Khủng hoảng chảy máu chất xám nhân viên y tế

Những năm gần đây, đặc biệt từ đại dịch Covid-19, các nước nghèo hơn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế nghiêm trọng, một phần không nhỏ là do các nước giàu tuyển dụng người của họ, bất chấp các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng này.
0:00 / 0:00
0:00
Châu Phi đang thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng do tình trạng chảy máu chất xám.
Châu Phi đang thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng do tình trạng chảy máu chất xám.

Làn sóng di cư và hệ lụy nặng nề

Phải mất gần ba giờ xếp hàng tại bệnh viện đa khoa Ikorodu ở bang Lagos, Nigeria, ông Hadijat Hassan, một công chức nghỉ hưu mắc bệnh tiểu đường mới được khám bệnh. Ông cho biết, tình trạng chậm trễ khiến cơn đau dữ dội ở chân tồi tệ hơn bao giờ hết. Tình cảnh hàng chục người chờ đợi đến lượt được khám bệnh đã trở nên thường xuyên và rằng, các “bác sĩ và điều dưỡng đã đi nước ngoài cả rồi”. Một quan chức bệnh viện cho biết, ban quản lý Ikorodu nhận được thông báo từ chức của các bác sĩ và điều dưỡng hầu như hằng tháng, theo thông tin từ The Guardian.

Một quan chức Nigeria cho biết: “Nhiều bác sĩ đã chuyển tới Mỹ, Canada, Anh và gần đây nhất là Australia”. Nigeria có tỷ lệ nhân viên y tế rất thấp: 5.000 bệnh nhân mới có 1 bác sĩ, 1.160 bệnh nhân mới có 1 điều dưỡng. Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng và Hộ sinh Michael Nnachi cho biết, hơn 75 nghìn điều dưỡng đã rời Nigeria kể từ năm 2017. Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Xã hội Muhammad Pate cũng tiết lộ rằng, khoảng 16 nghìn bác sĩ đã rời khỏi đất nước trong 5 năm qua. Nước này hiện chỉ còn 55 nghìn bác sĩ được cấp phép để phục vụ dân số hơn 220 triệu người.

Vào tháng 12/2021, anh Setfree Mafukidze cùng vợ và bốn người con quyết định chuyển đến Somerset (Anh) với mong muốn các con sẽ có cơ hội sống và học tập tốt hơn. Trong 4 năm, anh làm điều dưỡng trưởng và đã chăm sóc hơn 10.000 người tại phòng khám duy nhất ở Chivu - một thị trấn cách Harare (Zimbabwe) khoảng 140km về phía nam. Mặc dù chỉ kiếm được khoảng 150 USD một tháng, anh thường tự bỏ tiền túi để thanh toán hóa đơn cho bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, “các điều dưỡng ở Zimbabwe không được trả lương đủ tốt để ở lại, khi có cơ hội rời đi. Đó là vấn đề về tiền lương và điều kiện làm việc,” Mafukidze nói với hãng tin Al Jazeera.

Những năm qua, nhiều quốc gia giàu có đã tuyển dụng số lượng lớn bác sĩ, điều dưỡng từ các quốc gia nghèo hơn để lấp đầy khoảng trống nhân sự của họ. Xu hướng này dẫn đến tình trạng các quốc gia đang phát triển thiếu hụt trầm trọng nhân viên có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân khiến tình trạng y tế của đất nước đó ngày càng tồi tệ.

Ông Howard Catton, Giám đốc điều hành của Hội đồng Điều dưỡng quốc tế cho biết: Những người tham dự cuộc họp của các hiệp hội điều dưỡng châu Phi ở Rwanda “cảm thấy tức giận” khi các nước có thu nhập cao đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để thu hút lực lượng điều dưỡng mà họ cần từ các nước nghèo hơn, mong manh hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới có các quy định nhằm ngăn chặn việc tuyển dụng nhân viên y tế từ các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém nằm trong Danh sách bảo vệ và hỗ trợ lực lượng lao động y tế của WHO, hay còn gọi là “danh sách đỏ”. “Danh sách đỏ” này được đưa ra vào năm 2020 với kế hoạch cập nhật ba năm một lần, trong đó có 37 quốc gia châu Phi. Việc tuyển dụng từ các quốc gia trong “danh sách đỏ” được khuyến nghị không diễn ra nếu không có thỏa thuận chính thức ở cấp chính phủ. Tuy nhiên, Hội đồng Điều dưỡng và Hộ sinh của Anh cho biết, hơn 7.000 điều dưỡng Nigeria đã chuyển đến Anh từ năm 2021 đến năm 2022.

WHO dự đoán, toàn thế giới sẽ thiếu 10 triệu nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe vào năm 2030, chủ yếu là ở các nước thu nhập thấp, nơi nhiều người đang tìm cơ hội ra nước ngoài. Dữ liệu từ Hiệp hội Điều dưỡng và Nữ hộ sinh ở Ghana cho thấy, gần 4.000 điều dưỡng đã rời khỏi đất nước vào năm 2022. Tại Zimbabwe, hơn 4.000 nhân viên y tế, trong đó có 2.600 điều dưỡng viên đã rời đi trong hai năm 2021-2022.

Tiến sĩ Baboucarr Cham, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng và Nữ hộ sinh quốc gia Gambia cho biết: “Tình trạng này gây ra rất nhiều vấn đề ở Gambia bởi vì các nhân viên giàu kinh nghiệm đang rời bỏ quê hương để đến châu Âu và châu Mỹ. Bệnh viện của chúng tôi có khoảng 300 điều dưỡng viên được cấp phép, năm ngoái chỉ còn lại 53 vị trí”. Lãnh đạo nhà hộ sinh nói rằng, cô đã mất 16 nữ hộ sinh, thiếu nhân viên trầm trọng đến mức cô phải bỏ vai trò giám sát và quay lại phòng hộ sinh để trực tiếp đỡ đẻ. Các nhà tuyển dụng nước ngoài nhắm đến các điều dưỡng có kinh nghiệm, sau đó những nhân viên còn lại phải “chăm sóc nhiều người hơn, mệt mỏi hơn và khi đó bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất”.

Khủng hoảng chảy máu chất xám nhân viên y tế ảnh 1

Nhiều bác sĩ, điều dưỡng Nigeria đã đến châu Âu để mong có điều kiện sống và làm việc tốt hơn. Ảnh | Shutterstock

Số tiền do các nhân viên y tế ở nước ngoài gửi về đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Gambia và một số điều dưỡng đã quay trở lại với những kỹ năng và kinh nghiệm mới. Nhưng một số cơ sở ở nông thôn không còn điều dưỡng hoặc nữ hộ sinh nào, gây ra hậu quả nặng nề cho người dân địa phương. “Xét cho cùng, hệ thống y tế của chúng tôi rất dễ bị tổn thương, yếu kém và không có khả năng phục hồi vì không có đủ nhân lực và không thể giữ được những người có kinh nghiệm”, ông nói thêm.

Khoảng trống khó được lấp đầy

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tôn trọng “danh sách đỏ” này. “Nhân viên y tế là xương sống của mọi hệ thống y tế, tuy nhiên 55 quốc gia có hệ thống y tế yếu kém nhất thế giới lại không có đủ nhân viên và nhiều quốc gia đang mất người vì tình trạng di cư quốc tế”, ông nói.

Điều dưỡng Elizabeth Fadziso 30 tuổi từ Harare (Zimbabwe) hy vọng được làm việc ở nước ngoài kể từ khi bắt đầu lấy bằng điều dưỡng do điều kiện phúc lợi kém và tình trạng thiếu thốn thiết bị y tế ở Zimbabwe. Khi hoàn thành chương trình học vào năm 2020, Fadziso đã nộp đơn xin chính phủ cấp giấy chứng nhận tư cách tốt, một giấy tờ bắt buộc đối với các điều dưỡng muốn làm việc ở nước ngoài, nhưng Chính phủ Zimbabwe đã ngừng việc này trong nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám của ngành y. Fadziso bị mắc kẹt hơn một năm, sau đó quyết định bỏ bằng cấp ở quê hương và nhận công việc chăm sóc tại một viện dưỡng lão ở Liverpool (Anh). Cô nói: “Tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Tôi phải tận dụng cơ hội này” bất chấp việc phải học lại bằng điều dưỡng ở Anh để có thể làm việc.

Những năm sau đại dịch đã chứng kiến ​​​​sự gia tăng đáng chú ý trong tuyển dụng nhân viên chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Mức độ làm việc và tình trạng kiệt sức của lực lượng lao động tại Anh do tình trạng thiếu hụt nhân viên cũng có nguyên do từ việc đất nước có dân số già nên cần nhiều người chăm sóc hơn. Trong tuyên ngôn bầu cử năm 2019, Chính phủ hứa sẽ tăng số lượng điều dưỡng ở Anh lên 50 nghìn người vào năm 2024 - mục tiêu chỉ đạt được nhờ tuyển dụng nhân viên ở nước ngoài.

Các quốc gia châu Âu khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Đức phải đối mặt với tình trạng thiếu 150 nghìn điều dưỡng vào năm 2025 và đã phát động các chiến dịch tuyển dụng ở nước ngoài. Năm ngoái, Đức đã ký một thỏa thuận với chính phủ Philippines về cho thuê và cung cấp điều dưỡng. Phần Lan đặt mục tiêu tuyển dụng 20 nghìn điều dưỡng quốc tế vào năm 2030. Canada, Australia cũng có các chương trình tuyển dụng thường do chính quyền khu vực thực hiện.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, cứ hơn 1.000 dân, ở Anh có 9,2 điều dưỡng, ở Đức là 12,3 nhưng Gambia chỉ có 0,9 điều dưỡng. Bà Perpetual Ofori-Ampofo, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng và Nữ hộ sinh ở Ghana cho biết, di cư là “quyền cá nhân”, “không thể ngăn cản họ ra nước ngoài nhằm tìm kiếm mức lương tốt hơn, điều kiện làm việc tốt hơn hoặc một cuộc sống tốt hơn”. Nhưng các khoản phí liên quan đến các thủ tục giấy tờ chính thức cần thiết để một điều dưỡng chứng minh trình độ của họ với các cơ quan quản lý ở nước ngoài gần đây đã tăng 445,5%, từ 550 cedi Ghana (33 bảng Anh) lên 3.000 (180 bảng Anh), cho thấy mối lo ngại của chính phủ ở một quốc gia có nền kinh tế kém phát triển với 3,5 điều dưỡng trên 1.000 dân. Rõ ràng, “đó là một cách để hạn chế sự di cư của các nhân viên y tế” do “gánh nặng công việc để lại cho những người thay thế vị trí của họ”.

Chính phủ các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng đang thúc đẩy nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Nigeria năm 2022 có dự luật buộc sinh viên y khoa phải làm việc trong nước ít nhất 5 năm sau khi tốt nghiệp. Phó Tổng thống Zimbabwe Constantino Chiwenga cũng đã công bố kế hoạch hình sự hóa việc tuyển dụng nhân viên y tế nước ngoài, coi đây là “tội ác chống lại loài người”. Tuy nhiên, Shehu Sani, cựu thượng nghị sĩ Nigeria và nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, các nhân viên y tế sẽ chỉ ở lại nếu triển vọng về cuộc sống và điều kiện làm việc được cải thiện.

Trước hiện trạng tuyển dụng số lượng lớn nhân viên y tế từ nước ngoài, người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết: “Quy tắc thực hành của chúng tôi bảo đảm việc tuyển dụng nhân viên y tế quốc tế có đạo đức và bền vững, đồng thời hướng dẫn của chúng tôi phù hợp với lời khuyên mới nhất từ ​​Tổ chức Y tế Thế giới. Chương trình Lực lượng Y tế Toàn cầu trị giá 15 triệu bảng Anh của chúng tôi đang hoạt động để hỗ trợ phát triển lực lượng lao động y tế ở Ghana, Kenya và Nigeria, đồng thời khoản tài trợ bổ sung trị giá 4,45 triệu bảng Anh được công bố vào đầu tháng này sẽ cho phép chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cho ít nhất hai quốc gia nữa”.