Bình luận

Ai về đỉnh cao, ai về vực sâu?

Những diễn biến liên tiếp trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cho thấy cuộc đua “ai là chủ Nhà Trắng” đang đến hồi cao trào. Không ai biết kết cục của màn kịch chính trị này sẽ ra sao nhưng ngay từ bây giờ đã có vô số những đòn phép mà cả hai phía - Dân chủ và Cộng hòa liên tiếp tung ra nhằm triệt hạ đối thủ, hứa hẹn một trong những mùa bầu cử sôi động và kịch tính bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh | AP
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh | AP

Một lựa chọn khôn ngoan của ông Trump

Khởi đầu là màn thứ nhất trong hai màn tranh luận được dự tính sẽ diễn ra giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump tại trường quay của đài CNN ở Atlanta hôm 27/6. Việc ông D.Trump chấp nhận tranh luận với ông J.Biden tại CNN cho thấy một lựa chọn khôn ngoan và đầy bản lĩnh của ông cùng ê-kip cộng sự của mình. Bởi nếu ông Trump chỉ chịu tranh luận trên một kênh truyền hình có xu hướng bảo thủ, vốn ủng hộ các quan điểm cũng như chính sách của ông thì khó hướng tới đối tượng là những người đang phản đối ông hay chí ít cũng đang có thái độ trung dung. Nếu ông D.Trump muốn truyền đi một thông điệp nào đó thì dĩ nhiên ông sẽ phải chấp nhận rủi ro khi xuất hiện trên kênh này.

Ông D.Trump đã được tưởng thưởng xứng đáng. Màn tranh luận diễn ra trong 90 phút dưới sự điều khiển của hai nhà báo từ kênh CNN đã được các nhà quan sát trung lập đánh giá là một “thảm họa” đối với ông J.Biden. Không chỉ nói lặp đi lặp lại, phạm phải những lỗi sơ đẳng trong diễn đạt, ông J.Biden còn - như ông thú nhận sau đó - có những lúc tưởng chừng như ngủ gục trên sân khấu! Lý do mà ông J.Biden đưa ra sau đó là do ông đã phải trải qua “khoảng 100 múi giờ” với hai chuyến đi-về giữa Mỹ và châu Âu để tham dự các sự kiện như cuộc họp G-7 tại Italia và lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandi trong thế chiến II. Những chuyến đi trong khoảng thời gian ngay trước khi diễn ra cuộc tranh luận đó đã khiến ông J.Biden phải trả giá.

Bước ngoặt bất ngờ

Sau màn tranh luận với ông D.Trump ở Atlanta, mặc dù thừa nhận đó là một “đêm tồi tệ” nhưng ông J.Biden vẫn tuyên bố công khai rằng mình “đủ minh mẫn” để tiếp tục cuộc đua. Trong khi những người Dân chủ đang hết sức lo lắng sau màn thể hiện của đương kim Tổng thống trước cựu Tổng thống thì hơn hai tuần sau, trong khi đang diễn thuyết ở Pennsylvania, ông D.Trump đã bị ám sát hụt. Hình ảnh ông D.Trump, tai phải đầy máu, các mật vụ vây kín xung quanh nhưng vẫn vươn người hô to “chiến đấu”, với lá cờ Mỹ tung bay phía sau đã trở thành một biểu tượng ghi điểm cho ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Ông J.Biden, xét về một khía cạnh nào đó, cũng bị ảnh hưởng (về mặt chính trị) sau vụ ám sát hụt ông D.Trump. Trong đại hội của đảng Cộng hòa, ông D.Trump được chính thức đề cử làm đại diện để tranh thắng với ông J.Biden đã bất ngờ công bố lựa chọn ông Jame David Vance đứng chung liên danh trên cương vị ứng cử viên Phó Tổng thống - một lựa chọn không tồi góp thêm ưu thế cho ông Trump. Ông J.D.Vance trước đây từng là người chỉ trích quyết liệt ông D.Trump nhưng sau một thời gian đã bất ngờ quay ngoắt 180 độ, nhiệt thành ủng hộ các chính sách của ông này.

Để tránh nguy cơ chậm trễ so với đối thủ đang hành động rất nhanh chóng và quyết liệt, hai thủ lĩnh của những người Dân chủ ở Hạ viện và Thượng viện đều lên tiếng kêu gọi ông J.Biden nên đứng sang một bên để một người khác thuộc đảng Dân chủ có khả năng tiếp tục cuộc đua. Càng chậm trễ khi mà ngày bầu cử đầu tháng 11 càng tới gần sẽ đồng nghĩa với việc càng tăng cơ hội chiến thắng cho ông D.Trump.

Thêm nữa bà Nancy Pelosi, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ, người có thái độ chống đối quyết liệt ông Trump trong thời gian ông này tại vị Tổng thống, đã có những tác động khiến ông J.Biden dừng cuộc đua.

Trước sức ép dữ dội từ phía nội bộ đảng Dân chủ cùng với sự nhất trí của gia đình, ngày 21/7, trên tài khoản X, Tổng thống J.Biden bất ngờ chính thức tuyên bố từ bỏ cuộc đua, đồng thời ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris thay thế mình tiếp tục cuộc đấu với ông D.Trump.

Giằng co quyết liệt

Vụ ám sát hụt ông D.Trump ở Pennsylvania có thể làm cho giọng điệu của cả hai phía Dân chủ và Cộng hòa lắng đi đôi chút, tránh sử dụng các nội dung quảng cáo chính trị có thể bị quy là kích động các hành động cực đoan.

Ai về đỉnh cao, ai về vực sâu? ảnh 1

Ảnh | EPA

Tuy nhiên thời gian “hưu chiến” giữa hai bên không lâu. Ngay trước cả khi ông J.Biden chính thức tuyên bố ngừng chạy đua vào Nhà Trắng và ủng hộ bà Kamala Harris, Phó Tổng thống da màu thay mình tiếp tục cuộc đua, đội ngũ cố vấn của ông D.Trump đã mau chóng xây dựng các nội dung quảng cáo chính trị nhằm vào bà.

Khi ngày càng rõ là bà Kamala Harris có khả năng lớn thay thế ông J.Biden, mũi dùi của ê-kíp ông D.Trump đã lập tức nhằm vào những nội dung chính sách bị coi là “điểm yếu” của bà K.Harris như vấn đề nhập cư, kinh nghiệm điều hành kinh tế còn thiếu hay vai trò mờ nhạt của bà bên cạnh Tổng thống J.Biden…Mặt khác, bà K.Harris cũng sẽ phần nào phải “chịu trách nhiệm” về những điều mà họ coi là “thất bại” trong điều hành đất nước của ông J.Biden…

Trong khi đó, là người phụ nữ da màu đầu tiên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ khiến bà K.Harris có lợi thế thu hút phiếu bầu của các cử tri nữ và người da màu. Việc bà K.Harris từng là một công tố viên trong khi ông D.Trump trên thực tế đã bị một tòa án ở New York tuyên phạm tội hình sự (nhưng sau đó lại hoãn tuyên án sang tháng 9/2024) được sử dụng như một motif nhằm tìm kiếm những lá phiếu của các cử tri muốn “kẻ xấu bị trừng phạt” vào đầu tháng 11.

Và chắc chắn, vấn đề cho phép phá thai sẽ là điểm mạnh giúp bà K.Harris nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri nữ cũng như những người cấp tiến. Trong khi nếu thành công với chiến dịch quay lại Nhà Trắng, ông D.Trump có lẽ sẽ chuyển quyền quyết định cấm phá thai về cho các tiểu bang nước Mỹ.

Vừa mới xuất hiện trong hơn một tuần lễ, qua các cuộc thăm dò, bà K.Harris đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phần trăm ủng hộ với ông D.Trump, người đã khởi động chiến dịch tranh cử sớm hơn bà cả năm trời. Và nếu như đồng tiền có tiếng nói quyết định trong mọi cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ thì bà K.Harris cũng không có gì phải lo lắng. Chỉ trong mười ngày, chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà đã thu về 377 triệu USD, một con số thật đáng kinh ngạc. Ngoài ra, 170 nghìn tình nguyện viên mới đã đăng ký tham gia chiến dịch tranh cử của bà K.Harris…

Sự bám đuổi, giằng co quyết liệt giữa hai đối thủ là điều không tránh khỏi. Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là đến thời điểm phán quyết của cử tri Mỹ, quyết định “ai về đỉnh cao, ai về vực sâu”. Chắc chắn còn nhiều biến số gây ảnh hưởng, nhiều quyết định bất ngờ khiến cuộc bầu cử Tổng thống năm nay trở thành một trong những cuộc đua kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ.