Ông đã chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện này trước đây và trong giai đoạn hiện nay.
Thắng lợi của Hội nghị Geneva là kết tinh của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và bền bỉ của nhân dân Việt Nam trong 9 năm trường kỳ kháng chiến mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử; là kết quả của sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các nước XHCN anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Giáo sư nhận định như thế nào về tầm quan trọng của Hiệp định này trong thời điểm đó và vai trò của Liên Xô trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định?
Hiệp định Geneva về Đông Dương đánh dấu giai đoạn quan trọng trong việc chính thức hóa về mặt ngoại giao nhằm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Ngay trong quá trình diễn ra hội nghị, tin tức thất thủ của quân đội viễn chinh Pháp ở pháo đài “bất khả xâm phạm” Điện Biên Phủ đã lan truyền đến các bên đàm phán. Một điểm đáng chú ý là bản thân Hội nghị (26/4-21/7/1954) kéo dài hơn so với trận chiến (13/3-7/5/1954) cho thấy mức độ căng thẳng của cuộc đối đầu ngoại giao. Với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, giành thắng lợi trên chiến trường là vô cùng quan trọng, nhưng mặt khác, bảo vệ lợi ích trên chính trường quốc tế, đạt được hòa bình lâu dài cũng có ý nghĩa không kém.
Thất bại của Pháp mặc dù tại một địa phương có tên Điện Biên Phủ, nhưng gây ra sự choáng váng khắp địa cầu và dẫn đến hiệu ứng domino trên năm cấp độ: chiến thuật, chiến lược, ngoại giao, chính trị và địa chính trị.
Lực lượng kháng chiến bước ra từ vùng rừng núi biên giới đã lần đầu tiên thiết lập quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ đồng bằng rộng lớn. Sau khi ký Hiệp định Geneva vài tháng, đến tháng 10/1954, Pháp mới rút hết 90 nghìn binh sĩ và sĩ quan của lực lượng viễn chinh Pháp ra khỏi miền bắc Việt Nam. Và điều này đã dẫn đến một sự thay đổi địa chính trị quan trọng, đó là sự xuất hiện nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ở tất cả các cấp độ này, trước và sau, bên cạnh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một đồng minh đáng tin cậy, đó là Liên Xô. Chính Moskva vào tháng 4/1954 đã khởi xướng việc đàm phán Hiệp định Geneva và yêu cầu sự tham gia của đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào danh sách đoàn đàm phán. Vào thời điểm đó, hai nước này không phải là thành viên của Liên hợp quốc và các nước phương Tây từ chối ngồi cùng bàn với họ. Đây là thắng lợi quan trọng đầu tiên của phái đoàn Bộ Ngoại giao Liên Xô do đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M.Molotov dẫn đầu. Các nhà ngoại giao Liên Xô tham dự hội nghị nhận chỉ thị từ Moskva về định hướng chung đối với các nội dung chính tại cuộc đàm phán như sau: đạt được sự công nhận của Pháp về chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lào và Campuchia; thỏa thuận đồng ý rút quân đội nước ngoài ra khỏi các nước Đông Dương; thống nhất tổ chức tổng tuyển cử ở các nước Đông Dương. Chính những điều này do các nhà ngoại giao Liên Xô đề xuất, đã được đưa vào văn bản cuối cùng của văn kiện và được thông qua ở Geneva.
Là người có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam và thế giới, xin Giáo sư cho biết ý nghĩa của Hiệp định Geneva trên phương diện quan hệ quốc tế?
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện vô cùng phức tạp đã tìm được phương cách tối ưu để đối phó các thách thức kiểu mới và bảo vệ thành quả của cách mạng.
Việc ký kết Hiệp định Geneva là một chiến lược có tính hệ thống đã được xây dựng trên cơ sở “phải biết xét đoán trước”, vì về mặt chiến thuật kết quả là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, dẫn đến hiệu quả chiến lược - chiến thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, về mặt ngoại giao đó là việc ký kết Hiệp định Geneva, về mặt chính trị - giải phóng miền bắc Việt Nam, về mặt địa chính trị - giai đoạn đầu của quá trình xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử tại Đông Nam Á.
Chính vì vậy, Hiệp định Geneva là một trong những giai đoạn chiến lược quan trọng, đóng vai trò quyết định cho Việt Nam và được ghi bằng chữ vàng vào lịch sử Tổ quốc cùng với tên tuổi của những nhà lãnh đạo lừng danh như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp trên các mặt trận về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao...
Việc ký kết Hiệp định Geneva là một sự kiện lịch sử hết sức quan trọng đã tạo nên hiệu ứng chuỗi các sự kiện, chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở Việt Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và chuẩn bị cơ sở, lực lượng để giải phóng miền nam, thống nhất đất nước Việt Nam.
Việc thống nhất Việt Nam là trường hợp mà một nước châu Á đạt được thành công trong việc chống lại các áp lực từ bên ngoài và những hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch từ bên trong để thống nhất đất nước. Chính vì thế, Việt Nam hiện nay có đầy đủ điều kiện để phát triển một cách năng động, xây dựng đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc, có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Hiện nay trên thế giới, ở một số nơi khi có cuộc chiến nào đó, người ta thường nghiên cứu và so sánh với kinh nghiệm của Việt Nam để tìm ra phương cách tối ưu và áp dụng nó để đạt kết quả trong chính sách nội bộ và đối ngoại của mình.
Tất nhiên Liên Xô trước đây hay nước Nga hiện nay luôn luôn kề vai sát cánh, luôn hết sức giúp đỡ và ủng hộ Việt Nam không chỉ bằng tinh thần, nhân lực, mà còn bằng công nghệ, trang thiết bị quân sự... trong suốt lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động phức tạp, đa chiều như hiện nay, chúng ta có được bài học gì từ sự kiện này, thưa Giáo sư?
Trước hết, theo một trong những binh pháp quan trọng nhất của Tôn Tử như Chủ tịch Hồ Chí Minh biên dịch “biết mình, biết người” luôn luôn nên tìm hiểu và nhớ về đặc điểm của các đối thủ và đối tác trên chính trường quốc tế. Như thế mới dự tính được chính xác cách làm của họ trong tương lai. Như Bác Hồ viết “Nguyên lý thứ nhất - Phải biết xét đoán trước. Trước khi khai chiến, phải biết mình, biết người, biết tình hình thiên thời, địa lợi để định kế hoạch hành động, mới có thể thắng trận được”. Chẳng hạn trong sự kiện này họ đã không tuân thủ các điều khoản thỏa thuận. Các nước phương Tây sau khi ký kết Hiệp định Geneva ngay lập tức vi phạm và bắt đầu xây dựng chế độ mới tại miền nam Việt Nam và cung cấp vũ khí, cố vấn quân sự nhằm đàn áp phong trào giải phóng dân tộc và chia rẽ Việt Nam. Họ đã tìm mọi cách để khiêu khích và bắt đầu cuộc chiến tranh.
Theo Giáo sư mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga hiện nay đã phát huy được truyền thống tốt đẹp của hai nước như thế nào?
Quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga có truyền thống bang giao tốt đẹp và lịch sử hợp tác hữu nghị. Chúng ta không có tranh chấp lãnh thổ, không có mâu thuẫn chính trị và ý thức hệ, không có vấn đề khó giải quyết do lịch sử để lại và về mặt ngoại giao hai nước đã xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên mối quan hệ hai nước vẫn cần tiếp tục phát triển, làm sâu sắc hơn vì kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước còn thấp, sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước đôi lúc bị nhiễu vì cuộc chiến tranh thông tin. Hai nước chúng ta cũng cần tạo điều kiện hơn nữa để nhân dân và giới khoa học có thể thực hiện các dự án khoa học chung. Theo tôi, hiện nay hai nước vẫn có một số vấn đề cần giải quyết để quan hệ hợp tác tiếp tục phát triển một cách thực chất hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!