Bản sắc

Bách hóa tổng hợp- dấu ấn xuyên hai thế kỷ

Bước tới Paris, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những tòa công trình đồ sộ với diện mạo chẳng hề đổi thay sau hàng trăm năm lịch sử. Một vài tòa nhà trong số đó, tọa lạc ở những góc phố lớn trong trung tâm thành phố, tại nút giao của những ngả đường chính, vốn được biết tới là thiên đường mua sắm. Nhưng mấy ai biết, những cửa hàng bách hóa tổng hợp ấy đã làm nên một cuộc cách mạng về văn hóa và thương mại từ thế kỷ XIX, đến ngày nay vẫn trở thành một hình mẫu phát triển của xã hội hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Cửa hàng bách hóa tổng hợp Au Bon Marché.
Cửa hàng bách hóa tổng hợp Au Bon Marché.

Bước tới Paris, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những tòa công trình đồ sộ với diện mạo chẳng hề đổi thay sau hàng trăm năm lịch sử. Một vài tòa nhà trong số đó, tọa lạc ở những góc phố lớn trong trung tâm thành phố, tại nút giao của những ngả đường chính, vốn được biết tới là thiên đường mua sắm. Nhưng mấy ai biết, những cửa hàng bách hóa tổng hợp ấy đã làm nên một cuộc cách mạng về văn hóa và thương mại từ thế kỷ XIX, đến ngày nay vẫn trở thành một hình mẫu phát triển của xã hội hiện đại.

Sự chuyển mình của diện mạo đô thị

Từ những năm 1850, các cửa hàng bách hóa tổng hợp lần lượt ra đời từ những cải cách về cơ cấu và chính sách kinh tế chủ động do vua Napoléon Đệ Tam đề xuất nhằm hiện đại hóa nước Pháp thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại Paris, nổi tiếng nhất là cửa hàng Au Bon Marché được xây dựng năm 1852 ngay trung tâm quận 7 và vẫn đang tiếp tục duy trì được sức nóng cho tới tận bây giờ. Kế tiếp là những cái tên, mà đến ngày nay mọi du khách mỗi khi dừng chân ghé qua thủ đô của nước Pháp, đều phải trầm trồ và ngưỡng mộ, là Le Bazar de l’Hôtel de Ville (1856) ở quận 4, La Samaritaine (1870) trong quận 1, hay Le Printemps (1865) và Les Galeries Lafayette (1894) tại quận 9. Một vài cửa hàng khác cũng có trong danh sách này, tuy về độ nổi tiếng có thể kém hơn như Grands Magasins Dufayel (1856), Aux Phares de la Bastille (1875), À la Place Clichy (1877), Au Gagne-Petit (1878) và Aux Buttes Chaumont (1881).

Các cửa hàng bách hóa tổng hợp phát triển ngày một thịnh vượng từ sự trỗi dậy của tầng lớp thượng lưu bao gồm thương nhân, chủ doanh nghiệp, ngân hàng và cả những khách hàng chịu chi. Tại thời điểm bây giờ, nền văn hóa đại chúng đang được hình thành và đi mua sắm, cũng giống như việc tới rạp hát, xem vũ hội, ra quán cà-phê hay thưởng thức một buổi hòa nhạc, đã sớm trở thành một hình thức giải trí mới của dân thành thị.

Người tiêu dùng có thể tìm thấy bất cứ món hàng nào ở cửa hàng bách hóa, từ quần áo, vải vóc, cho đến đồ chơi, đồ trang trí, đồ nội thất trong gia đình. Những công trình kiến trúc mang tính cách mạng từ đó mọc lên khắp nơi tại những nút giao lớn của thành phố, với mặt tiền vẫn giữ nguyên nét cổ điển của cung điện hoàng gia. Hàng mái hiên dài được thiết kế cầu kỳ chạy dọc theo tòa nhà, thu hút những người đang rảo bước trên phố cũng phải tiến lại gần. Trong giai đoạn điện chưa phổ biến, những khung cửa kính lớn dọc bên hông giúp tòa nhà đón được nhiều ánh sáng hơn, đồng thời để trưng bày sản phẩm gần mặt đường, thu hút người đi lại.

Cửa hàng bách hóa cũng mở cửa hoàn toàn miễn phí để bất kỳ ai cũng có thể ghé vào tản bộ và chiêm ngưỡng. “Điều mới lạ” này nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, bởi trước đó họ luôn phải bấm chuông khi bước vào các cửa tiệm truyền thống. Một khi khách hàng đã bước vào trong, mọi ngóc ngách của cửa hàng đều phải bảo đảm giữ chân khách hàng lâu nhất có thể. Do đó, ngoài việc mua sắm, người tiêu dùng cũng có thể tận hưởng một tách cà-phê tại phòng chờ, đọc sách, xem phim, thưởng lãm các không gian trưng bày…

Bình dân hóa nền thời trang

Những công trình kiến trúc đậm chất nghệ thuật mới ấy đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với người dân Paris, nhất là phụ nữ. Họ ghé vào cửa hàng bách hóa, để ngắm nhìn các mặt hàng, chạm tay vào từng món đồ và trải nghiệm ngay tại chỗ. Thay vì thói quen mang những xấp vải tới tiệm để may đo quần áo, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tìm thấy những trang phục thành phẩm có sẵn để mua. Các món đồ quần áo, phụ kiện, túi xách may sẵn được phân phối khắp Paris, toàn nước Pháp và thậm chí trên toàn thế giới.

Bách hóa tổng hợp- dấu ấn xuyên hai thế kỷ ảnh 1

Cửa hàng bách hóa tổng hợp Le Printemps.

Hình ảnh thời trang được đẩy mạnh quảng cáo trên ấn phẩm danh mục kinh doanh trong từng mùa, cũng như trên các tạp chí thời trang. Thông qua đó, người tiêu dùng có thể theo dõi những phong cách thời trang, bài trí, nghệ thuật cũng như các hoạt động giải trí đang thịnh hành. Các danh mục kinh doanh được thiết kế bắt mắt cũng giúp mở rộng nhóm khách hàng trên toàn nước Pháp và tại nước ngoài. Chúng phổ biến đến mức góp phần tạo nên biểu tượng thanh lịch của người Paris vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Từ năm 1920, việc thu hút lượng lớn khách hàng quốc tế đến với những bách hóa tổng hợp tại Paris dẫn tới sự xuất hiện của những thông dịch viên, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách.

Các cơ sở sản xuất cũng chú trọng tới việc giảm chi phí sản xuất, tạo ra mức giá cạnh tranh nhất có thể. Không giống như trước đó, giá cả của sản phẩm được điều chỉnh tùy theo đối tượng mua, thì nay đã được niêm yết công khai. Đại đa số người tiêu dùng, người Pháp có mà người nước ngoài cũng có, từ đó có thể dễ dàng tiếp cận được những loại hàng hóa trước đây vốn chỉ dành cho giới thượng lưu.

Sự xuất hiện của những gian hàng bày bán các món đồ dành cho trẻ em ngày càng nhiều trong các cửa hàng bách hóa tổng hợp, cho thấy các gia đình Pháp tại thời điểm đó đã dành sự quan tâm lớn đến nhu cầu của trẻ nhỏ. Không chỉ quần áo, những món đồ chơi giải trí bảo đảm tính giáo dục và khoa học dần ra đời. Đồ chơi ngày càng trở nên quen thuộc trong đời sống của trẻ nhỏ, nhờ quy trình sản xuất hàng loạt, đa dạng và giá thành phải chăng. Không ít đồ chơi được thiết kế dựa theo truyền thống và mô phỏng theo các ngành nghề công việc và sinh hoạt hằng ngày, thí dụ như xe ngựa ba bánh hay chiếc máy may đến từ thương hiệu Singer.

Hài lòng hay được hoàn tiền

Nhu cầu thu hút lượng khách hàng tới cửa hàng bách hóa tổng hợp từng bước được giải quyết bằng việc mở rộng và đa dạng hóa hình thức cung cấp sản phẩm: bán hàng qua thư. Từ năm 1871, hoạt động kinh doanh bán hàng qua thư, gửi phát tận nhà dần nở rộ nhờ sự phát triển của đường sắt và các dịch vụ chuyển phát miễn phí.

Ban đầu, người tiêu dùng tỉnh lẻ phải tới Paris để mua sắm. Sau đó, việc bán hàng và đặt hàng qua thư đã cho phép mở rộng nhóm khách hàng cấp tỉnh. Nhưng chỉ tới khi chuỗi cửa hàng bách hóa tổng hợp khai trương một cách có hệ thống xuống tới thị trấn tỉnh lẻ, người tiêu dùng mới chính thức được tiếp cận với phong cách mua sắm mới.

“Hài lòng hay được hoàn tiền” cũng là chính sách kinh doanh mang tính cách mạng đối với ngành bán lẻ vào thời điểm đó. Người mua hoàn toàn có thể đổi trả hàng hóa nếu không hài lòng hoặc thay đổi ý định. Thay vì buộc phải chấp nhận rủi ro khi mua sắm như trước đây, người tiêu dùng có thể chủ động mua sắm nhiều hơn mà không bị mất tiền nếu chọn phải những sản phẩm không ưng ý. Điều này phản ánh rõ xu hướng tiêu dùng đại chúng thời bấy giờ: sự tiện lợi và trải nghiệm của khách hàng được đặt lên hàng đầu.

Bách hóa tổng hợp- dấu ấn xuyên hai thế kỷ ảnh 2

Cửa hàng bách hóa tổng hợp La Samaritaine.

Có thể nói, bách hóa tổng hợp tại Paris là làn gió mới cho một sự đổi thay toàn diện về mặt quy hoạch đô thị, quản lý nhân sự và phương pháp tiếp thị kinh doanh. Thậm chí, mô hình này có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác như Mỹ, Vương quốc Anh, Bỉ, Italia…

Theo thời gian, những mô hình kinh doanh kiểu mới ra đời. Siêu thị đầu tiên ra mắt công chúng Pháp vào năm 1958, hướng tới những trải nghiệm tiện lợi, tự phục vụ và giá thành thấp hơn cho người tiêu dùng. 11 năm sau đó, trung tâm thương mại đầu tiên mới xuất hiện tại Pháp với không gian rộng mở hơn nhiều so với những cửa hàng bách hóa, nhưng mang theo phong cách sống của văn hóa Mỹ.

Trước những thách thức của các chiến lược kinh doanh cùng nhiều nỗ lực đổi mới, bách hóa tổng hợp ngày nay tự hào khi mang tới cho các khách hàng những trải nghiệm cao cấp và vẫn là một trong những mô hình đổi mới kinh doanh thành công nhất của nước Pháp từ giữa thế kỷ XIX.