởng Ukraine khi đó, ông Dmitry Kuleba, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Ấn Độ NDTV cũng đề cập đến khả năng sẽ “kết nối” với Nga để có các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng việc kết nối này chỉ diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock của Thụy Sĩ vào trung tuần tháng 6/2024.

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine đã kết thúc từ lâu nhưng chẳng hề có một “kết nối” nào giữa hai bên như ông Dmitry Kuleba hứa hẹn. Thay vào đó, Nga vẫn tiếp tục duy trì những bước tiến nhỏ tại mặt trận vùng Donesk.

Ở chiều ngược lại, từ đầu tháng 8, Kiev cũng bất ngờ mở một đợt tấn công vào khu vực Kursk của Nga. Đây là cuộc tấn công xuyên biên giới đầu tiên của một lực lượng nước ngoài nhằm vào một vùng lãnh thổ của nước Nga kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Có thể thấy là bất chấp những rủi ro về khả năng hỗ trợ cho mặt trận Donbass, hoạt động quân sự này của Ukraine là nhằm giành được một số lợi thế để có thể có cái mà mặc cả với Moscow trong những cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên trong tương lai.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Trong bối cảnh xung đột kéo dài với những tổn thất vô cùng lớn cho cả hai phía, việc tìm kiếm một cơ hội cho hòa bình, dù mỏng manh, cũng là điều dễ hiểu.

Cái mà hai phía bỏ lỡ, thật ra lại là những cơ hội đã từng xuất hiện trong quá khứ, kể từ thời điểm bắt đầu cuộc xung đột. Chỉ một thời gian ngắn sau khi cuộc chiến nổ ra vào ngày 24/2/2022, giữa Nga và Ukraine đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc nhằm giải quyết xung đột, trong đó quan trọng nhất là các cuộc gặp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3/2022. Theo những điều khoản trong bản dự thảo thỏa thuận hai bên đạt được khi ấy, Kiev sẽ duy trì tính trung lập, có thể tham gia EU nhưng không tham gia NATO; quy mô các lực lượng vũ trang của Ukraine ở mức hạn chế và Kiev công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga…

Dự thảo không đề cập đến những vùng của Ukraine sau này sáp nhập vào Nga mà vấn đề đó sẽ chỉ được thảo luận trong các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga V.Putin với Tổng thống Ukraine V.Zelensky…

Tuy nhiên, cuộc đàm phán cấp thượng đỉnh đó chưa bao giờ diễn ra trong thực tế. Không những vậy, đầu tháng 10/2022, sau khi 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia trưng cầu dân ý và tuyên bố sáp nhập vào Liên bang Nga, Tổng thống V.Zelensky đã ký sắc lệnh số 679 loại trừ việc tiến hành mọi cuộc đàm phán với Nga.

Có thể thấy rõ là một cơ hội cho hòa bình đã bị bỏ lỡ.

Đến khi Kiev mở đợt tấn công vào khu vực Kursk và Nga nhằm có lợi thế trên bàn đàm phán sau này, khả năng chấm dứt xung đột càng xa vời. Trái với dự đoán, Nga không điều binh từ mặt trận Donbass về để cứu viện cho Kursk mà thay vào đó, lại tiếp tục tăng tốc các cuộc tấn công ở khu vực này khiến quân Ukraine phải liên tục tháo lui mà mới nhất là cuộc rút quân khỏi pháo đài Vuhledar, một vị trí chiến lược có tính trọng yếu trên mặt trận Donbass.

Cuộc chiến cân não

Đang diễn ra một “cuộc chiến cân não” căng thẳng chung quanh khả năng các nước phương Tây bật đèn xanh để Ukraine sử dụng các loại vũ khí tầm xa mà nước này nhận được từ các nước phương Tây. Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã kêu gọi các đồng minh dỡ bỏ những hạn chế trong việc sử dụng các vũ khí như tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ hay tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh, để tấn công vào các mục tiêu sâu bền trong lãnh thổ Nga.

Điều đáng ngại nằm ở chỗ không một ai biết đâu sẽ là “lằn ranh đỏ” mà Nga vạch ra trong cuộc chiến này và phản ứng của Nga sẽ như thế nào nếu NATO vượt qua “lằn ranh đỏ”?

Tổng thống Nga V.Putin đã cảnh báo động thái dỡ bỏ hạn chế vũ khí của phương Tây sẽ đồng nghĩa với việc “các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu đang tham gia trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine”. Nhà lãnh đạo Nga cũng tuyên bố rằng Moscow sẽ “đưa ra những quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa đang phải đối mặt”.

Sau hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tổ chức hồi tháng 6 vừa qua với kết quả khá hạn chế, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã nhận thức ra một điều là bất kỳ một kế hoạch hòa bình nào cũng chỉ là những tờ giấy A4 nếu như không có sự tham gia của Nga với tư cách là một bên tham gia xung đột. Và đương nhiên, những đòn tấn công bằng vũ khí tầm xa vào sâu bên trong lãnh thổ Nga sẽ chẳng thể có tác dụng kéo Moscow đến bàn đàm phán ngoài việc tạo ra một nguy cơ vô cùng thảm khốc về việc sử dụng những loại vũ khí hủy diệt.

Bản “kế hoạch hòa bình”, hay như cách gọi của ông V.Zelensky là bản “kế hoạch chiến thắng”, cũng không phải là ngoại lệ. Khó có khả năng đạt được một nền hòa bình ở Ukraine nếu vẫn tồn tại nghịch lý mà các nhà lãnh đạo NATO vẫn đang quyết tâm theo đuổi thực hiện.