Kế hoạch đầu tư cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu, vốn được đưa ra trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden. Theo giới quan sát, việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về kế hoạch này có thể được xem là một thành tích đáng ghi nhận của Tổng thống Biden trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đồng thời góp phần củng cố vai trò “đầu tàu” của nước Mỹ trong việc đối phó những thách thức liên quan biến đổi khí hậu toàn cầu.
Dự kiến, dự luật nêu trên với kế hoạch chi tiêu có tổng giá trị lên tới 430 tỷ USD sẽ sớm được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện trước khi Tổng thống Biden ký ban hành thành luật. Ðáng chú ý, trong kế hoạch này, nước Mỹ sẽ dành 370 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch và các sáng kiến liên quan khí hậu nhằm giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Trong bối cảnh còn chưa đầy 100 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng, ông Biden-người cần có một chiến thắng chính trị-đã thúc giục Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt dự luật vốn được coi là phiên bản rút gọn của cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông về việc sẽ hành động cứng rắn đối với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế để cắt giảm 50% lượng khí gây ô nhiễm môi trường vào năm 2030 và tiến tới sử dụng 100% năng lượng sạch vào năm 2035.
Cuộc khủng hoảng khí hậu tác động mạnh tới cuộc sống của người dân Mỹ, khiến họ đứng trước hàng loạt nguy cơ do thời tiết cực đoan. Mỹ đã ghi nhận các đợt nắng nóng kỷ lục mùa hè qua, với gần 30% số dân phải đối mặt mức nhiệt độ cao, thậm chí lên đến 46oC như tại khu vực Ðại Bình nguyên (Great Plains). Các thành phố khác ở bờ Ðông lẫn bờ Tây đều ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Một phân tích mới đây chỉ ra rằng, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tại 16 thành phố ở Mỹ có nguy cơ chạm ngưỡng nhiệt độ ghi nhận tại một số nơi thuộc khu vực Trung Ðông.
Nhận định biến đổi khí hậu là mối nguy hiểm hiện hữu đối với nước Mỹ và thế giới, đồng thời cho đây là “một trường hợp khẩn cấp”, Tổng thống Joe Biden đã công bố loạt biện pháp hành chính nhằm đối phó tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch khí hậu của chính phủ, vốn gặp trở ngại ở Quốc hội và Tòa án Tối cao.
Ông nêu rõ, biến đổi khí hậu đẩy sức khỏe của người dân Mỹ cũng như an ninh quốc gia và nền kinh tế vào nguy hiểm, do vậy nước Mỹ cần hành động nhanh chóng. Một trong số hành động đó, theo ông Biden, là việc chính phủ sẽ đầu tư 2,3 tỷ USD hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm ứng phó thiên tai tại các địa phương. Nguồn kinh phí này có thể giúp mở rộng kiểm soát lũ lụt, nâng cấp các tiện ích và giúp các gia đình có thu nhập thấp thanh toán chi phí sưởi ấm và làm mát. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng chủ trương thúc đẩy dự án xây dựng các trung tâm làm mát và dự án điện gió ngoài khơi vịnh Mexico.
Tuy nhiên, những kế hoạch khí hậu của Tổng thống Biden đã vấp phải một số trở ngại lớn, trong đó có việc Quốc hội Mỹ không thông qua các biện pháp khí hậu quan trọng và năng lượng sạch trong dự luật ngân sách liên bang, cũng như cuộc xung đột tại Ukraine làm gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu.
Các nhà lập pháp đảng Dân chủ và các nhà hoạt động môi trường muốn Tổng thống Biden chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu để kích hoạt Ðạo luật sản xuất quốc phòng nhằm tăng cường sản xuất nhiều loại sản phẩm và hệ thống năng lượng tái tạo. Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết hạn chế việc chính quyền liên bang ban hành các quy định nhằm giảm khí phát thải từ các nhà máy điện.
Tổng thống Biden đã nâng cao các tham vọng của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất và nước phát thải khí lớn thứ hai thế giới, trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Với quyết tâm thực hiện các cam kết, Tổng thống Biden khẳng định, dù có hay không có sự ủng hộ của một số nhà lập pháp Mỹ, ông sẽ sử dụng quyền hành chính để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu. Bởi thế, việc có được sự ủng hộ của Thượng viện đối với dự luật liên quan biến đổi khí hậu là bước đầu quan trọng tạo thuận lợi cho Tổng thống Biden thực thi các cam kết đầy tham vọng của mình.