Cuốn “Từ điển Xuất bản Việt Nam” đã được hai tác giả dày công nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng trong thời gian dài, đúc kết từ những tích lũy tri thức và kinh nghiệm nhiều năm gắn bó trong lĩnh vực xuất bản, có sự tham khảo, tiếp thu chọn lọc từ các tài liệu cùng những từ điển tương tự đã có trước đó ở trong nước và ngoài nước cũng như các lĩnh vực liên quan.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, xuất bản (in và phát hành) là đối tượng nghiên cứu chuyên môn, có quy luật và đặc điểm phát triển riêng với nhiều vấn đề cần soi rọi của khoa học, trong đó có các vấn đề cần xác định về hệ thống khái niệm, ranh giới và sự giao thoa giữa trường khái niệm xuất bản với các khái niệm thuộc lĩnh vực liên quan như báo chí, in ấn, phát hành, nhất là vấn đề sáng tạo, thống nhất và chuẩn hóa hệ thống khái niệm và hệ thống thuật ngữ xuất bản bằng tiếng Việt, hướng tới việc xây dựng và chuẩn hóa hệ thống thuật ngữ ngành thông tin và truyền thông của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của xuất bản (in và phát hành) trong thời đại biến đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin, tiếp cận sự phát triển của xuất bản thế giới, bên cạnh các khái niệm, thuật ngữ xuất bản truyền thống, đã nảy sinh những khái niệm, từ ngữ, thuật ngữ mới liên quan các vấn đề tổ chức, quản lý xuất bản, số hóa xuất bản, xuất bản điện tử...
Đây cũng là cơ sở cần có để ra đời “Từ điển Xuất bản Việt Nam”, cập nhật thông tin, hệ thống hóa, chuẩn hóa và là công cụ giúp tra cứu, sử dụng chính xác, khoa học các khái niệm, từ ngữ, thuật ngữ xuất bản, nhất là với những thuật ngữ mới sử dụng trong tiếng Việt trên cơ sở nội dung khái niệm được phản ánh trong các thuật ngữ nước ngoài.
Cuốn “Từ điển Xuất bản Việt Nam” dày 452 trang, bao gồm ba phần nội dung chính. Phần một là các mục từ được trình bày tuần tự theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt bao gồm hơn 550 từ hoặc cụm từ là các thuật ngữ thể hiện các nội dung chuyên ngành xuất bản.
Phần hai là bảng đối chiếu thuật ngữ xuất bản Việt-Anh cũng theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt với khoảng 2.350 từ và thuật ngữ xuất bản, nhằm mục đích thống nhất trong sử dụng cùng phần bảng tra cứu mục từ và tài liệu tham khảo.
Những khái niệm, từ ngữ, thuật ngữ xuất bản (in và phát hành) trong cuốn từ điển được chắt lọc, thường sử dụng trong chuyên môn, được giải nghĩa ngắn gọn, chính xác, qua đó bước đầu thống nhất các thuật ngữ và cách hiểu các khái niệm xuất bản trong các văn bản chuyên môn cũng như trong giao tiếp nghề nghiệp hằng ngày.
Cuốn sách đã cho thấy tâm huyết và quá trình làm việc công phu, kiên trì của hai tác giả, đòi hỏi những nghiên cứu chuyên sâu, bởi làm từ điển về một lĩnh vực như xuất bản khi hệ thống khái niệm, thuật ngữ chưa ổn định, chưa thống nhất, chưa chuẩn hóa là một công việc rất khó khăn, nhất là việc xử lý các thuật ngữ đồng nghĩa khi lập bảng từ hoặc định nghĩa và giải thích các thuật ngữ gần nghĩa lại càng không đơn giản.
Theo các tác giả, hệ thống khái niệm của riêng lĩnh vực xuất bản và ranh giới hay chỗ giao thoa giữa hệ khái niệm khoa học xuất bản với ngành in và phát hành, báo chí còn cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, có như vậy mới có thể phân biệt, sử dụng chính xác trong hoạt động chuyên môn ở từng lĩnh vực, thậm chí xác định đúng hơn tên gọi và cả cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý về xuất bản.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng cho biết: Cuốn “Từ điển Xuất bản Việt Nam” được nghiên cứu biên soạn theo hướng mở, có thể chưa đầy đủ và như một dạng sơ thảo để tiếp tục bổ sung dày dặn, đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cuốn sách thật sự hữu ích đối với các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản (in và phát hành) trong các hoạt động chuyên môn.