Cải thiện an toàn vệ sinh lao động

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng toàn thể người lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Công nhân Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất trong giờ làm việc. (Ảnh: DUY LINH)
Công nhân Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất trong giờ làm việc. (Ảnh: DUY LINH)

So với năm 2020, tình hình tai nạn lao động năm 2021 giảm ở tất cả các chỉ số, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Điều kiện lao động cũng được cải thiện đáng kể. Phong trào thi đua bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống dịch phát triển mạnh. Cụ thể, tai nạn lao động chết người giảm 18,5% số vụ, giảm 19,63% số người chết. Số người bị tai nạn lao động nặng giảm 21,71%. Đây là năm thứ ba liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.

Tỷ lệ mẫu quan trắc môi trường không đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn lao động chiếm 5,56%, giảm 0,25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn tồn tại một số vấn đề: số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao, đáng lo ngại. Năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 6,5 nghìn vụ tai nạn lao động, làm hơn 6,6 nghìn người bị nạn, hơn 780 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động, thiệt hại tài sản gần bốn nghìn tỷ đồng. Số người được giám định bệnh nghề nghiệp còn quá ít.

Các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang gặp những khó khăn do dịch bệnh, việc khôi phục, mở cửa lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn vệ sinh lao động sẽ gia tăng. Việc cam kết thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế bao gồm các công ước về an toàn vệ sinh lao động đang trở thành một xu thế tất yếu, đòi hỏi các cấp chính quyền phải thật sự quan tâm thực hiện quyết liệt vì người lao động.

Để Tháng An toàn vệ sinh lao động trở nên thực chất, hướng về người lao động, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Hiện nay, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là nguồn tài chính hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động và thân nhân của họ.

Tuy nhiên, quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động về mức hỗ trợ còn ở mức độ thấp, do vậy cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật theo hướng nâng mức hỗ trợ người bị tai nạn lao động và thân nhân của họ. Các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cần tiếp tục rà soát, cải thiện nhằm tăng số người được giám định bệnh nghề nghiệp.

Sự tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các bên có liên quan đóng vai trò quan trọng góp phần giải quyết những thách thức về kinh tế, xã hội và lao động do đại dịch Covid-19 gây ra, tạo nền móng cho sự khôi phục bền vững, an toàn ở Việt Nam. Các bên cần phối hợp, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp; tiếp tục vận động thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động cấp tỉnh ở những tỉnh, thành phố chưa có.

Có một thực tế là, các công ước quốc tế và công ước về an toàn vệ sinh lao động vẫn là những khái niệm xa lạ với người lao động, người sử dụng lao động. Do đó, cần đẩy mạnh, đổi mới cách tiếp cận và hình thức tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao động một cách sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực thi của các đối tượng chịu sự tác động của các công ước này, trong bối cảnh Việt Nam cam kết tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do ■

PHÚC QUÂN