Những người biểu tình phản đối việc đề cử ông Mohammed Shia' al-Sudani vào vị trí Thủ tướng quốc gia Vùng Vịnh này.
Trước đó một ngày, những người ủng hộ giáo sĩ Moqtada al-Sadr đã xông vào tòa nhà Quốc hội và bắt đầu cuộc biểu tình ngồi tại đây. Các lực lượng an ninh Iraq đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán những người biểu tình. Trước đó, ngày 27/7, hàng trăm người ủng hộ ông al-Sadr cũng xông vào trụ sở Quốc hội, sau khi nhóm liên minh các đảng Hồi giáo dòng Shiite trong Quốc hội đề cử ông al-Sudani vào vị trí Thủ tướng.
Bộ Y tế Iraq cho biết ít nhất 100 người biểu tình và 25 nhân viên an ninh đã bị thương trong các vụ đụng độ.
Các cuộc biểu tình hiện nay là thách thức mới nhất đối với quốc gia giàu dầu mỏ này. Iraq vốn vẫn đang chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế - xã hội dù giá năng lượng toàn cầu tăng vọt.
Cùng ngày 31/7, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) lo ngại về cuộc biểu tình ở thủ đô Baghdad của Iraq. Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên kiềm chế để ngăn chặn tình trạng bạo lực tiếp diễn, đồng thời hối thúc tất cả các lực lượng chính trị ở Iraq tiến hành "đối thoại chính trị mang tính xây dựng" để xoa dịu căng thẳng.
Trước đó, ngày 30/7, Phái bộ Liên hợp quốc hỗ trợ Iraq (UNAMI) và Liên đoàn Arab (AL) đã kêu gọi chấm dứt tình trạng leo thang tại Iraq.
Trong cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, chính đảng của ông al-Sadr đã giành được nhiều ghế nhất, với 73/329 ghế tại Quốc hội Iraq. Trong những tháng qua, căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite đã khiến Iraq không thể thành lập chính phủ mới, do Quốc hội không thể bầu tổng thống mới với đa số 2/3 số phiếu cần thiết theo Hiến pháp. Hiện toàn bộ các nghị sĩ thuộc đảng của ông al-Sadr đã rút khỏi Quốc hội.
Nếu được bầu, Tổng thống mới sẽ chỉ định Thủ tướng được liên minh lớn nhất trong Quốc hội đề cử để thành lập một chính phủ mới trong nhiệm kì 4 năm tới.