Nguy cơ từ những đợt nóng kỷ lục

Nắng nóng cực độ mùa hè này đã giết chết 1.300 người Hồi giáo trong lễ hành hương Hajj hằng năm tới Mecca, chưa kể nhiều nơi khác. Nhưng một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ đe dọa cuộc sống của vô số người khi mùa màng thất bát do nhiệt độ tăng cao và giá cả tăng theo.
0:00 / 0:00
0:00
Giá cà chua ở Maroc tăng cao khi nắng nóng ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo.
Giá cà chua ở Maroc tăng cao khi nắng nóng ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo.

Nắng nóng cực độ đang là “bình thường mới”

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, “xô đổ” kỷ lục về nắng nóng ghi nhận năm ngoái.

Bước sang tháng 7, nhiệt độ tại nhiều quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục chạm các mốc cao kỷ lục trong bối cảnh nắng nóng và cháy rừng đang hoành hành nhiều nơi. Một khảo sát được thực hiện bởi hãng tin Bloomberg với các chuyên gia khí tượng cho biết Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia sẽ là các quốc gia trải qua thời tiết nóng nhất trong tháng 7. Ngay từ trước khi chính thức vào mùa hè, châu Âu đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do nắng nóng. Cháy rừng cũng bùng phát ở Hy Lạp trong tháng 6 khi nhiệt độ vượt 40oC.

Theo Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ, các khu vực ở trung tây và đông bắc nước Mỹ cũng đang chìm trong nắng nóng gay gắt, buộc nhà chức trách ban bố cảnh báo nắng nóng có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe người dân.

Ngay từ đầu hè, trong tháng 4, nhiệt độ tại Ấn Độ có lúc lên đến 46℃. Trong khi đó khu vực Tây Á cũng ghi nhận mức nhiệt trên 40℃. Tại Gaza, nơi khoảng 1,7 triệu người phải sơ tán, nắng nóng cực độ khiến tình hình thêm trầm trọng, tình trạng sức khỏe của người dân ngày càng tồi tệ, thậm chí khiến nhiều người tử vong.

Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu mà biểu hiện là sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng cực độ xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, hạn hán, lũ lụt, mực nước biển dâng cao và các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn.

Khủng hoảng khí hậu không chỉ làm tăng các đợt nắng nóng trong khí quyển mà cả các đợt nắng nóng ở đại dương, gây hại cho các cộng đồng ven biển và đe dọa một nguồn thực phẩm quan trọng khác cho con người. Chẳng hạn như “vòm nhiệt” năm 2021 dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Canada, đã giết chết khoảng 1 tỷ động vật biển.

Các nhà khoa học đã chỉ ra trong nghiên cứu mới rằng căng thẳng về nhiệt độ và nước có thể khiến sản lượng lương thực toàn cầu giảm từ 6 đến 14% vào năm 2050, tương ứng làm tăng số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể thêm từ 556 triệu lên tới 1,36 tỷ người.

 Nguy cơ từ những đợt nóng kỷ lục ảnh 1

Nắng nóng cực độ khiến nhiều người hành hương đến thánh địa Mecca thiệt mạng. Ảnh | Straitimes

Ông John Marsham, Giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Leeds (Anh) nói với tờ The Guardian: “Ngày càng có nhiều rủi ro mất mùa ở các nơi khác nhau trên thế giới, điều này ảnh hưởng đến lượng lương thực và giá cả”. Đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2018 đã dẫn đến vụ mùa thất bát và năng suất giảm còn một nửa ở trung và bắc Âu. Năm 2022, nhiệt độ cao kỷ lục ở Anh đã khiến trái cây và rau quả bị hư hại nặng nề.

Mối lo lạm phát

Nắng nóng cực độ đang làm tăng giá lương thực ở khắp mọi nơi. Các nhà nghiên cứu nói rằng, ở Trung Đông và các khu vực nóng hơn khác, chi phí sẽ còn cao hơn và những tác động tiêu cực sẽ lớn hơn nhiều, Đài phát thanh và truyền hình quốc tế của Đức (DW) đưa tin.

Trong năm qua, giá cà chua ở Iraq và Maroc đã tăng gấp ba do nắng nóng và thời tiết khắc nghiệt. Ở Iraq, hầu hết mọi người ăn cà chua hằng ngày. Cà chua bị ảnh hưởng đặc biệt bởi nắng nóng vì ở Iraq chúng thường được trồng và bán bởi các trang trại nhỏ, không có cách chế biến hoặc trữ lạnh nên dễ hỏng. Iraq không phải là quốc gia Trung Đông duy nhất mà biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến giá lương thực như vậy.

Ở Maroc năm ngoái, giá cà chua đã tăng hơn gấp đôi lên 12 dirham. Chính phủ sau đó đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu cà chua một phần. Năm nay, sau khi lệnh cấm xuất khẩu được nới lỏng, giá cà chua lại tăng. Al Tayeb Ais, một chuyên gia kinh tế từ Rabat, nói với DW rằng hiện nay 1kg cà chua có giá 18 dirham. Đối với người dân địa phương, “đây là chuyện lớn vì giá cả tăng cao, các gia đình có thu nhập thấp không thể mua được trái cây, rau và thịt mà họ cần”. Tháng 9 năm ngoái, giá hành tây ở Ai Cập đã tăng gấp ba lần lên 35 bảng Ai Cập so với đầu năm. Những người trồng hành cho biết nắng nóng đã làm giảm sản lượng thu hoạch và giá tăng chủ yếu là do điều này, bên cạnh chi phí sản xuất tăng.

Ở châu Á, ngay từ đầu hè Ấn Độ đã chứng kiến những đợt nắng nóng dữ dội. Các nhà kinh tế cảnh báo nắng nóng ngày càng gia tăng có thể làm giảm năng suất cây trồng và góp phần khiến lạm phát tăng. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh giá rau tăng đột biến và lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao cho đến mùa gió mùa bình thường xuất hiện. Radhika Rao, Giám đốc điều hành kiêm Nhà kinh tế cấp cao tại DBS Group Research, nhấn mạnh với The Economic Times: “Tác động của đợt nắng nóng sẽ (thể hiện) rõ ràng nhất ở các loại thực phẩm dễ hỏng, đặc biệt là rau quả, một trong những yếu tố dễ biến động nhất trong rổ lạm phát và đã liên tục vượt quá mức trong năm tài chính 2024”. Trong tháng 3, lạm phát tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng ở mức 4,9%, nhưng lạm phát thực phẩm vẫn ở mức cao 8,5%, chủ yếu do giá rau tăng đáng kể, tăng 28%.

 Nguy cơ từ những đợt nóng kỷ lục ảnh 2

Rau quả là mặt hàng dễ bị ảnh hưởng khi thời tiết nắng nóng.

Tất cả những đợt tăng giá này được xem là lạm phát (do) nhiệt - một hiện tượng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới định nghĩa là “giá lương thực tăng mạnh do nắng nóng cực độ”. Ông Ulrich Volz, Giáo sư kinh tế và Giám đốc Trung tâm Tài chính Bền vững tại SOAS, Đại học London bày tỏ: “Không nghi ngờ gì nữa, lạm phát (do) nhiệt tồn tại. Bằng chứng rõ ràng rằng biến đổi khí hậu có tác động ngày càng tăng đến sản lượng nông nghiệp và giá lương thực toàn cầu”.

Khó khăn chồng chất

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 3, các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã xem xét lạm phát do nhiệt ảnh hưởng thế nào đến giá thực phẩm trong tương lai. Nhìn vào bảng giá hằng tháng của thực phẩm và các hàng hóa khác, nhiệt độ và các yếu tố khí hậu khác ở 121 quốc gia kể từ năm 1996, các nhà nghiên cứu tính toán rằng “những cú sốc về thời tiết và khí hậu” sẽ khiến chi phí thực phẩm tăng 1,5 đến 1,8 điểm phần trăm mỗi năm trong vòng một thập niên hoặc lâu hơn.

Uớc tính của các nhà nghiên cứu cũng cho thấy ở những khu vực vốn đã nóng như Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ, lạm phát do nhiệt có thể còn tác động mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, lạm phát khu vực đồng euro trung bình ở mức 2,4% trong tháng 3 và tháng 4. Nhưng ở một số quốc gia Trung Đông, lạm phát đã ở mức hai, thậm chí ba con số. Thí dụ lạm phát ở Ai Cập hiện đang ở mức trên 30% thì lạm phát giá lương thực ở mức trên 40%.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, những yếu tố khác ngoài lạm phát (do) nhiệt gây ra ở Ai Cập, Lebanon, Syria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm “thâm hụt ngân sách, mức nợ công cao, tiền mất giá và mức độ lạm phát nguy hiểm” cũng như xung đột và chiến tranh, sự phụ thuộc của một số quốc gia vào nhập khẩu lương thực như lúa mì. Giáo sư Volz, Đại học London nói với DW: “Tất nhiên, luôn có các yếu tố khác tác động đến lạm phát, bao gồm sự phát triển kinh tế vĩ mô và tỷ giá hối đoái. Nhưng lạm phát giá thực phẩm quan trọng hơn”.

Tình trạng này ảnh hưởng nhiều nhất đến các hộ gia đình có thu nhập thấp. Theo Báo cáo Toàn cầu về Khủng hoảng lương thực năm 2024 công bố vào tháng 4, gần 282 triệu người đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở 59 quốc gia vào năm 2023, trong đó thời tiết khắc nghiệt là yếu tố quan trọng thứ hai gây ra khủng hoảng lương thực. Giá lương thực leo thang cũng gây ra bất ổn xã hội. Nhưng cũng giống như việc ứng phó biến đổi khí hậu, không có giải pháp dễ dàng nào để khắc phục tình trạng này.

Bởi thế các nhà khoa học kiến nghị: “Các quốc gia cần đầu tư nhiều hơn nữa vào khả năng thích ứng và khả năng phục hồi trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến hành phân tích rủi ro khí hậu và phát triển các chiến lược thích ứng phù hợp”. Còn hiệu quả tới đâu phụ thuộc phần lớn vào việc các quốc gia đầu tư thế nào vào các giải pháp mà họ xem là hữu hiệu. Một yếu tố quan trọng là sử dụng công nghệ phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng biển đổi khí hậu trong đó có AI, hay lai tạo các giống cây trồng có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt…