Hiện đang là mùa đánh bắt chính trong năm nhưng nhiều tàu, thuyền đánh cá của ngư dân các xã vùng biển hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh gặp rất nhiều khó khăn trong việc ra khơi đánh bắt hải sản do cửa biển Cửa Tùng bị bồi lấp, mực nước tại các khu vực khác cũng quá cạn.
Những ngày đầu năm mới, tranh thủ trời yên, biển lặng, ngư dân Phan Thanh Ðạo, ở thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) đã chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực và thực phẩm để ra khơi đánh bắt hải sản dài ngày, nhưng tàu của anh không thể ra khơi do cửa biển bị bồi lấp nặng. Anh Ðạo cho biết: "Từ giữa tháng 2, tôi đã mua đủ lượng dầu máy, đá lạnh và hợp đồng với bạn thuyền để chuẩn bị ra khơi nhưng do cửa biển quá cạn, tàu không thể ra khơi được. Ðầu tư mua sắm tàu, ngư lưới cụ hàng trăm triệu đồng nhưng không ra khơi đánh bắt được cho nên gia đình tôi gặp nhiều khó khăn".
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện ở thị trấn Cửa Tùng và xã Trung Giang (Gio Linh) có hơn 100 chiếc tàu có công suất từ 60 CV trở lên, nhưng từ đầu năm đến nay, hầu như không có tàu nào ra khơi được. Ngư dân Hồ Văn Hoàng, ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh vay ngân hàng 20 tỷ đồng đóng mới con tàu sắt có công suất hơn 800 CV nhưng không ra khỏi cửa biển được mà nằm ỳ tại bến. Anh Hoàng cho biết: Do tính chuyện đi biển dài ngày cho nên ngoài số tiền bốn anh em góp lại, chúng tôi vay thêm ngân hàng đóng mới được con tàu sắt 800 CV này. Ðầu năm, thời tiết thuận lợi, chúng tôi nóng lòng ra khơi đánh bắt hải sản, nhưng thấy cửa biển đang bị bồi lấp nặng, mực nước quá cạn, không biết khi nào thì tàu có thể xuất bến được".
Tàu xa bờ không thể ra khơi, nhiều người dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở địa phương cũng gặp khó khăn theo. Xưởng sản xuất nước đá của chị Phan Thị Tùng, ở thị trấn Cửa Tùng, trước đây mỗi ngày bán được từ 300 đến 400 cây đá, lợi nhuận thu được từ sáu đến bảy triệu đồng, thế nhưng, từ đầu năm đến nay, xưởng sản xuất nước đá của chị chỉ sản xuất được vài chục cây. Chị Tùng buồn bã nói: "Cửa biển bị bồi lấp, ngư dân không thể ra khơi, thì những người sống bằng dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây cũng không có việc để làm. Cuộc sống của chúng tôi đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi mong chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khơi thông luồng lạch để tàu ra vào cảng thuận lợi, giúp ngư dân ổn định cuộc sống".
Theo một số ngư dân ở vùng biển huyện Vĩnh Linh, khu vực cửa biển Cửa Tùng có chế độ bán nhật triều (một ngày nước lên xuống hai lần), thời điểm khi nước cao chỉ được 0,6 m so với cốt 0,0 hệ hải đồ, nhưng khi nước thấp chỉ còn 0,2 m. Ðể tránh rủi ro, những ngư dân có tàu cá công suất lớn thường chờ lúc thủy triều lên mới cho tàu vào cập bến. Tuy nhiên, ngư dân lo lắng nhất là những lúc chạy tránh bão, không có thời gian để chờ thủy triều, vì thế nhiều khi bão sắp đến mà tàu thì bị mắc cạn, rất nguy hiểm.
Ngoài ra, do lượng cát bồi lấp mạnh các luồng lạch cũng gây không ít khó khăn cho tàu thuyền mỗi lần cập cảng. Trước đây, khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Cửa Tùng rất thuận lợi vì đây là vịnh tự nhiên khuất gió nhưng sau khi lấp vịnh xây cảng cá kết hợp khu dịch vụ hậu cần neo đậu tàu thuyền như hiện nay thì khu vực này thường xuyên chịu lực va đập mạnh của sóng biển đánh trực diện khiến vào mùa mưa bão tàu, thuyền khó neo đậu tránh trú bão ở đây được.
Cảng trưởng Cảng cá Cửa Tùng Nguyễn Tiến Long, cho biết: "Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị đã có tờ trình đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm cho nạo vét khẩn cấp luồng vào cảng cá Cửa Tùng và khu neo đậu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết".
Trước tình hình nêu trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Chúng tôi đã kiến nghị với tỉnh cho ứng một khoản kinh phí khoảng năm tỷ đồng để khơi thông luồng lạch, giúp ngư dân ra khơi được dễ dàng. Còn giải pháp về lâu dài cần phải có đánh giá tổng thể về hiện tượng bồi lấp này, cũng như các giải pháp có tính bền vững. Trong đó cần chú ý đến dòng chảy và hiện tượng bồi lắng.
Việc nạo vét luồng lạch để giúp ngư dân ra vào cửa biển Cửa Tùng chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt. Về lâu dài, tỉnh Quảng Trị cần có giải pháp tổng thể mang tính bền vững để không còn xảy ra hiện tượng bồi lấp. Nếu không biển vẫn bồi lấp, ngư dân tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình hoạt động trên biển.