Cụ ông Singapore mất hơn 71 nghìn đô la chỉ trong 2 giờ vì ứng dụng giả mạo

NDO - Cụ ông 70 tuổi ở Singapore đã mất khoảng 71 nghìn đô la Singapore (khoảng hơn 1,2 tỷ đồng) chỉ trong vòng 2 giờ sau khi vô tình nhấp vào ứng dụng Google Play giả mạo chứa mã độc trên điện thoại di động của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Loo đã mất toàn bộ số tiền lương hưu tích cóp sau khi cài nhầm ứng dụng Google Play giả mạo chứa mã độc. (Ảnh: Shin Min Daily News)
Ông Loo đã mất toàn bộ số tiền lương hưu tích cóp sau khi cài nhầm ứng dụng Google Play giả mạo chứa mã độc. (Ảnh: Shin Min Daily News)

Nhật báo Buổi sáng (Shin Min) Singapore đưa tin, ông Loo cho biết đã nhận được cuộc gọi từ nhân viên Ngân hàng DBS vào lúc 9 giờ sáng, thông báo rằng phát hiện tài khoản ngân hàng của ông đã nhiều lần thực hiện lệnh chuyển khoản ra nước ngoài trong vòng 2 giờ kể từ 3 giờ sáng cùng ngày.

Tổng số tiền được chuyển là 71 nghìn đô la Singapore, và chỉ còn khoảng 2.000 đô-la Singapore trong tài khoản của ông Loo.

Toàn bộ khoản tiền trợ cấp lương hưu trị giá 30 nghìn đô la Singapore mà ông nhận được hồi tháng 1 đã bị mất. Ngoài ra, thẻ tín dụng của ông cũng bị trừ hơn 6.000 đô la Singapore.

Ngay lập tức, ông Loo đã yêu cầu nhân viên ngân hàng đóng băng tài khoản của mình, đồng thời báo cáo sự việc với cảnh sát và giao lại điện thoại cho nhân viên điều tra.

Chia sẻ sự cố của mình thay lời cảnh báo tới cộng đồng, ông Loo cho biết bản thân đã “mất ăn mất ngủ” sau sự việc. “Phía cảnh sát thông báo nếu chuyển tiền ra nước ngoài thì tôi không thể lấy lại được”, ông Loo ngậm ngùi nói.

Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định rằng vào thời điểm đó, ông không nhận được bất cứ mật khẩu OTP nào, cũng như không nhấp vào bất kỳ liên kết web nào.

Điều tra của cảnh sát Singapore cho thấy, dữ liệu cá nhân của ông Loo đã bị đánh cắp, do trên điện thoại của ông đã cài ứng dụng Google Play giả mạo chứa mã độc.

Cụ ông Singapore mất hơn 71 nghìn đô la chỉ trong 2 giờ vì ứng dụng giả mạo ảnh 2

Người phát ngôn của Ngân hàng DBS cũng cho biết, các cuộc điều tra từ phía cảnh sát xác nhận rằng điện thoại của ông Loo đã bị phần mềm độc hại xâm nhập.

Điều này có thể xảy ra khi 1 ứng dụng được tải xuống có chứa phần mềm độc hại từ các trang web trái phép. Phần mềm độc hại này cho phép tin tặc “kiểm soát” thiết bị di động để thực hiện các giao dịch trực tuyến trái phép.

Đại diện Ngân hàng DBS khẳng định, với những trường hợp này, người dùng sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc tiếp xúc với phần mềm độc hại, dẫn đến việc điện thoại của họ bị xâm nhập.

Hồi giữa tuần này, phía cảnh sát và Cơ quan An ninh mạng Singapore cũng đã đưa ra cảnh báo tới công chúng, liên quan việc cảnh giác khi tải xuống các ứng dụng từ bên thứ ba hoặc các trang web đáng ngờ, cũng như cần tuân thủ các bước bảo đảm an toàn trên không gian mạng.