Củng cố hành lang pháp lý cho công tác “chống chuyển giá”

NDO -

NDĐT- Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được mong đợi sẽ bổ sung những nội dung cần thiết, luật hoá một số nguyên tắc cơ bản nhằm tăng cường quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác “chống chuyển giá”. Tại kỳ họp lần này, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được đưa ra xin ý kiến trước Quốc hội.

Ngày 8-11, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi)
Ngày 8-11, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi)

Hoạt động “chuyển giá” là hoạt động phổ biến xảy ra ở mọi quốc gia, không phân biệt quy mô và trình độ phát triển. Hoạt động chuyển giá xuất hiện trong các hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia và cả những tập đoàn, doanh nghiệp trong nước. Chuyển giá là xu thế tất yếu, được các doanh nghiệp thực hiện bằng cách “thay đổi giá trị trao đổi hàng hoá - dịch vụ trong các quan hệ liên kết nhằm tối thiểu hoá tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết”.

Chuyển giá gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra những “giá trị ảo” gây thiệt hại cho doanh nghiệp, là tác nhân dẫn đến tình trạng “nhập siêu”, mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế.

Cho đến nay, chuyển giá và chống chuyển giá ở nước ta vẫn là “vấn đề mới”. Tình hình chuyển giá vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp, nguyên nhân là do cách thức thực hiện của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp FDI nói riêng ngày càng tinh vi. Thực trạng này gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN, tạo ra nhiều tiêu cực trong môi trường kinh doanh, đi ngược lại với chủ trương về thu hút đầu tư của nước ta.

Chuyển giá tại khu vực FDI có chiều hướng gia tăng phức tạp

Tính đến cuối tháng 12-2017, cả nước có gần 25 nghìn dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký lên đến gần 320 tỷ USD ở 19/21 ngành. Trong đó, vốn thực hiện ước đạt hơn 170 tỷ USD. Hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội ở nước ta, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nước ta.

Khu vực FDI ở nước ta tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, giúp nước ta tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến và góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế; thúc đẩy cải cách doanh nghiệp trong nước; đổi mới thủ tục hành chính; quảng bá thương hiệu quốc gia, từng bước nâng cao “thế và lực” của nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, một trong những hạn chế nổi bật của khu vực kinh tế FDI ở nước ta là hiện tượng chuyển giá!

Để tối đa hoá lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp FDI thường thực hiện các hành vi chuyển giá thông qua nhiều hình thức, gây thất thu lớn đối với NSNN và thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước, tác động tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế nước ta.

Thực tế thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, tỷ suất lợi nhuận thấp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở nước ta. Giai đoạn 2015-2017, có đến 50% doanh nghiệp FDI đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2017, có đến 37,9% doanh nghiệp FDI ở nước ta báo lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trái ngược với tình hình thua lỗ kéo dài, các doanh nghiệp này lại mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động, thể hiện rõ xu hướng tăng trưởng về doanh thu.

Điển hình là trường hợp của hai công ty là Coca-cola Việt Nam và Pepsi Việt Nam, tuy báo lỗ liên tục trong vòng 20 năm kể từ khi hoạt động, nhưng thay vì thu hẹp quy mô thì cả hai công ty này đều liên tiếp đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Điều này đặt ra nghi vấn về chuyển giá, nhưng bằng chứng để chứng minh lại rất yếu!

Các số liệu thống kê cho thấy, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp FDI ở nước ta luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn 2012-2016. Tốc độ tăng trưởng doanh thu tăng từ 21,2% (năm 2014-2015) lên mức 21,7% (năm 2015-2016). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 9,8% năm 2012 lên đến 16,3% năm 2016. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, khả năng sinh lời của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong giai đoạn 2012-2016 là rất khả quan.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các doanh nghiệp báo lỗ và các doanh nghiệp lỗ lũy kế nhưng lại mở rộng quy mô đầu tư và hoạt động tăng cao hơn về số lượng, so với các doanh nghiệp báo lỗ và lỗ lũy kế. Tình trạng này cho thấy, hiện tượng chuyển giá của khu vực FDI ở nước ta đang ngày càng gia tăng và đang diễn biến phức tạp.

Nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá

Để hạn chế những tác động tiêu cực của chuyển giá, chống thất thu NSNN, chúng ta cần tăng cường công tác đấu tranh chống chuyển giá và nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình xây dựng hành lang pháp lý về giá chuyển nhượng, chống chuyển giá vẫn đang được “tiếp tục triển khai ... vì chưa hoàn thiện”.

Trên thực tế, hệ thống văn bản ở nước ta hiện nay quy định về chuyển giá và chống chuyển giá còn chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng. Cụ thể, trong Luật Quản lý Thuế hiện hành (luật hiện hành) chỉ mới có một điểm duy nhất có thể vận dụng làm cơ sở pháp lý để đấu tranh chống chuyển giá. Theo đó, luật hiện hành cho phép cơ quan thuế áp dụng phương pháp “ấn định thuế trong trường hợp mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường”.

Trong khi đó, việc xác định được theo giá thị trường là rất khó khăn đối với cơ quan thuế, vì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện việc xác định giá thị trường. Yêu cầu đặt ra trong việc xác định giá thị trường thông thường là phải có thông tin; đòi hỏi các chuyên gia phải phân tích theo từng ngành nghề, lĩnh vực, đôi khi phải mua hoặc trao đổi thông tin với phía nước ngoài. Điều này dẫn đến hạn chế của cơ quan thuế trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây thêm khó khăn trong quá trình thực hiện công tác chống chuyển giá.

Ngoài ra, cần phải có các biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chống chuyển giá, trốn lậu thuế, và cần phải được quy định rõ trong luật. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, thẩm quyền điều tra của lực lượng kiểm soát chuyển giá, kinh phí cấp cho công tác thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá cũng cần phải được chú trọng.

Thiết nghĩ, trước mắt, việc bổ sung một số điều quy định trực tiếp về chuyển giá và chống chuyển giá vào Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) là thực sự cấp bách. Về lâu dài, việc từng bước hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh những vấn đề về chống chuyển giá sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, giảm thiểu tác động tiêu cực của hành vi này đối với nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu và áp dụng một số giải pháp về quản lý để nâng cao hiệu quả trong công tác chống chuyển giá, như:

Một là, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ và đầu tư sắp xếp, tổ chức một cách hiệu quả bộ máy của lực lượng chống chuyển giá.

Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử nhằm tăng cường, bảo đảm kết nối, trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan liên quan trong công tác chống chuyển giá.

Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống chuyển giá. Ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương về chống chuyển giá, tránh đánh thuế hai lần, vừa bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, đồng thời bảo đảm duy trì môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư.

Năm 2017, cơ quan thuế các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, qua đó truy thu, truy hoàn và phạt 2.270,58 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp này với số tiền 4.134,73 tỷ đồng.

Năm 2016, thông qua đấu tranh chống chuyển giá đối với 329 doanh nghiệp, cơ quan thuế các cấp đã truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỷ đồng.

Năm 2015, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 4.751 doanh nghiệp "lỗ", có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Kết quả, truy thu, truy hoàn và phạt 1.062,74 tỷ đồng, số thuế đã nộp NSNN là 887,74 tỷ đồng.