Thời đó, hầu hết người dân còn nghèo, cho nên chỉ đánh vào tâm lý chuộng giá rẻ, loại bia Vạn Lực mặc dù đắng ngắt, hương vị kém nhưng vẫn "phủ sóng" khắp các vùng quê, "nhà nhà dùng bia Vạn Lực, người người dùng bia Vạn Lực". Nhiều thương hiệu bia trong nước mặc dù ngon hơn, song giá cao, đã không đáp ứng khả năng của đông đảo người dân, bị Vạn Lực cạnh tranh gay gắt, một số đã bị "dìm" không gượng dậy nổi. Ðể "đẩy lùi" ngàn vạn chiếc chai xanh khỏi suy nghĩ của người tiêu dùng, trong hàng chục năm ròng rã, các nhà máy bia trong nước đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, coi đây là mục tiêu sống còn để tồn tại. Nhờ những bước tiến kiên trì, vững chắc, nhiều thương hiệu bia Việt đã thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất vẫn luôn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Yếu tố giá rẻ như một thỏi nam châm có sức hút vô cùng lớn đối với thị hiếu người tiêu dùng, nhất là tại khu vực nông thôn, nơi phần lớn người dân điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. Các cụ ta từ xưa đã có câu: "Của rẻ là của ôi", người tiêu dùng hiện nay đã được cảnh tỉnh với những nguy cơ từ hàng Trung Quốc giá rẻ đem lại. Nhưng có vẻ như chỉ các mặt hàng thực phẩm, liên quan trực tiếp sức khỏe mới được người tiêu dùng quan tâm, còn nhiều thứ "của rẻ" khác vẫn chưa được đưa vào "tầm ngắm". Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đã chịu cảnh khốn đốn với loại "thép hợp kim Bo" Trung Quốc. Với tỷ lệ rất nhỏ nguyên tố bo-ron trong thép, gắn mác thép hợp kim để "lách" thuế, thực chất loại thép này chỉ là thép xây dựng, chất lượng chưa được kiểm chứng. Song với giá rẻ mạt, loại thép này vẫn "làm mưa, làm gió" trên thị trường. Không hiểu một số công trình dân dụng, nhà cửa xây dựng, nếu chẳng may gặp sự cố do sắt thép kém chất lượng, hậu quả sẽ thế nào? Nhìn rộng ra, nhiều dự án giao thông, thủy điện,... với số vốn đầu tư lớn, được tổ chức đấu thầu quốc tế, nhà thầu Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế lớn nhờ áp dụng "chiêu" giá rẻ. Tuy nhiên, khi triển khai, các gói thầu xây lắp thường có công nghệ cũ và thiếu đồng bộ, hầu hết nhà thầu thực hiện rất chậm và bằng đủ mọi lý do để trì hoãn, xin điều chỉnh giá. Kết quả nhận được cuối cùng vẫn là tiến độ chậm, thiết bị thiếu đồng bộ, hay gặp sự cố và giá... vẫn cao. Vậy là tưởng rẻ lại hóa đắt!
Ðến khi nào tâm lý chuộng "của rẻ" mới dứt hẳn khỏi suy nghĩ và tâm lý người tiêu dùng?