Củng cố an ninh lương thực ở châu Phi

Các bộ trưởng thuộc khối Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD) ở Ðông Phi đã nhất trí cùng phát triển một lộ trình toàn diện củng cố an ninh lương thực, trong bối cảnh nạn đói đang bùng phát ở nhiều quốc gia trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân ở Kenya canh tác nông nghiệp bền vững. (Ảnh AKDN)
Nông dân ở Kenya canh tác nông nghiệp bền vững. (Ảnh AKDN)

Ðây là nỗ lực chung của các nước Ðông Phi nhằm đối phó tình trạng mất an ninh lương thực ở châu lục gia tăng do tác động của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine, vấn nạn bạo lực ngày càng trầm trọng cũng như hạn hán hoành hành tại nhiều nơi của châu Phi.

IGAD - có trụ sở tại Djibouti - là một khối thương mại với tám thành viên, bao gồm: Ethiopia, Eritrea, Djibouti, Kenya, Somalia, Sudan, Nam Sudan và Uganda. IGAD trải dài khắp vùng Sừng châu Phi, Thung lũng sông Nile và Hồ lớn châu Phi. Ðây cũng là những khu vực phải hứng chịu các tác động thảm khốc của tình trạng hạn hán dai dẳng và tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Với khoảng 50 triệu người đối mặt nạn đói vào cuối năm 2022, các nước thuộc khối này chiếm tới 22% tổng số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu, 10 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng nặng và cấp tính. Tại Ethiopia, Kenya và Somalia, có tới 23 triệu người bị đói mỗi ngày và dự kiến con số này sẽ tăng lên 26 triệu người vào đầu năm tới. Ngoài ra, 24% trong số 51 triệu người di cư tại khối cũng đang gặp nguy hiểm, trong đó chủ yếu ở Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Sudan. IGAD nhấn mạnh, đây là số lượng người dân bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng cao nhất từng được ghi nhận. Ngoài ra, khối này tiếp tục chịu những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, tranh chấp tài nguyên kéo dài, suy thoái kinh tế, giá thực phẩm và nhiên liệu leo thang, cũng như tình trạng lạm phát. Ðứng trước thách thức về an ninh lương thực, IGAD tuyên bố lộ trình của khối này sẽ ưu tiên mở rộng quy mô ngăn chặn nạn đói, củng cố hệ thống lương thực, tăng cường khả năng phục hồi và cải thiện thương mại xuyên biên giới trong khu vực.

Tình trạng khan hiếm mưa trong suốt ba năm qua đã đẩy các cộng đồng dân cư tại những khu vực khô hạn và bán khô hạn (ASAL) - vốn là nơi dễ bị tổn thương nhất do hạn hán liên tục tái diễn - ở châu Phi tới bờ vực thảm họa. Ethiopia, Somalia và nhiều địa phương của Kenya đang bước vào mùa khô hạn thứ năm liên tiếp, đe dọa gây ra nạn đói trên diện rộng. Trong khi đó, kể từ nửa cuối năm 2021, lạm phát giá lương thực hằng năm ở các nước phía nam sa mạc Sahara đã tăng lên hơn 10%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, 123 triệu người, tương đương 12% số dân khu vực này, có nguy cơ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào cuối năm nay. Trước đại dịch Covid-19, số người bị ảnh hưởng là khoảng 82 triệu người.

Lộ trình bảo đảm an ninh lương thực của các nước châu Phi gặp khó khăn chồng chất bởi lạm phát ngoài tầm kiểm soát gây mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Giám đốc IMF khu vực châu Phi, ông Abebe Selassie (A.Xê-la-xi) cho biết, các ngân hàng trung ương ở Lục địa Ðen chật vật kiềm chế lạm phát. IMF đã điều chỉnh mức tăng lạm phát của khu vực này trong năm nay thêm hai điểm % lên 8,7%, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực xuống còn 3,6%, giảm đáng kể so mức tăng trưởng 4,7% trong năm 2021. Trong khi đó, lãi suất toàn cầu tăng nhanh đồng nghĩa với việc các quốc gia nợ nần nhiều nhất ở phía nam sa mạc Sahara không thể tiếp cận các thị trường vốn quốc tế. Ðiều này đã khiến nhiều nước phải đề nghị IMF hỗ trợ tài chính. Trong bối cảnh lạm phát và giá lương thực leo thang, nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, IMF cảnh báo nhiều quốc gia ở châu Phi có thể cần tái cơ cấu nợ công.