Cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm ma túy

Những năm qua, do tác động của tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực “Tam giác vàng”, tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và còn tiềm ẩn, đòi hỏi công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy cần được tiếp tục tăng cường và thực hiện quyết liệt.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm ma túy

Bài 1: Thủ đoạn mới của tội phạm ma túy

Thời gian gần đây, lợi dụng chính sách phát triển kinh tế hội nhập sâu rộng của Đảng, Nhà nước, cùng với yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, các đối tượng thuê các công ty logistics làm thủ tục hải quan điện tử để cất giấu ma túy vào các kiện hàng hóa, vận chuyển về Việt Nam càng làm cho tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua tuyến đường biển, hàng không, bưu điện có xu hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ.

Các đối tượng phạm tội ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động, có sự câu kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế. Chúng lợi dụng triệt để sự thông thoáng trong chính sách hải quan và những sơ hở, thiếu sót trong công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng tại các sân bay, cảng biển, đường bưu điện để điều hành và vận chuyển trái phép chất ma túy từ các trung tâm sản xuất ma túy qua Việt Nam đi nước thứ ba tiêu thụ. Các đối tượng chủ mưu cầm đầu không trực tiếp vận chuyển ma túy mà điều hành, chia nhỏ các công đoạn, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn hay hoàn cảnh éo le của những phụ nữ để vận chuyển ma túy.

Tội phạm của các loại tội phạm

Trên tuyến hàng không, tội phạm là những đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, móc nối, hình thành các đường dây có tổ chức chặt chẽ giữa đối tượng trong nước và nước ngoài để mua bán, vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Các đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, cầm đầu các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế là những đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), các đối tượng gốc Phi cấu kết với các đối tượng ở các trung tâm ma túy Tam giác vàng, Lưỡi liềm vàng, Nam Mỹ hình thành các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy về Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ma túy vận chuyển qua đường hàng không được ngụy trang, bọc giấy bạc, giấu trong va-ly hai đáy, thành va-ly, giày dép, các hộp thực phẩm, mỹ phẩm, trà, cà-phê, thiết bị âm thanh, điện tử hoặc pha lỏng, chất sệt, thấm vào lớp lót va-ly, khăn tắm… tránh sự kiểm tra phát hiện của cơ quan chức năng. Một số vụ, ma túy được nuốt, nhét trong cơ thể, tập trung chủ yếu trên các tuyến từ Việt Nam sang Australia. Tại một số vụ bắt giữ gần đây, các chất ma túy chủ yếu là ma túy tổng hợp (MDMA) được dát mỏng cho vào giữa thành đáy va-ly, khi đi qua máy soi chiếu khó phát hiện, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, hải quan phải kiểm tra thủ công mới phát hiện được.

Theo nhận định của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), thời gian gần đây, tình hình vận chuyển ma túy qua đường hàng không có xu hướng giảm. Tội phạm ma túy chuyển hướng buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường biển có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Heroin, ketamine và ma túy dạng đá từ khu vực Tam giác vàng vận chuyển qua đường bộ vào Việt Nam được ngụy trang trong các container đóng hàng hạt nhựa, loa thùng, thiết bị điện tử, máy cẩu từ tính, máy ép bao bì, đá granit... xuất đi Philippines, Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc), Australia, Hàn Quốc.

Trong khi đó, cocaine lại thường được cất giấu trong các container sắt thép phế liệu, bột cá chế biến, thức ăn thủy sản nhập khẩu vào các cảng biển Việt Nam rồi đi nước khác. Ma túy đá được đóng trong các túi trà với khối lượng 1kg/gói, ketamine được cất giấu trong các trục ru-lô của máy ép bao bì...

Các vụ việc vận chuyển ma túy bằng đường biển chủ yếu do các tổ chức tội phạm người Trung Quốc, Đài Loan cấu kết với người Việt Nam, Lào, Philippines mở các công ty bình phong xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam. Tội phạm sẽ thuê người Việt Nam, người Lào thực hiện các cung đoạn vận chuyển, làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa thông thường bằng đường biển đi các nước. Một số vụ, tội phạm thả ma túy, sau đó gắn định vị, lợi dụng hướng gió, nước chảy, cung cấp thông tin cho các đối tượng trên bờ đi các phương tiện ra vớt…

Còn trên tuyến đường bưu điện, chủ yếu ma túy tổng hợp dạng viên (thường gọi là thuốc lắc) được các đối tượng ở châu Âu đóng gói dưới dạng các thùng sữa, thuốc, thực phẩm chức năng gửi về Việt Nam. Với loại hình vận chuyển này, cả người vận chuyển và giao hàng đều là nhân viên bưu điện. Khi người nhận hàng có ma túy bị bắt sẽ từ chối nhận với lý do không biết bên trong có ma túy, gây khó khăn cho công tác điều tra. Theo báo cáo của C04, kết quả đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không, bưu điện cả nước 6 tháng đầu năm 2023 là 46 vụ, bắt giữ 20 đối tượng. Thu giữ hơn 100,2kg cần sa; 7,65kg methamphetamin; gần 102kg ketamine; gần 20,5kg cocaine; 442,5kg MDMA; 5,3kg heroin...

“Buôn” ma túy thời công nghệ 4.0

Cục trưởng C04, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết: Do siêu lợi nhuận từ việc mua bán ma túy, tội phạm ma túy có điều kiện trang bị những thiết bị công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội. Chúng triệt để lợi dụng công nghệ, liên tục có những thủ đoạn, thay đổi phương thức mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp. Tội phạm ma túy ngày càng có xu hướng cấu kết chặt chẽ trong từng khâu nhưng triệt để sử dụng thủ đoạn “ngắt đoạn” trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý triệt để.

Các ông trùm, bà trùm ma túy cư trú ở trong nước hay nước ngoài thường núp dưới danh nghĩa hoạt động kinh doanh để chỉ đạo toàn bộ đường dây, vì thế rất khó để phát hiện, bắt giữ. Bà trùm ma túy Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh Hà) là thí dụ điển hình trong sử dụng công nghệ 4.0 điều hành toàn bộ đường dây phạm tội ma túy hoạt động từ nước ngoài về Việt Nam và cả đi nước thứ 3 tiêu thụ. Công nghệ 4.0 được các ông, bà trùm sử dụng là hệ thống các mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, Zalo, Instagram, Viber, Telegram, Whatsapp, Line, Wechat, Signal...

Một số vụ án vận chuyển ma túy bằng đường hàng không được phá gần đây cho thấy, tội phạm “ngồi” tại châu Âu điều hành đường dây đi khắp thế giới. Một số đối tượng ở khu vực Nam Mỹ như Brazil, Argentina điều khiển các đường dây vận chuyển cocaine. Bọn chúng thường sử dụng sim số điện thoại của nước ngoài như Anh, Mỹ, Campuchia... để kết nối toàn cầu. Các đối tượng dùng tên giả, cải trang hoặc bịt mặt khi trực tiếp sử dụng videocall chỉ đạo “đàn em” hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy. Mỗi đối tượng quan trọng trong đường dây, tổ chức đều được đặt một biệt danh để tránh cơ quan chức năng tìm, nhận dạng khi bị phát hiện. Với thủ đoạn này, hầu như hoạt động của bọn chúng không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc rất khó để áp dụng biện pháp nghiệp vụ đối với các hoạt động này. Ngoài ra, tội phạm ma túy còn sử dụng “xe ôm công nghệ” để nhận và vận chuyển ma túy trong nước; sử dụng các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia được cất giấu trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa pp, dạ dày lợn...

Khi bị bắt, đối tượng cầm đầu, chủ mưu luôn tìm mọi cách để tạo bằng chứng “ngoại phạm” chối tội khi bị bắt giữ hoặc lợi dụng những “sơ hở” của pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra như giả tâm thần, khai báo không thành khẩn, quanh co, “nhỏ giọt”, thông cung, thậm chí tự sát.

Cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm ma túy ảnh 1

Công an Hà Tĩnh phối hợp Bộ đội Biên phòng triệt phá một đường dây vận chuyển trái phép ma túy, thu giữ lượng ma túy trị giá khoảng 6 tỷ đồng.

(Còn nữa)