Belem, từ con tàu buôn đến chiếc thuyền đại sứ

Ngọn đuốc của Thế vận hội Olympic 2024, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, đã chính thức cập bến thành phố cảng Marseille (CH Pháp) ngày 8/5 vừa qua. Chiếc thuyền buồm ba cột Belem 128 năm tuổi, một trong những con tàu cổ nhất thế giới vẫn còn hoạt động, đã đưa ngọn lửa hòa bình vượt hải trình suốt 12 ngày đêm trên biển Ðịa Trung Hải.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn thuyền viên trẻ tuổi đại biểu của nước Pháp trên hành trình đưa ngọn đuốc Thế vận hội vượt Địa Trung Hải. Ảnh | Caisse d’Epargne
Đoàn thuyền viên trẻ tuổi đại biểu của nước Pháp trên hành trình đưa ngọn đuốc Thế vận hội vượt Địa Trung Hải. Ảnh | Caisse d’Epargne

Con thuyền lịch sử

Ngày 8/5 vừa qua, hàng triệu người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới cùng hướng ánh mắt về con tàu Belem, một trong những “đại sứ biểu tượng” của nước Pháp.

Ban tổ chức Thế vận hội Olympic 2024 đã quyết định dùng tàu Belem cho sứ mệnh quan trọng: Mang ngọn đuốc Olympic từ quê hương Hy Lạp, vượt hải trình suốt 12 ngày đêm trên Địa Trung Hải để tới nước Pháp. Tuy nhiên, hành trình lênh đênh sóng nước ấy chẳng là bao so với những gì “đại sứ Belem” đã trải qua trong lịch sử.

Tàu Belem được hạ thủy vào tháng 7 năm 1896 tại Pháp, tức ba tháng sau khi Thế vận hội hiện đại đầu tiên được tổ chức tại Hy Lạp. Thân tàu có chiều dài 58 m, được làm bằng thép và gỗ, mỏng dáng như một chú chim. Lúc này, tàu Belem được sử dụng để chuyên chở hàng hóa giữa Pháp và Brazil, vòng qua quần đảo Antilles thuộc vùng biển Carribea của châu Mỹ.

Trong suốt 18 năm, Belem đã thực hiện 33 cuộc hải trình vượt Đại Tây Dương. Nhưng mấy ai biết, chiếc thuyền nổi tiếng ấy tưởng chừng như đã phải “xếp xó” ngay trong đêm đầu tiên cập bến Belém do Parà (Brazil). Belem bốc cháy, thiêu rụi hoàn toàn 115 con la vốn là món hàng vận chuyển trên chuyến hành trình “vạn sự khởi đầu nan” này.

Thân tàu may mắn vẫn còn. Sau khi được sửa chữa, Belem lại tiếp tục cuộc hành trình với các chuyến hàng thương mại trọng tải lên tới hơn 600 tấn. Câu chuyện về “sự sống sót” của chiếc thuyền Belem vẫn luôn được truyền tai nhau như một phép màu kỳ lạ và minh chứng cho ý chí trường tồn: từ vụ hỏa hoạn trong chuyến hải trình đầu tiên, vụ va chạm tại cảng Saint-Nazaire vào năm 1898, cho tới cuộc tháo chạy khỏi vụ núi lửa Montagne Pelée phun trào ở Martinique vào năm 1902.


Belem, từ con tàu buôn đến chiếc thuyền đại sứ ảnh 1

Con tàu Belem cập bến Marseille tại miền nam nước Pháp trong sự hân hoan chào đón của hàng triệu người hâm mộ thể thao toàn cầu. Ảnh | REUTERS

Tới năm 1914, sự ra đời của những con tàu chở hàng chạy bằng hơi nước đã khiến cho những chiếc thuyền buồm không còn được ưa chuộng như trước, ngoại trừ Belem.

Lịch sử sang trang với chiếc thuyền buồm ba cột này, khi trong năm đó, Lord Hugh Richard Grosvenor, Công tước xứ Westminster, một trong những người giàu nhất Vương quốc Anh thời bấy giờ, đã mua lại con tàu để hoàn thiện bộ sưu tập du thuyền của mình.

Ở tuổi 18, Belem được trang bị động cơ, cải tiến nhiều về hình thức, thiết kế và công năng, trở thành một chiếc du thuyền sang trọng, cùng vốn đầu tư hơn 100.000 bảng Anh, gấp hơn 30 lần giá trị của chính nó. Từ một chiếc thuyền thương mại xuyên Đại Tây Dương, Belem chuyển sang phục vụ giới thượng lưu tại Địa Trung Hải.

Năm 1921, Arthur Ernest Guinness, con trai của người sáng lập nhà máy bia nổi tiếng tại Ireland đã quyết định mua lại Belem và đổi tên thành Fantôme II. Cùng với người chủ mới, Fantôme II thực hiện những chuyến du lịch vòng quanh thế giới.

Năm 1951, một ông trùm trong nền công nghiệp Ý, Vittorio Cini, đã mua Fantôme II cho Quỹ Giorgio Cini của mình và tặng nó cho học viên của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Khi đến Venice, với cái tên mới Giorgio Cini, con tàu được tân trang và cải tạo để trở thành phương tiện đào tạo huấn luyện, có khả năng chứa một số lượng lớn sinh viên. Sau 16 năm hoạt động, Giorgio Cini thực hiện chuyến hành trình cuối cùng của mình vào mùa hè năm 1967. Bị đánh giá là quá cũ nát nên chiếc thuyền buồm ba cột được neo đậu lại tại bến tàu.

Bị bỏ hoang ở Venice suốt mãi tới năm 1976, Giorgio Cini được rao bán. Bác sĩ người Pháp Luc-Oliver Gosse, người có niềm đam mê lớn với những con tàu cổ, đã phát hiện ra thân phận của Belem. Với sự giúp đỡ của một số hiệp hội và ngân hàng Caisses d’Épargne, một thỏa thuận trị giá 3,5 triệu franc (tiền Pháp thời bấy giờ) được ký kết. Tháng 8/1979, Belem rời Venice để quay trở lại cảng Brest (Pháp) trong sự hân hoan của cố hương.

Năm 1984, Belem nhận danh hiệu Di sản lịch sử quốc gia và được chuyển đổi thành tàu huấn luyện cho thủy thủ đoàn, cũng như tiếp đón công chúng tới tham quan trải nghiệm kể từ năm 1987.

Con thuyền đại sứ

Ngày 4/7/1986, Belem tới New York để tham gia lễ kỷ niệm 100 năm Bức tượng Nữ thần Tự do. Đây là món quà người dân Pháp gửi tặng nước Mỹ. Việc một con tàu gần trăm tuổi được lựa chọn đến tham gia lễ kỷ niệm có lẽ cũng không phải sự ngẫu nhiên.

Belem, từ con tàu buôn đến chiếc thuyền đại sứ ảnh 2

Con thuyền Belem rời bến Pirée (Hy Lạp) mang theo ngọn lửa Thế vận hội 2024. Ảnh | AP

Năm 2002, Quỹ Belem được thành lập từ trước đó để duy trì công tác bảo tồn Di sản lịch sử quốc gia đã tổ chức một chuyến vượt biển tưởng niệm đi qua các điểm hải trình của Belem trên Đại Tây Dương. Chiếc thuyền buồm Belem một lần nữa cập cảng Belém do Parà (Brazil). Ngày 8/5/2002, Belem neo tại cảng Saint Pierre thuộc vùng biển của Martinique để kỷ niệm 100 năm vụ núi lửa Montagne Pelée phun trào. Năm 2008, chiếc thuyền buồm ba cột đại diện cho Pháp trong Lễ kỷ niệm 400 năm thành lập Thành phố Quebec (Canada).

Năm 2012, Belem tiếp tục đại diện cho quê nhà tới dự Lễ kỷ niệm kim cương của Nữ hoàng Elizabeth II và Thế vận hội Olympic tại London. Năm 2014, Belem tìm về “chốn xưa” Venice để kỷ niệm với người chủ cũ, bá tước Vittorio Cini.

Và năm 2024, như một biểu tượng của sự kiên cường, cũng giống như Thế vận hội vẫn đứng vững trước thử thách của thời gian, Belem được lựa chọn để rước ngọn đuốc Olympic, biểu tượng của hòa bình, hữu nghị và đoàn kết giữa các dân tộc.

Chiếc thuyền buồm lịch sử Belem, niềm tự hào của ngành hàng hải Pháp, một lần nữa trở thành cầu nối từ quá khứ, hiện tại, hướng tới tương lai, mang theo những giá trị khát vọng khám phá và hòa bình theo đúng tinh thần Thế vận hội.