Chúng tôi đến xã Vân Tảo (huyện Thường Tín, Hà Nội) vào những ngày cuối năm 2022. Dọc con đường khang trang vào trung tâm xã, không khí rộn ràng hơn khi người, xe tấp nập ra, vào các vườn đào nở rực rỡ để thưởng ngoạn, mua về chơi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Càng vui hơn khi năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của xã đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Chủ động nắm bắt, tập trung xử lý
Để có được kết quả ấy là sự nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã. Bởi chỉ cách đây ít năm, do công tác quản lý đất đai bị buông lỏng, việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng xây dựng một số dự án tại Vân Tảo chưa được thực hiện theo quy định, dẫn đến đơn, thư vượt cấp; thường xuyên tập trung đông người ở cổng trụ sở các cơ quan của huyện và thành phố, gây mất ổn định tình hình.
Đây chính là yếu tố làm ảnh hưởng đến tâm lý, suy giảm sức chiến đấu của đảng viên, khiến năm 2017, Đảng bộ xã bị xếp loại đảng bộ yếu kém và nằm trong diện "cần được theo dõi" của thành phố. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vân Tảo Nguyễn Thanh Liêm, trong tình hình ấy, nhiều giải pháp trong thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU đã được thực thi, từ tăng cường tuyên truyền, coi trọng việc thực hiện quy chế dân chủ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân.
Những ý kiến đóng góp phê bình đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cũng giúp kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm… Từ khi giải quyết được các vấn đề đặt ra, trên địa bàn Vân Tảo không còn điểm nóng về trật tự xã hội, nhờ đó xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân năm 2022 đạt 67 triệu đồng/người, tăng 26 triệu đồng so với năm 2018.
Tại quận Hai Bà Trưng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Trần Quyết Thắng cho biết, quận không còn vụ việc phức tạp, tồn đọng diện Ban Chỉ đạo của Thành ủy theo dõi nhờ công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội vào cuộc với cách làm đổi mới.
Như ở phường Đồng Tâm, nơi có dự án giải phóng mặt bằng xây đường Vành đai 2 đi qua địa bàn, dù khối lượng giải phóng mặt bằng lớn với hơn 100 hộ có diện tích phải thu hồi, Đảng ủy và cả hệ thống chính trị chủ động nắm bắt nguyện vọng nhân dân về chính sách bồi thường, tái định cư; tổ dân phố phối hợp ban công tác mặt trận, chi hội đoàn thể tích cực tuyên truyền; các tổ chức đoàn thể có lực lượng xung kích hỗ trợ gia đình khó khăn trong di dời, tái định cư, bảo đảm tiến độ dự án.
Những kết quả này có được là nhờ các cấp ủy đã thực hiện hiệu quả các mục tiêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Thời điểm đó, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn thành phố có nhiều vụ việc phức tạp ở các mức độ khác nhau ở hơn 100 xã, phường, thị trấn cần được quan tâm, giải quyết.
Phần lớn vụ việc phức tạp liên quan ba lĩnh vực là quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng. Các giải pháp quyết liệt để đưa Nghị quyết vào cuộc sống đã được thực thi. Ban Chỉ đạo cấp thành phố họp định kỳ, liên tục đôn đốc việc triển khai. Hệ thống chính trị các quận, huyện vào cuộc tích cực với các giải pháp bài bản, có chiều sâu, tạo sự chuyển biến rõ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên.
Tạo đồng thuận từ cơ sở
Theo Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng, thực tế cho thấy trong việc củng cố tổ chức cơ sở đảng quan trọng nhất là công tác cán bộ. Do đó, huyện đã xác định thực hiện luân chuyển, đánh giá cán bộ là công việc thường xuyên, không cần chờ hết nhiệm kỳ. Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ, đối với các tổ chức cơ sở đảng có vấn đề cần quan tâm, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy về dự sinh hoạt định kỳ cùng các chi bộ để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết vướng mắc.
Đáng chú ý, trong 5 năm qua, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 826 hội nghị tiếp xúc, đối thoại đột xuất với 34.525 lượt người tham gia và 96,63% số ý kiến đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời. Việc tổ chức các hội nghị đối thoại đột xuất thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chính quyền trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo chính xác tình hình, nhất là xác định trước các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp để đối thoại, tháo gỡ, không phát sinh "điểm nóng".
Công tác kiểm tra cũng được đẩy mạnh. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 615 tổ chức đảng và 1.851 đảng viên, kết luận 388 tổ chức đảng (chiếm 63%) và 1.374 đảng viên (chiếm 74%) có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 25 tổ chức đảng và 824 đảng viên. Những kết quả này góp phần vào hiệu quả của việc 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Đảng bộ thành phố đã củng cố được 251/277 tổ chức cơ sở đảng trong danh sách Ban Chỉ đạo thành phố theo dõi và 90/102 tổ chức cơ sở đảng diện Ban Chỉ đạo cấp huyện theo dõi.
Dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng Thành ủy Hà Nội thừa nhận vẫn còn có địa bàn giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài chưa đạt kết quả mong muốn, tiến độ chậm. Một số vụ việc đã giải quyết, tổ chức cơ sở đảng đã củng cố nhưng chưa vững chắc. Vẫn còn cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư dẫn đến vướng mắc kéo dài.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Đông cho rằng, thực tế cho thấy, có khoảng 70% số vụ việc khiếu kiện kéo dài và phức tạp của thành phố liên quan đất đai, nhất là khi phải thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện chính sách này, các đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu; đồng thời, lãnh đạo các địa phương cần lắng nghe, quan tâm giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ đầu để tránh diễn biến phức tạp.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các địa phương cần chú trọng giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ ban đầu và phải giải quyết triệt để, không để tồn tại kéo dài. Trong đó, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố cần sớm rà soát lại những bất cập, khó khăn, vướng mắc liên quan các sở, ngành của thành phố về vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng.
Công tác điều động, luân chuyển, quy hoạch và bố trí cán bộ của các địa phương cũng cần gắn với thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU để tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở, phát huy được vai trò của người đứng đầu cấp ủy, từ đó "kéo" cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo sự ổn định, đồng thuận ngay từ cơ sở.