Tại các xã ở một số tỉnh vùng núi phía bắc, nhiệt độ nhiều ngày dưới 50C, kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao; thức ăn thô xanh thiếu. Đây cũng là thời gian người chăn nuôi hay buông lỏng công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc; không che chắn chuồng trại; không dự trữ thức ăn lâu dài; không nhốt đàn gia súc khi thời tiết giá rét, không giữ khô sạch chuồng trại. Một số địa phương cũng chưa thật sự tích cực và quyết liệt chỉ đạo phòng, chống đói, chống rét cho gia súc, gia cầm. Một số hộ nghèo không đủ kinh tế để củng cố chuồng trại, xử lý phân chuồng và dự trữ thức ăn cho gia súc; chưa xem con trâu, bò là tài sản quý giá của gia đình. Mặt khác, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao (hơn 80%), trình độ kỹ thuật chăn nuôi, kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường của nông hộ vẫn hạn chế...
Theo dự báo, vụ đông xuân năm 2021-2022 có thể xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nguy cơ đàn vật nuôi bị chết do đói, rét rất dễ xảy ra. Các chuyên gia cho rằng, để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, người chăn nuôi cần chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi kịp thời, giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 130C. Các hộ chăn nuôi cần dự trữ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh cho gia súc và tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Đồng thời các địa phương cần triển khai cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi... để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.
Vận động người dân thực hiện 3 không, 3 có trong chăn nuôi (3 không: Không thả rông, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không giấu dịch; 3 có: Có chuồng trại, có xử lý chất thải trong chăn nuôi, có tiêm phòng cho gia súc). Không chủ quan, lơ là trong chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi trước, trong và sau rét đậm, rét hại. Sau khi kết thúc từng đợt rét cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại, cho trâu bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi, phòng, chống bùng phát dịch bệnh. Có phương án chủ động về con giống để sẵn sàng thay thế khi gia súc bị chết, sản xuất lại ngay sau khi thiệt hại do rét đậm, rét hại. Đồng thời cần tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông cơ sở về công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Tổ chức các lớp tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Xây dựng các mô hình chăn nuôi trình diễn áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, chế biến thức ăn cho gia súc nhai lại và xây dựng chuồng trại chống rét cho gia súc...